Nhịp đập năng lượng ngày 2/9/2023

Sửa quy định về phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia; Trung Quốc chiếm ngôi 'vua' năng lượng hạt nhân toàn cầu; EC kêu gọi EU ngừng mua LNG từ Nga, không ký kết các hợp đồng mới… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 2/9/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Sửa quy định về phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia

Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2014/TT-BCT ngày 05/11/2014 quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia. Trong đó, dự thảo Thông tư sửa đổi Điều 36 về tính toán phương thức vận hành hệ thống điện với 11 nội dung chính.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư sửa đổi khoản 3 Điều 37 về phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia. Theo đó, phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia năm là cơ sở cho công tác điều hành, giám sát đảm bảo cung cấp điện, bao gồm các nội dung chính sau: dự báo nhu cầu phụ tải điện; kế hoạch huy động nguồn điện; kế hoạch vận hành lưới điện truyền tải; các ràng buộc nguồn, lưới điện và cung cấp nhiên liệu.

Phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng do Cấp điều độ quốc gia lập trình Cục Điều tiết điện lực phê duyệt. Phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tuần tới, ngày tới và các phương thức đặc biệt do Cấp điều độ quốc gia lập và phê duyệt trên cơ sở phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia tháng đã được phê duyệt.

Nhu cầu dầu thô tại Mỹ vượt qua mức trước đại dịch

Nhu cầu dầu thô tại ở Mỹ đã vượt mức trước đại dịch vào tháng 5 và tháng 6, Bloomberg trích dẫn dữ liệu điều chỉnh mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

Mức tiêu thụ vào tháng 6 đã tăng lên 20,7 triệu thùng mỗi ngày, đạt mức cao nhất cùng kỳ trong vòng 5 năm qua, do sự gia tăng nhu cầu kỷ lục vào mùa hè của chất lỏng khí thiên nhiên dùng trong quá trình hóa dầu. Các tài xế Mỹ cũng tiêu thụ 9,28 triệu thùng xăng mỗi ngày vào tháng 6, cao hơn một chút so với dự kiến trước đây, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tiêu thụ trước đại dịch.

Dữ liệu được công bố vào ngày 31/8 đánh dấu lần điều chỉnh thứ tư liên tiếp đối với tiêu thụ dầu của Mỹ, là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu về dầu mạnh hơn so với những dự kiến trước đó.

Trung Quốc chiếm ngôi “vua” năng lượng hạt nhân toàn cầu

Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, với hàng loạt nhà máy hạt nhân đang được xây dựng mới. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Trung Quốc có 21 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với công suất sản xuất hơn 21 gigawatt (GW - một GW là đủ để cung cấp năng lượng cho một thành phố cỡ trung bình). Đây là số lượng lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng nhiều gấp 2,5 lần so với bất kỳ quốc gia nào khác.

Ấn Độ hiện xếp thứ 2 trong về số lượng lò hạt nhân đang được xây dựng, với 8 cơ sở có tạo ra hơn 6 GW điện. Vị trí thứ 3 là Thổ Nhĩ Kỳ, có 4 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng với công suất ước tính là 4,5 GW. Trong khi đó, Mỹ hiện có 1 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng, là lò phản ứng thứ 4 tại nhà máy điện Vogtle ở Georgia, có khả năng tạo ra công suất hơn 1 GW.

Theo báo cáo chuỗi cung ứng gần đây của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, trong khi hơn 70% công suất hạt nhân hiện có được đặt tại các quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), gần 75% các lò phản ứng hạt nhân hiện đang được xây dựng ở các quốc gia không thuộc OECD và một nửa trong số đó là ở Trung Quốc.

EC kêu gọi EU ngừng mua LNG từ Nga, không ký kết các hợp đồng mới

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Tim McPhie ngày 1/9 kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga và không ký các hợp đồng mới.

Từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, các nước EU đã mua 22 triệu m³ LNG của Nga, tăng đáng kể so với 15 triệu m³ trong cùng kỳ năm 2021. Còn phân tích của Global Witness cho thấy, EU đã mua hơn một nửa (52%) trong số 41,6 triệu m³ LNG mà Nga xuất khẩu trong năm nay. Con số này tăng lần lượt từ 49% và 39% vào năm 2022 và 2021.

Người phát ngôn EC cho rằng, dù nhập khẩu LNG của EU tăng nhưng tổng lượng nhập khẩu của khối từ Nga đã giảm khoảng 2/3 kể từ khi bắt đầu xung đột tại Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Về mục tiêu, chúng tôi đã có kế hoạch Repower EU, trong đó bao gồm mục tiêu loại bỏ việc mua khí đốt của Nga càng sớm càng tốt. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia và công ty không mua khí đốt tự nhiên từ Nga, đồng thời không ký kết các hợp đồng mới khi hợp đồng hiện tại sắp hết. EU đang nỗ lực đáng kể để ngừng mua LNG từ Nga”.

Shell chấm dứt hoạt động bán lẻ năng lượng ở Anh, Đức

Tập đoàn dầu khí Shell có trụ sở tại London đã đồng ý bán doanh nghiệp bán lẻ năng lượng gia đình của mình ở Anh và Đức cho tập đoàn năng lượng Anh Octopus. Việc mua bán có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2023, tùy thuộc vào sự phê duyệt của cơ quan quản lý.

Giá trị của hợp đồng trên không được tiết lộ, nhưng hồi đầu năm nay, Reuters đưa tin rằng Shell Energy có thể được định giá từ 50-100 triệu USD.

Các doanh nghiệp của Shell ở Anh và Đức hiện đang cung cấp dịch vụ khí đốt, năng lượng và băng thông rộng cho khoảng 2 triệu khách hàng và hoạt động dưới thương hiệu Shell Energy. Thỏa thuận này sẽ mở rộng cơ sở khách hàng tại Anh của Octopus lên gần 6,5 triệu hộ gia đình, trở thành nhà bán lẻ lớn thứ hai đất nước, theo dữ liệu từ cơ quan quản lý năng lượng Ofgem của Anh.

Shell và Octopus cho biết, họ sẽ đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực sạc xe điện. Shell sẽ tiếp tục phát triển mạng lưới xe điện với kỳ vọng đạt 100.000 điểm sạc công cộng ở Anh vào năm 2030.

Kazakhstan tổ chức trưng cầu dân ý về xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ngày 1/9 thông báo nước này sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định có xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hay không. Tuy nhiên, ông Tokayev cho hay ngày chính thức diễn ra cuộc trưng cầu sẽ được quyết định sau.

Tổng thống Tokayev nói: “Một mặt, Kazakhstan, với tư cách là nhà sản xuất uranium lớn nhất thế giới, nên có năng lực điện hạt nhân của riêng mình. Mặt khác, nhiều người dân và một số chuyên gia lo ngại về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân".

Chính phủ quốc gia Trung Á này từ lâu đã thảo luận về ý tưởng xây dựng nhà máy đầu tiên với lý do cần có khả năng phát điện mới, nhưng một số nhà hoạt động phản đối vì lo ngại vấn đề an toàn. Kazakhstan từng xác định địa điểm dự kiến cho cơ sở điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam Almary và đề cập việc hợp tác với công ty Rosatom của Nga.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-292023-693261.html