Nhịp đập năng lượng ngày 23/9/2023

20 tỷ USD vốn tư nhân và nước ngoài đổ vào năng lượng tái tạo; Indonesia ủng hộ tham vọng phát triển LNG; Đường ống Power of Siberia dẫn khí đốt tới Trung Quốc tạm ngừng hoạt động… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 23/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

20 tỷ USD vốn tư nhân và nước ngoài đổ vào năng lượng tái tạo

Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) Trần Kỳ Phúc cho biết, thời gian qua, nhất là trong 4 năm gần đây (2019-2022), Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Theo đó, ước tính khoảng 20 tỷ USD chủ yếu từ nguồn vốn tư nhân và nước ngoài đã được huy động trong thời gian qua, giảm sức ép nguồn vốn nhà nước đầu tư nguồn điện trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết năm 2022, đã có 8.908 MW điện mặt trời, 7.660MW điện mặt trời áp mái, 5.059 MW điện gió, 395 MW điện sinh khối và điện chất thải rắn trong tổng công suất nguồn điện.

Tổng công suất đặt của các nguồn điện gió và mặt trời đã chiếm gần 27% tổng công suất đặt của hệ thống trong đó điện gió chiếm 6,27% và điện mặt trời chiếm 19,53%, đưa Việt Nam trở thành một trong các nước đi đầu về công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo trên thế giới và trong khu vực.

Indonesia ủng hộ tham vọng phát triển LNG

Theo Tổng Giám đốc Dầu khí tại Bộ Năng lượng và tài nguyên khoáng sản Tutuka Ariadji, Indonesia đang hoan nghênh sự tăng trưởng trong lĩnh vực khí đốt hóa lỏng (LNG) thông qua kế hoạch xuất khẩu Abadi và các dự án mới tiềm năng như kế hoạch Andaman.

Phát biểu tại Đại hội Dầu khí Thế giới ở Calgary, Canada, ông Tutuka nói với Upstream rằng Chính phủ Indonesia ủng hộ tham vọng phát triển chương trình LNG của Harbour và ông lạc quan rằng Andaman và Abadi sẽ không phải là những dự án phát triển LNG cuối cùng cho quốc gia Đông Nam Á này. Đất nước này có triển vọng khí đốt tốt, bao gồm các hoạt động ở khu vực phía Tây, nơi BP cùng với các công ty khác đang xây dựng kế hoạch thăm dò.

Ông cho biết có hơn 60 hợp đồng chia sản phẩm (PSC) ở Indonesia chưa hề tiến hành khoan thăm dò. Ông cũng khẳng định rằng Indonesia từng là một trong những nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trên toàn thế giới và hy vọng sẽ quay trở lại vị thế dẫn đầu đó.

UAE mạnh tay đầu tư các dự án năng lượng tái tạo

Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Arập, đã và đang đầu tư mạnh tay vào các dự án năng lượng tái tạo với mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

UAE đã phê duyệt phiên bản cập nhật Chiến lược Năng lượng UAE 2050 và kế hoạch phát triển Chiến lược Hydro Quốc gia vào tháng 7/2023. Theo các chiến lược này, UAE có kế hoạch đầu tư 200 tỷ dirham (54 tỷ USD) vào năm 2030 để bảo đảm đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Một vài trong số các dự án năng lượng sạch lớn mà UAE đang phát triển gồm có nhà máy điện hạt nhân Barakah, nhà máy điện Mặt trời có công suất 2 GW ở vùng Al Dhafra của Abu Dhabi và Công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum có công suất 5 GW ở Dubai. UAE cũng đã công bố các dự án năng lượng gió trên đảo Sir Bani Yas của Abu Dhabi và địa nhiệt tại vùng Vịnh.

