Nhịp đập năng lượng ngày 21/9/2023

Ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp than dài hạn cho EVN; Nga vận chuyển lô dầu thô CPC đầu tiên tới UAE; Venezuela tranh chấp dầu mỏ với Guyana… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp than dài hạn cho EVN

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty (TCT) Đông Bắc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác về việc cung cấp than dài hạn cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) sử dụng than anthracite trong EVN.

Các bên thống nhất về nguyên tắc TKV và TCT Đông Bắc sẽ chịu trách nhiệm chính trị về cung cấp đủ than anthracite cho vận hành toàn bộ các nhà máy nhiệt điện của EVN/EVNGENCO từ năm 2024 và các năm tiếp theo trong suốt thời gian vận hành của nhà máy.

Sau lễ ký kết thỏa thuận, lãnh đạo các bên sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để TKV, TCT Đông Bắc có cơ sở triển khai các giải pháp như đầu tư, tăng sản lượng, nhập khẩu…, nhằm bảo đảm cung cấp đủ than cho phát điện.

Nga vận chuyển lô dầu thô CPC đầu tiên tới UAE

Công ty dầu mỏ Lukoil của Nga và hãng khai thác độc lập CenGeo đã vận chuyển dầu CPC lần đầu tiên tới Công ty Dầu khí Quốc gia ADNOC của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), theo Reuters.

Vào đầu tháng 8, Lukoil đã cung cấp 123.000 tấn dầu CPC Blend trên tàu chở dầu Delta Hellas tới kho cảng Ruwais, mặc dù ADNOC từ chối bình luận về thương vụ này. CPC Blend là dầu thô được vận chuyển theo đường ống chung thông qua hệ thống đường ống của Hiệp hội Đường ống Caspian. Có thời điểm, UAE cũng nhập khẩu các loại dầu khác nhau cho các nhà máy lọc dầu của mình để tối ưu hóa chênh lệch giá.

Không như các nước phương Tây, UAE chưa áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Ngoài ra, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài Mỹ (OFAC) đã thông báo rằng dầu CPC Blend không bị lệnh trừng phạt nếu có nguồn gốc từ Kazakhstan mặc dù điều đó gợi ý cho người mua loại dầu này phải tìm kiếm giấy chứng nhận xuất xứ.

Venezuela tranh chấp dầu mỏ với Guyana

Chính phủ Venezuela mới đây đã gọi các cuộc đấu thầu dầu do nước láng giềng Guyana triển khai cho khu vực hàng hải ngoài sông Esequibo, nơi Venezuela tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình, là "bất hợp pháp". Bộ Ngoại giao Venezuela cho biết "kiên quyết bác bỏ các lời kêu gọi bất hợp pháp về đấu thầu các lô dầu hiện do Chính phủ Cộng hòa Hợp tác Guyana thực hiện, vì có các vùng biển đang chờ phân định giữa hai nước".

Tổng thống Guyan ngay lập tức phản ứng bằng một tuyên bố rằng “chính phủ có quyền theo đuổi các hoạt động phát triển kinh tế ở bất kỳ phần nào thuộc lãnh thổ chủ quyền của mình hoặc bất kỳ lãnh thổ hàng hải liên quan”. “Bất kỳ nỗ lực đơn phương nào của Venezuela nhằm hạn chế việc Guyana thực hiện chủ quyền và các quyền chủ quyền sẽ hoàn toàn không tương thích với các quy tắc của luật pháp quốc tế”, họ nói thêm.

Esequibo (hoặc Essequibo), đôi khi còn được gọi là Guayana Esequiba, là lãnh thổ rộng 160.000 km2, dưới sự quản lý của Guyana và là nơi nói tiếng Anh, là nơi chứa các mỏ dầu, khoáng sản và các lưu vực sông vô cùng phong phú. Guyana đã phát động cuộc đấu thầu đầu tiên để khai thác các mỏ dầu vào tháng 12/2022, với 11 lô thăm dò ở vùng nước nông và 3 lô khác ở vùng nước sâu và cực sâu.

Nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc năm 2023 có thể tăng 8%

Nhu cầu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc trong năm nay dự kiến sẽ tăng 8% từ năm 2022, lên 396,4 tỷ mét khối (bcm), một nhà phân tích từ bộ phận nghiên cứu của CNOOC cho biết tại một hội nghị hôm 20/9.

Ông Xie Xuguang, từ trung tâm nghiên cứu của Gas and Power Group cho biết, nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự kiến sẽ đạt 70,79 triệu tấn trong năm nay, tăng 10,9% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu khí qua đường ống đạt 69,5 bcm, tăng 10,7% so với mức năm 2022.

CNOOC dự báo tăng trưởng nhu cầu cao hơn so với ba nhà phân tích khác. Dự báo này xuất hiện sau đợt sụt giảm nhu cầu hiếm hoi vào năm 2022 khi nhu cầu khí đốt của Trung Quốc giảm 1% trong bối cảnh các biện pháp kiểm soát chặt chẽ do Covid-19 và chứng kiến Trung Quốc nhường vị trí nhà nhập khẩu LNG hàng đầu cho Nhật Bản.

TotalEnergies đầu tư lớn vào điện tái tạo ở Ấn Độ

Tập đoàn TotalEnergies của Pháp này 20/9 công bố rằng họ đang đầu tư 300 triệu USD vào việc thành lập một liên doanh phát triển năng lượng gió và mặt trời với tập đoàn Adani của Ấn Độ, nhằm “tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường năng lượng tái tạo Ấn Độ”.

"TotalEnergies và Adani Green Energy Limited (AGEL) đã thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận ràng buộc để thành lập một liên doanh mới, thuộc sở hữu ngang nhau" của hai công ty "và có danh mục đầu tư", "cả năng lượng mặt trời và năng lượng gió là 1.050 MWac", TotalEnergies nêu rõ trong thông cáo báo chí. AGEL sẽ đóng góp các tài sản đang ở giai đoạn đã hoạt động, đang được xây dựng hoặc đang phát triển. Về phần mình, TotalEnergies sẽ đầu tư 300 triệu USD vào vốn cổ phần để hỗ trợ sự phát triển của họ.

Tập đoàn dầu khí Pháp cho biết: “Giao dịch mới này sẽ cho phép TotalEnergies tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với AGEL và hỗ trợ công ty trong tham vọng trở thành công ty dẫn đầu về năng lượng tái tạo ở Ấn Độ, với mục tiêu đạt 45 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030”.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2192023-694808.html