Nhịp đập năng lượng ngày 20/11/2023

Lào tham vọng trở thành nguồn cung cấp điện năng của Đông Nam Á; OPEC+ sẽ chặn đà lao dốc của giá dầu; Libya công bố vòng cấp phép khai thác dầu đầu tiên kể từ năm 2005… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 20/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Lào tham vọng trở thành nguồn cung cấp điện năng của Đông Nam Á

Lào đang nỗ lực tăng cường xuất khẩu điện năng sang các nước láng giềng ở Đông Nam Á và đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, với hy vọng trở thành nguồn dự trữ và cung cấp điện năng của khu vực trong tương lai gần.

Số liệu của Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết nước này hiện có 94 nhà máy sản xuất điện, với tổng công suất lắp đặt hơn 11.600 megawatt (MW), trong đó có 81 nhà máy thủy điện, số còn lại là các nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, sinh khối… Năm 2022, xuất khẩu điện đã đem lại nguồn thu trên 2,3 tỷ USD cho Lào, trong khi nước này chỉ phải chi hơn 40 triệu USD cho việc nhập khẩu điện.

Theo Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, nước này hiện đang xuất khẩu điện sang 6 quốc gia gồm Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, Campuchia và Singapore. Trong thời gian tới, Lào sẽ tiếp tục đàm phán để tăng cường xuất khẩu điện, đồng thời lựa chọn phát triển những nguồn năng lượng có hiệu quả cao, chất lượng tốt, đầu tư thấp và phù hợp với xu hướng hiện nay.

OPEC+ sẽ chặn đà lao dốc của giá dầu

Theo Reuters, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ xem xét liệu có cắt giảm thêm sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp vào cuối tháng này hay không, sau khi giá dầu giảm gần 20% kể từ cuối tháng 9.

Nguồn tin từ Reuters cho biết, các biện pháp hạn chế nguồn cung hiện tại dường như là không đủ để hỗ trợ giá dầu và nhiều khả năng OPEC+ sẽ cân nhắc giảm sâu sản lượng tại các cuộc thảo luận về chính sách vào cuối tháng này.

Một trong những nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters: “Các bộ trưởng OPEC+ chắc chắn không an tâm trước những rủi ro với triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ, dù các yếu tố cơ bản nhìn chung vẫn vững chắc. Họ sẽ thảo luận về các giải pháp nhằm đảm báo xu hướng ổn định của thị trường”.

Libya công bố vòng cấp phép khai thác dầu đầu tiên kể từ năm 2005

Nhằm khôi phục ngành công nghiệp hydrocarbon, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đã đặt nền móng cho vòng cấp phép vào năm 2024, đánh dấu lần đầu tiên sau gần 20 năm. Thông báo do Chủ tịch NOC Farhat Omar Bengdara đưa ra báo hiệu sự tập trung đổi mới vào thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng ngành năng lượng của đất nước, đặc biệt chú trọng vào các mỏ trong lưu vực Sirte, Murzuq và Ghadames.

Các nhà đầu tư tiềm năng và các công ty năng lượng đang được hoan nghênh nghiên cứu dữ liệu toàn diện hiện có thể truy cập được từ NOC. Sáng kiến này là một phần trong chiến lược nhằm tăng công suất khai thác dầu của Libya lên mục tiêu đầy tham vọng là 2 triệu thùng/ngày trong vòng 3-5 năm tới. Mục tiêu này được xây dựng trên cơ sở sản lượng hiện tại đạt gần 1,2 triệu thùng/ngày tính đến tháng trước.

Vòng cấp phép năm 2024 không chỉ nhằm mục đích thu hút những nhà đầu tư mới mà còn để tái thiết lập vị thế của nhà cung cấp đến từ Bắc Phi này như một thành viên quan trọng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Anh nâng mức trần giá điện sản xuất bằng gió ngoài khơi

Nhằm cố gắng thúc đẩy ngành điện gió ngoài khơi, Chính phủ Anh đã có bước đi táo bạo: Nâng trần giá điện sản xuất từ nguồn năng lượng này. Đây là một biện pháp được công bố gần đây, nhằm mục đích cải thiện lợi nhuận của ngành. Từ đó, biện pháp cũng giúp tăng sức hấp dẫn của các dự án gió ngoài khơi đối với các công ty năng lượng.

Sau điều chỉnh, giá bán điện từ các dự án điện gió ngoài khơi tăng 66%, điện từ trang trại nổi tăng 52%. Ngoài ra, chính phủ cũng công bố nâng giá bán điện sản xuất từ những công nghệ năng lượng tái tạo khác như năng lượng địa nhiệt, năng lượng mặt trời và thủy triều. Những biện pháp này là một phần trong kế hoạch mở thầu mới, được lên kế hoạch cho năm tới.

Theo ông Doug Parr - Nhà nghiên cứu trưởng kiêm Giám đốc Chính sách tại Greenpeace UK, Chính phủ Vương quốc Anh đã đưa ra một quyết định sáng suốt và cần thiết nhằm vực dậy ngành công nghiệp gió ngoài khơi đang gặp đầy khó khăn. Cũng nhờ chính sách này, điện gió ngoài khơi sẽ tiếp tục có mức giá rẻ hơn so với khí đốt.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-20112023-699805.html