Qatar đầu tư dầu khí lên đến 20 tỷ USD trong năm nay

Thị trường kỹ thuật và xây dựng của Qatar đang sôi động với các hợp đồng dầu khí trị giá hơn 20 tỷ USD có thể sẽ được hoàn tất trong năm nay khi nước này tiếp tục thúc đẩy các dự án chiến lược để mở rộng công suất dầu khí.

Các hợp đồng kỹ thuật, mua sắm và xây dựng trị giá lên tới 11,5 tỷ USD đã được QatarEnergy trao trong năm nay, với các hợp đồng dầu khí bổ sung trị giá ít nhất 9 tỷ USD được cho là đang trong giai đoạn đấu thầu và có thể hoàn tất trước cuối năm nay.

Trong khi Qatar tiếp tục đầu tư hàng tỷ USD vào việc mở rộng khai thác khí đốt từ North Field, nước này cũng đang thúc đẩy phát triển dầu mỏ chiến lược tại các mỏ dầu Al Shaheen, Bul Hanine và Idd El-Shargi North Dome.

Đường ống Power of Siberia dẫn khí đốt tới Trung Quốc tạm ngừng hoạt động

Tập đoàn Gazprom thông báo trên kênh telegram chính thức của mình, rằng công việc bảo trì sẽ diễn ra trên tuyến đầu tiên của đường ống Power of Siberia, kéo dài dự kiến đến ngày 27/9. Trong thời gian này, việc vận chuyển khí đốt sẽ tạm thời bị đình chỉ.

Theo thỏa thuận mua bán khí đốt dọc theo tuyến đường phía đông giữa Gazprom và Công ty CNPC của Trung Quốc, việc bảo trì thiết bị và hệ thống của đường ống Power of Siberia được thực hiện hai lần một năm - vào mùa xuân và mùa thu, thông báo cho biết.

Giới phân tích nhận xét sự kiện này sẽ không tác động nhiều đến thị trường vì đã được lên kế hoạch. Mặc dù vậy, nó vẫn sẽ có một số tác động đến giá năng lượng tại châu Âu. Lý do là bởi vì các công ty Trung Quốc có thể sẽ “gây áp lực” lên nhiên liệu hóa lỏng và sẽ tích cực can thiệp vào giao dịch LNG giao ngay trên thị trường toàn cầu, nhờ khả năng đưa ra mức giá cạnh tranh hơn.

FERC khuyến nghị Mỹ sửa các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng lưới điện và khí đốt tự nhiên

Cơ quan Quản lý Năng lượng liên bang Mỹ (FERC) vừa khuyến nghị sửa đổi các tiêu chuẩn về độ tin cậy đối với cơ sở hạ tầng lưới điện và khí đốt tự nhiên của nước này để tránh các vấn đề do hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gây ra, trên cơ sở các phát hiện từ báo cáo về cơn bão mùa đông Elliott năm 2022.

Báo cáo sẽ được FERC công bố vào cuối năm nay, đưa ra 11 khuyến nghị hành động nhằm giúp ngăn chặn những hiện tượng tương tự đã xảy ra trong cơn bão mùa đông Elliott năm 2022. Cơn bão mùa đông Elliott đã khiến các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo về nhiệt độ dưới mức đóng băng và thời tiết khắc nghiệt cho khoảng 2/3 diện tích nước Mỹ và gây ra tình trạng thất thoát nguồn cung cấp điện ngoài kế hoạch.

Các khuyến nghị còn bao gồm tăng cường giám sát chặt chẽ việc thực hiện các tiêu chuẩn về độ tin cậy. Báo cáo cũng khuyến nghị cần có luật hoặc quy định để thiết lập các quy tắc về độ tin cậy cho cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên. FERC cũng kêu gọi Ủy ban Tiêu chuẩn Năng lượng Bắc Mỹ tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các nhà khai thác khí đốt, lưới điện và các công ty phân phối khí đốt để cải thiện khả năng liên lạc trong các sự cố thời tiết giá lạnh khắc nghiệt và nâng cao nhận thức trong toàn bộ chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2392023-694981.html