Nhịp đập năng lượng ngày 25/9/2023

Châu Âu sẽ phụ thuộc vào khí đốt Mỹ trong vài thập niên tới; Xuất khẩu LNG của Nga sang Trung Quốc tăng đột biến; JPMorgan cảnh báo giá dầu lên tới 150 USD vào năm 2026… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 25/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Châu Âu sẽ phụ thuộc vào khí đốt Mỹ trong vài thập niên tới

Trong một cuộc phỏng vấn ở New York (Mỹ) do tờ Financial Times (Anh) công bố hôm 24/9, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng thuộc Ủy ban châu Âu (EC) Ditte Juul Jorgensen nói: “Chúng tôi sẽ cần một số nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống của mình trong vài thập niên tới. Và trong bối cảnh đó, sẽ cần đến năng lượng từ Mỹ”.

Tuyên bố này là một trong những tín hiệu mạnh mẽ nhất từ Brussels rằng các quốc gia EU sẽ tiêu thụ LNG Mỹ đến tận sau thập kỷ này, bất chấp những lo ngại của một số chính trị gia và các nhà vận động môi trường rằng nó có thể gây rủi ro cho các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng của khối 27 quốc gia trên lục địa châu Âu.

Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của bà Jorgensen sẽ giúp “mở đường” cho những khách hàng châu Âu vẫn còn đang do dự khi ký thỏa thuận với các nhà cung cấp của “xứ cờ hoa” sau thời hạn năm 2030. “Đối với các nhà sản xuất LNG của Mỹ, đây thực sự là một tín hiệu tích cực”, ông Fauzeya Rahman, nhà phân tích về LNG tại công ty tư vấn ICIS, cho biết.

Phần lớn dầu xuất khẩu của Nga né được đòn trừng phạt giá trần của G7

Theo một phân tích về dữ liệu vận chuyển và bảo hiểm của Financial Times, trong tháng 8, gần 3/4 tổng lượng dầu thô xuất khẩu qua đường biển của Nga được vận chuyển bằng các tàu không sử dụng bảo hiểm phương Tây, một đòn bẩy được G7 sử dụng để thực thi lệnh giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga ở mức 60 đô la/thùng.

Con số này, tăng từ khoảng 50% vào 5 tháng trước, cho thấy Moscow đang trở nên hiệu quả hơn trong nỗ lực chống lại chính sách giá trần của phương Tây, cho phép nước này bán nhiều dầu hơn ở mức giá gần với giá thị trường quốc tế.

Với dầu thô tăng ổn định kể từ tháng 7, kết hợp sự thành công của Nga trong việc bán phần lớn dầu với giá trên 60 đô la/thùng, Trường Kinh tế Kyiv (KSE) ước tính, doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong năm 2023 có thể sẽ cao hơn dự kiến trước đây ít nhất 15 tỉ đô la.

Xuất khẩu LNG của Nga sang Trung Quốc tăng đột biến

Dữ liệu hải quan Trung Quốc vừa công bố cho thấy lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà Nga xuất khẩu sang Trung Quốc trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 8 năm nay đã chứng kiến mức tăng trưởng chưa từng có, lên tới 60% so với trung bình hàng năm.

Cụ thể, Nga đã giao 5,45 triệu tấn LNG trị giá hơn 3,53 tỷ USD cho Trung Quốc trong giai đoạn này, trở thành nhà cung cấp lớn thứ ba sau Qatar và Australia. Riêng trong tháng 8, lượng LNG Nga xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 72,4% so với tháng 7 và tăng 80,8% về trị giá, đạt 558,37 triệu USD.

Nga đang tăng cường cung cấp LNG cho nước láng giềng phía Đông như một phần trong kế hoạch định tuyến lại hoạt động buôn bán năng lượng của mình sang các thị trường châu Á sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuần trước, Gazprom của Nga đã vận chuyển lô hàng LNG đầu tiên sang Trung Quốc thông qua Tuyến đường biển phía Bắc (NSR), đi qua Bắc Băng Dương.

JPMorgan cảnh báo giá dầu lên tới 150 USD vào năm 2026

Theo một báo cáo mới, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công bằng năng lượng EMEA của JPMorgan, Christyan Malek, đã cảnh báo thị trường rằng đợt tăng giá Brent gần đây có thể tiếp tục lên tới 150 USD/thùng vào năm 2026.

Một số “chất xúc tác” đã được đưa ra để làm cơ sở cho mức giá 150 USD/thùng, bao gồm các cú sốc về công suất, siêu chu kỳ năng lượng và cả những nỗ lực đẩy thế giới ra xa hơn khỏi nhiên liệu hóa thạch. "Hãy thắt dây an toàn vào. Đây sẽ là một siêu chu kỳ rất biến động", ông Malek nói, khi nhà phân tích cảnh báo về việc cắt giảm sản lượng của OPEC và thiếu đầu tư vào các dự án khai thác dầu mới.

Hồi tháng 2 năm nay, JPMorgan từng nhận định rằng, giá dầu khó có thể đạt 100 USD/thùng trong năm nay trừ khi có một số sự kiện địa chính trị lớn làm rung chuyển thị trường, cảnh báo rằng OPEC+ có thể bổ sung tới 400.000 thùng/ngày vào nguồn cung toàn cầu, với xuất khẩu dầu của Nga có khả năng phục hồi vào giữa năm nay.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2592023-695101.html