Nhịp đập năng lượng ngày 19/8/2023

20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã phát điện; Dự trữ khí đốt của EU đạt mục tiêu lấp đầy 90% trước thời hạn; Hungary đề xuất giải pháp thay thế trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 19/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã phát điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến hết ngày 18/8, có 20 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới. Tổng công suất của 20 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp là 1.171,72 MW. So với tuần trước, có thêm 2 dự án/phần dự án hoàn thành thủ tục COD gồm: 38/40 turbine Nhà máy Điện gió Lạc Hòa 2 (công suất 123,6 MW) và 24 turbine còn lại của Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai (96 MW).

Cũng tính đến hết ngày 18/8, đã có 79/85 dự án với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, 67 dự án (tổng công suất 3.849,41MW) đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61/67 dự án; Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW.

23 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Hiện còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.

Dự trữ khí đốt của EU đạt mục tiêu lấp đầy 90% trước thời hạn

Ngày 18/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, các cơ sở dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được mục tiêu lấp đầy 90% trước thời hạn vào ngày 1/11 tới.

Theo thông báo của EC, mức dự trữ khí đốt của EU đã đạt 1.024 TWh, tương đương hơn 93 tỷ m3 (bcm) và 90,12% công suất lưu trữ. Như vậy, khối 27 thành viên đã đạt mục tiêu lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt sớm hơn gần 3 tháng so với thời hạn đề ra.

Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, EU đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo nguồn cung khí đốt cho mùa đông. Trong số các biện pháp có quy định nhằm, đảm bảo rằng công suất dự trữ khí đốt tại EU phải được lấp đầy 90% trước ngày 1/11 hằng năm.

Cộng hòa Czech sẽ áp giá trần năng lượng đến hết năm 2023

Bộ trưởng Tài chính Czech Zbynek Stanjura cho rằng, trong bối cảnh giá năng lượng trên các thị trường bán buôn đang trở lại bình thường, không cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ giá năng lượng trong năm tới. Tuy nhiên, biện pháp áp giá trần năng lượng sẽ được Chính phủ Czech thực thi cho tới hết năm 2023 để ngăn giá điện và khí đốt trở nên đắt đỏ hơn đối với hộ gia đình.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Stanjura cho biết Chính phủ Czech đang thảo luận về khả năng tiếp tục áp thuế lợi nhuận bất thường trong năm tới. Theo luật, loại thuế này áp dụng đối với một số công ty thuộc lĩnh vực năng lượng, hóa dầu và ngân hàng được tính cho kỳ thuế 2023-2025.

Hiện Chính phủ Czech vẫn chưa thể tính toán chính xác số tiền thuế thu được từ lợi nhuận bất thường. Các khoản thu đầu tiên dự kiến sẽ được các công ty nộp vào tháng 9 tới cho lợi nhuận trong 3 quý đầu năm 2023. Trong quá trình dự toán ngân sách cho năm tài chính 2023, Bộ Tài chính Czech dự kiến sẽ thu được 85 tỷ CZK (3,85 tỷ USD) từ loại thuế này.

Hungary đề xuất giải pháp thay thế trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine

Trong một cuộc họp báo mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đưa đề xuất thay đổi phương án trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine. Theo đó, lượng khí đốt của Nga vào Hungary qua Ukraine có thể được chuyển hướng qua 'Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ'.

“Hungary đã đưa ra các biện pháp kịp thời trong nỗ lực đa dạng hóa không chỉ nguồn cung, mà còn cả các tuyến đường. Điều rất quan trọng là còn có đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ", bởi công suất của dòng chảy này tới Hungary đạt 8,5 tỷ mét khối khí. Và nó hoàn toàn có thể bao gồm toàn bộ lượng khí đốt của Nga đến Hungary theo một hợp đồng dài hạn” - Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho hay.

Ông Szijjarto nhấn mạnh rằng, Hungary coi an ninh năng lượng là một vấn đề vật chất, chứ không phải là vấn đề ý thức hệ hay chính trị, và coi đa dạng hóa nguồn tài nguyên càng nhiều càng tốt, chứ không phải “thay đổi hướng địa lý” của sự phụ thuộc năng lượng.

Nga vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu hàng đầu cho Brazil

Dẫn dữ liệu theo dõi hàng hóa của Công ty phân tích năng lượng Kpler, hãng tin Bloomberg cho biết Brazil đã tăng cường mua các sản phẩm dầu mỏ của Nga, với mức nhập khẩu năng lượng đạt mức kỷ lục trong tháng này.

Theo dự đoán, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ sang Brazil sẽ tăng 25% trong tháng 8 so với tháng trước lên khoảng 235.000 thùng/ngày. Dữ liệu của Kpler nhận định điều này có thể giúp Nga vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp nhiên liệu nước ngoài hàng đầu cho Brazil.

Kpler cho biết việc Nga giảm giá dầu là lợi ích tài chính đối với Brazil, khi chính phủ nước này đang nỗ lực giảm chi phí nhiên liệu vận tải. Các ước tính của Kpler cho thấy hoạt động xuất khẩu dầu diesel từ Nga đã giúp giảm giá nhiên liệu nhập khẩu của Brazil từ 10-15 USD/thùng. Nga cũng đã triển khai xuất khẩu xăng và naphtha sang Brazil và hoạt động này được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Nga ký thỏa thuận xây 2 lò phản ứng hạt nhân ở Hungary

Ngày 18/8, tập đoàn năng lượng nguyên tử thuộc sở hữu nhà nước Nga Rosatom đã ký một thỏa thuận với Hungary để bắt đầu xây dựng hai lò phản ứng cho nhà máy điện hạt nhân Paks-2. Chủ tịch Rosatom nói rằng việc ký kết giúp đưa thỏa thuận vào giai đoạn xây dựng trực tiếp và các bên có thể bắt đầu sản xuất thiết bị điện chính cho các lò phản ứng mới.

Chánh văn phòng Thủ tướng Hungary cho biết dự án Paks-2 có tầm quan trọng đặc biệt đối với Hungary và các nước Liên minh châu Âu (EU) lân cận, đồng thời cho biết thêm rằng việc xây dựng nên bắt đầu vào mùa xuân năm 2024.

Nằm cách thủ đô Budapest khoảng 100 km, Paks là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary, vận hành 4 lò phản ứng VVR-440 theo thiết kế của Liên Xô để sản xuất khoảng một nửa lượng điện của đất nước. Việc bổ sung thêm 2 lò phản ứng VVR-1200 sẽ tăng gần gấp đôi công suất của nhà máy, giúp củng cố tình trạng độc lập về năng lượng của Hungary.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1982023-692132.html