Nhịp đập năng lượng ngày 21/11/2023

Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam; Trung Quốc chuyển hướng tích trữ dầu; EC cho phép EU hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi sự tăng giá năng lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Orsted dừng phát triển điện gió tại Việt Nam

Orsted - là doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối và là tập đoàn phát triển gió ngoài khơi lớn nhất toàn cầu đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Orsted đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác chiến lược trong lĩnh điện gió ngoài khơi với Tập đoàn T&T vào tháng 9/2021 với dự kiến sẽ hợp tác phát triển 3 dự án tại tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, với tổng công suất lắp đặt ước đạt gần 10 GW và tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 30 tỷ USD trong thời gian 20 năm. Tiếp đó, ngày 1/11/2022, T&T và Orsted đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển điện gió ngoài khơi.

Nhưng sau hơn 1 năm triển khai, Orsted đã quyết định dừng toàn bộ hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Orsted sẽ không gia hạn biên bản ghi nhớ với T&T. Đặc biệt, Orsted sẽ rà soát đánh giá lại biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác ba bên ký với NIC để xem xét các phạm vi công việc khả thi mà Orsted có thể tiếp tục triển khai.

Theo giới phân tích, việc Orsted rút chân khỏi hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam có ảnh hưởng nhất định từ độ trễ của khung chính sách hướng dẫn, phát triển dành cho lĩnh vực này. Đồng thời, với việc dẫn ra các thách thức từ thị trường quốc tế như đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ lệ lạm phát tăng cao, chi phí đầu tư tăng trong khi lợi nhuận đã cố định như một phần nguyên nhân giải thích cho hành động của Orsted tại Việt Nam.

Trung Quốc chuyển hướng tích trữ dầu

Các nhà máy lọc dầu Trung Quốc được cho là đang chuyển từ rút dầu sang tích trữ dầu vào tháng 10, với mức 560.000 thùng/ngày do sản lượng giảm trong khi nhập khẩu dầu thô tăng. Thông tin kể trên được nhà báo Clyde Russell của Reuters đưa ra, dựa trên các số liệu nhập khẩu và lọc dầu chính thức từ Bắc Kinh.

Điều này phù hợp với hành vi của các nhà máy lọc dầu trong hầu hết thời gian của năm nay. Theo đó, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tích trữ dầu trong 7 trên tổng số 10 tháng kể từ đầu năm 2023 và rút bớt dầu từ kho trong thời gian còn lại.

Thông thường, các nhà máy lọc dầu sẽ sử dụng kho dự trữ khi giá dầu quốc tế bắt đầu tăng. Năm nay, họ đã rút dầu từ kho trong các tháng 4, 7 và 9. Những thay đổi ròng về tồn kho trong 10 tháng kể từ tháng 1 lên tới mức bổ sung ở mức trung bình hàng ngày là 680.000 thùng.

EC cho phép EU hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi sự tăng giá năng lượng

Ngày 20/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã gia hạn thêm 6 tháng (đến tháng 6/2024) đối với kế hoạch cho phép các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ các công ty bị tác động bởi sự tăng giá năng lượng do xung đột Nga - Ukraine gây ra. Kế hoạch này được đưa ra 1 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Kế hoạch này sẽ đáo hạn vào ngày 31/12/2023.

Biện pháp gia hạn trên cho phép 27 quốc gia thành viên EU cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ tài chính để bù đắp cho các công ty bị tác động bởi chi phí cho điện và khí đốt tăng cao. EC cho rằng, mặc dù giá năng lượng đã bình ổn kể từ cuối năm ngoái, “thị trường năng lượng vẫn dễ bị tổn thương”.

Trong một tuyên bố, EC nêu rõ: “Các quốc gia thành viên có thể duy trì các chương trình hỗ trợ của mình để trang trải giai đoạn sưởi ấm vào mùa đông sắp tới như một mạng lưới an toàn”. Tuy nhiên, Brussels quy định rằng trợ cấp chỉ được phép "trong chừng mực giá năng lượng vượt quá đáng kể mức trước khủng hoảng”.

Mỹ sẽ công bố chiến lược đối tác toàn cầu về sản xuất điện nhiệt hạch tại COP28

Trong tuyên bố ngày 20/11, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry cho biết Mỹ sẽ công bố chiến lược quốc tế đầu tiên để thương mại hóa điện nhiệt hạch, tức nguồn năng lượng điện phát ra từ một nhà máy điện nhiệt hạch (hoặc hợp hạch), trong đó có tính đến các quan hệ đối tác giữa Mỹ và các nước khác, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP28). Hội nghị này sẽ diễn ra tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), từ ngày 30/11 - 12/12.

Hồi tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học Mỹ làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore ở California đã thu được năng lượng từ phản ứng nhiệt hạch bằng cách sử dụng công nghệ laser. Đây được coi là bước đi mang tính đột phá trong nỗ lực tạo nguồn năng lượng sạch cho tương lai. Ông Kerry cũng đã ủng hộ việc cấp vốn hỗ trợ dự án nghiên cứu tạo năng lượng nhiệt hạch tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ).

Hôm 8/11, Mỹ và Anh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác về sản xuất năng lượng nhiệt hạch. Dự kiến, Mỹ sẽ thúc đẩy hợp tác với nhiều nước khác nhằm đẩy nhanh quá trình thương mại hóa năng lượng này.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-21112023-699886.html