Nhịp đập năng lượng ngày 25/8/2023

Việt Nam, Philippines, Indonesia sẽ dẫn đầu làn sóng chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á; Mỹ mua gấp đôi lượng uranium của Nga; 16 quốc gia Nam Phi phê duyệt chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng khí đốt trị giá 17 tỷ USD… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 25/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Việt Nam, Philippines, Indonesia sẽ dẫn đầu làn sóng chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á

Quá trình chuyển đổi năng lượng tại Đông Nam Á sẽ được thúc đẩy bởi các quốc gia khác nhau trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia, theo công ty nghiên cứu năng lượng Na Uy Rystad Energy.

Rystad Energy cho hay, tổng mức đầu tư vào năng lượng tái tạo ở các nước Đông Nam Á có thể đạt 119 tỷ USD vào năm 2027 nhờ các dự án gió, mặt trời và địa nhiệt. Trong ngắn hạn, đầu tư vào năng lượng tái tạo dự kiến sẽ vượt 76 tỷ USD từ năm 2023 đến năm 2025, phần lớn nhờ các quốc gia như Việt Nam, Philippines và Indonesia. Các nhà sản xuất điện độc lập (IPP) sẽ dẫn đầu tăng trưởng xanh ở Đông Nam Á.

Rystad cũng nhận xét rằng Việt Nam đang giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách mở rộng công suất điện gió cả trên đất liền và ngoài khơi. Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này dự kiến sẽ thúc đẩy việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để sản xuất điện, bao gồm điện mặt trời trên áp mái cho các khu dân cư và doanh nghiệp.

Phát triển năng lượng tái tạo có thể giúp Đông Nam Á thu về 100 tỷ USD vào năm 2030

Theo nghiên cứu với nhan đề “Sản xuất năng lượng tái tạo: Cơ hội cho Đông Nam Á” được công bố ngày 24/8 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đang diễn ra ở Bali, Indonesia, các ngành công nghiệp pin quang điện mặt trời (PV), pin và xe điện 2 bánh đang phát triển của Đông Nam Á sẽ mang lại doanh thu ước tính 90-100 tỷ USD vào năm 2030.

Báo cáo cũng đưa ra dự báo với các nguồn lực sẵn có, Đông Nam Á có thể tăng công suất sản xuất pin mặt trời dạng mô-đun từ 70GW lên 125-150GW vào năm 2030; đồng thời phát triển chuỗi giá trị sản xuất pin khu vực, tăng nhu cầu trong nước và khu vực, đưa Đông Nam Á trở thành trung tâm xuất khẩu khu vực và toàn cầu, đủ điều kiện sản xuất các khối pin 140-180 gigawatt-giờ (GWh) vào năm 2030.

Theo chuyên gia của ADB, nghiên cứu này cho thấy triển vọng của việc sản xuất năng lượng tái tạo - với sự hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật và tài chính - trong việc giúp các nước đang phát triển trong khu vực chuyển đổi năng lượng, đồng thời giảm lượng khí thải carbon, mở rộng năng lực công nghiệp địa phương, khuyến khích tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Iraq thúc đẩy nhập khẩu khí đốt từ Trung Á

Iraq sẽ bắt đầu nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Turkmenistan trong thời gian tới sau khi hai nước ký thỏa thuận sơ bộ về nguồn cung khí đốt nhằm giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất điện của nhà khai thác lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Thứ trưởng phụ trách các vấn đề khí đốt của Bộ Dầu mỏ Iraq, Ezzat Sabre dự kiến sẽ ký thỏa thuận trước cuối năm nay.

Iraq thiếu các nhà máy xử lý khí đốt cần thiết để xử lý khí liên quan được khai thác từ các mỏ dầu khổng lồ của mình và tiếp tục đốt cháy một phần khối lượng khí đốt đó. Bởi vậy dù giàu dầu khí nhưng Iraq vẫn phải nhập khẩu khí đốt từ các nước láng giềng, trong đó có Iran, để làm nhiên liệu cho các nhà máy điện của nước này.

Iraq nhập khẩu khí đốt và điện từ Iran nhưng gặp khó khăn trong việc thanh toán những khoản đó do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực năng lượng của Iran. Mỹ, một mặt ủng hộ các thỏa thuận năng lượng giữa Iraq và Iran, song cũng thúc đẩy Baghdad giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Iran. Thỏa thuận với Turkmenistan của Iraq có thể phục vụ mục đích giảm nhập khẩu từ Iran.

Mỹ mua gấp đôi lượng uranium của Nga

Mỹ đã mua 416 tấn uranium của Nga trong nửa đầu năm nay, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022, và là mức cao nhất kể từ năm 2005. Hãng thông tấn RIA Novosti cho hay, Nga hiện chỉ cung cấp cho Mỹ uranium đã được làm giàu. Đây là nguyên liệu quan trọng để sản xuất điện hạt nhân dân sự.

Theo RIA Novosti, Washington đã chi 696,5 triệu USD để nhập khẩu uranium từ Nga, đánh dấu giá trị nhập khẩu ở mức cao nhất kể từ năm 2002. Trong nửa đầu năm nay, giá nhập khẩu uranium của Nga đã tăng 2,5 lần.

Theo báo cáo gần đây của tờ New York Times, khoảng 1/3 lượng uranium làm giàu được sử dụng ở Mỹ là nhập khẩu từ Nga. Mỹ cũng tăng đáng kể lượng uranium mua của các quốc gia khác trong nửa đầu năm nay. Lượng uranium mà Mỹ nhập khẩu Anh chiếm 18% tổng lượng nhập khẩu, Pháp 15%, Đức và Canada cũng nằm trong Top 5 nước xuất khẩu uranium sang thị trường Mỹ và chiếm lần lượt 13% và 11%.

16 quốc gia Nam Phi phê duyệt chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng khí đốt trị giá 17 tỷ USD

16 quốc gia thành viên của Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC) đã phê duyệt chương trình đầu tư trị giá 17 tỷ USD trong 15 năm vào cơ sở hạ tầng khí đốt, thông báo được đưa ra vào ngày 23/8 vừa qua.

Được gọi là “Kế hoạch tổng thể về khí đốt khu vực giai đoạn 2023-2038”, chương trình đã được phê duyệt tại Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ quốc gia và chính phủ các nước thành viên SADC lần thứ 43, diễn ra tại thủ đô Luanda của Angola.

Kế hoạch này bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn khí và thiết bị đầu cuối khí tự nhiên hóa lỏng, nhằm cải thiện việc cung cấp năng lượng và đa dạng hóa cơ cấu năng lượng, vốn vẫn bị chi phối bởi than.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2582023-692625.html