Nhịp đập năng lượng ngày 20/9/2023

Châu Âu có nguy cơ cạn kiệt dầu diesel; Goldman nâng dự báo giá dầu Brent lên 100 USD/thùng; Nhật Bản có thể săn mua LNG trước mùa đông… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 20/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Châu Âu có nguy cơ cạn kiệt dầu diesel

Báo Nga Rossiyskaya Gazeta trích dẫn báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) cho biết, châu Âu đang gặp rủi ro cao về thiếu nhiên liệu. Bởi lẽ sau khi dừng mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga, châu Âu không thể đáp ứng nhu cầu nhiên liệu diesel và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

Theo Rossiyskaya Gazeta, Nga sẽ không phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vì nước này sản xuất gấp đôi lượng nhiên liệu diesel mà thị trường nội địa cần. Tuy nhiên, giá dầu diesel tăng ở châu Âu đang đẩy giá nhiên liệu ở Nga tăng lên. Cùng với gánh nặng thuế ngày càng lớn đối với các công ty dầu mỏ, hai yếu tố trên đã nâng giá nhiên liệu tăng cao. Trong khi đó, xuất khẩu xăng và dầu diesel trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất so với cung cấp cho thị trường nội địa.

Nhà phân tích Vladimir Chernov tại tổ chức Freedom Finance Global chỉ ra rằng trữ lượng dầu diesel ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã giảm xuống mức thấp nhất trong 50 năm. Nguyên nhân được cho là do xuất khẩu và sản lượng dầu ở Nga và Saudi Arabia giảm. Bên cạnh đó, sự thiếu đầu tư của châu Âu trong những năm gần đây cũng đóng một vai trò gây sụt giảm công suất lọc dầu.

Cách thức mới trong việc Đức mua khí đốt của Nga

Phát biểu trong một cuộc họp ngắn khi được hỏi liệu khí đốt của Nga có còn chảy vào nước này hay không, một đại diện của Bộ Kinh tế Đức nói: “Các thỏa thuận cung cấp khí đốt được các công ty ký kết và chúng là các thỏa thuận tư nhân, không được Chính phủ liên bang ký kết”. Bộ cho biết thêm: “Đó là lý do tại sao chúng tôi không có bức tranh đầy đủ về cách các công ty bảo đảm nguồn cung khí đốt”.

"Chúng tôi ủng hộ việc không nhập khẩu khí đốt của Nga, kể cả dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng, sang Đức. Tuy nhiên, như tôi đã nói, các thỏa thuận được ký kết bởi các công ty. Việc vận chuyển diễn ra một phần ở Đức, tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm khác để cung cấp cho hệ thống khí đốt châu Âu, vì vậy chúng tôi không thể giám sát chúng một cách riêng biệt", ông giải thích.

Khi được hỏi về việc đảm bảo rằng kế hoạch trừng phạt Nga được tuân thủ, đại diện của Bộ lưu ý rằng vấn đề "đang được giải quyết liên tục". "Các điều chỉnh liên tục được thực hiện để đạt được mục tiêu này một cách rõ ràng nhất có thể, nghĩa là ngăn chặn Nga nhận doanh thu thông qua các hoạt động thương mại như vậy. Chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ cách thức thực hiện các lệnh trừng phạt đó, liệu họ có thể trốn tránh hay không, liệu các điều chỉnh có cần thiết hay không", ông kết luận.

Goldman nâng dự báo giá dầu Brent lên 100 USD/thùng

Với giá tăng hơn 30% kể từ giữa tháng 6, chạm mức 95 USD/thùng vào thứ Ba 19/9, ngân hàng Phố Wall đã nâng dự báo 12 tháng đối với giá dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu lên 100 USD/thùng từ mức 93 USD/thùng. Tuy nhiên, phần lớn đà tăng vẫn chậm so với dự đoán, ngân hàng cho biết trong một ghi chú.

Dầu đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, đạt mức cao nhất trong 10 tháng, nhờ các biện pháp hạn chế nguồn cung đáng kể từ các nước chủ chốt của OPEC+ là Ả Rập Xê-út và Nga. Triển vọng tươi sáng hơn ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc cũng đã hỗ trợ đà tăng này, khi tồn kho dầu của họ giảm nhanh chóng.

Các nhà phân tích Daan Struyven, Callum Bruce và Yulia Zhestkova Grigsby cho biết trong báo cáo ngày 20/9: “Chúng tôi tin rằng OPEC sẽ có thể duy trì giá dầu Brent ở mức 80-105 USD/thùng vào năm 2024 bằng cách thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ, lấy khu vực châu Á làm trung tâm”. Đồng thời, "OPEC khó có thể đẩy giá lên mức cực đoan, vì điều này sẽ phá hủy nhu cầu dài hạn về sau của họ".

Nhật Bản có thể săn mua LNG trước mùa đông

Theo dữ liệu do Bộ Thương mại tổng hợp, tồn kho khí đốt của các nhà cung cấp điện của Nhật Bản đã giảm xuống còn 1,62 triệu tấn tính đến ngày 17/9. Đó là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022.

Các công ty điện lực của đất nước đã bắt đầu dự trữ khí đốt trước mùa đông bằng cách mua LNG từ thị trường giao ngay trong vài tuần qua. Việc tăng mua các lô hàng LNG trong thời gian dài sẽ giúp thắt chặt thị trường toàn cầu và có thể đẩy giá lên cao hơn.

Thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến kho dự trữ khí đốt tự nhiên của Nhật Bản cạn kiệt. Cơ quan Khí tượng quốc gia dự báo nhiệt độ sẽ ấm hơn bình thường ở hầu hết các khu vực trong nước cho đến ngày 15/10.

Trung Quốc - ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch

Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, Chính quyền tỉnh Hải Nam và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia ngày 19/9 đã phối hợp tổ chức Tuần lễ Hợp tác Năng lượng sạch Trung Quốc-ASEAN 2023 tại thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc.

Cục trưởng Cục Năng lượng Quốc gia Trung Quốc Chương Kiến Hoa cho biết Trung Quốc và ASEAN có nhiều điểm nổi bật về hợp tác trong các lĩnh vực như tài trợ năng lượng xanh, ứng dụng đổi mới công nghệ năng lượng sạch, khả năng tiếp cận năng lượng. Trung Quốc sẵn sàng thúc đẩy hợp tác thiết thực với các nước ASEAN trong các lĩnh vực như kết nối nguồn điện, năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng sạch.

Trong khi đó, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho hay nhu cầu năng lượng trong khu vực ASEAN dự kiến sẽ tăng gấp 3-4 lần vào năm 2050. Trọng tâm hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc bao gồm điện gió trên biển, thủy điện, kết nối nguồn điện và giao thông xanh.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-2092023-694719.html