Nhịp đập năng lượng ngày 17/8/2023

Xuất khẩu dầu diesel qua đường biển của Nga bất ngờ tăng mạnh; UBS dự đoán giá dầu có thể vượt ngưỡng 90 USD/thùng vào cuối năm; Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu từ Iran lên cao nhất thập niên… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 17/8/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Xuất khẩu dầu diesel qua đường biển của Nga bất ngờ tăng mạnh

Theo dữ liệu từ giới thương nhân và Refinitiv Eikon, trong 14 ngày đầu của tháng 8, xuất khẩu dầu diesel qua đường biển của Nga đã tăng 7% và đạt 1,7 triệu tấn so với giai đoạn cùng kỳ tháng 7, nhờ hoạt động sản xuất mạnh sau đợt bảo dưỡng nhà máy lọc dầu định kỳ.

Tính đến thời điểm này của tháng 8, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là điểm đến hàng đầu cho dầu diesel xuất khẩu từ các cảng của Nga, chiếm khoảng 42% tổng nguồn cung, tức gần 720.000 tấn. Kể từ đầu tháng này, Nga xuất khẩu tổng cộng 140.000 tấn dầu diesel đến Brazil. Còn tại châu Phi, Nga xuất khẩu 75.000 tấn đến Ghana, Ma-rốc 68.000 tấn và Togo 60.000 tấn.

Cũng trong tháng này, Nga sẽ vận chuyển khoảng 180.000 tấn dầu diesel theo hình thức giữa tàu với tàu (STS) gần cảng Kalamata của Hy Lạp. Hiện chưa biết điểm đến cuối cùng của lô hàng đó, nhưng chúng thường được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông.

Xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-út giảm kỷ lục

Xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê-út trong tháng 6 đã giảm 124.000 thùng/ngày so với tháng 5, xuống mức thấp nhất trong 21 tháng, dữ liệu mới nhất của Sáng kiến Dữ liệu chung về dầu mỏ (JODI) cho biết hôm 16/8.

Theo dữ liệu JODI công bố, tồn kho sản phẩm của Ả Rập Xê-út đã giảm 1,64 triệu thùng trong tháng 6, trong khi tồn kho dầu thô tăng 1,45 triệu thùng. Việc sử dụng dầu thô trực tiếp để đốt ở Ả Rập Xê-út đã tăng 65.000 thùng/ngày lên 543.000 thùng/ngày trong tháng 6. Sản lượng dầu thô đã giảm nhẹ 3.000 thùng/ngày xuống còn 9,96 triệu thùng/ngày. Đây là mức sản lượng dầu thô thấp nhất của Vương quốc này trong 19 tháng qua.

Sản lượng dầu của Ả Rập Xê-út được thiết lập ở mức trung bình khoảng 9 triệu thùng/ngày vào tháng 7, 8 và 9 sau khi nước này bắt đầu đơn phương tự nguyện cắt giảm 1 triệu thùng/ngày vào tháng 7, “để hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ”. Việc cắt giảm đơn phương ban đầu được thiết lập cho tháng 7, nhưng đã được gia hạn hai lần, một lần vào tháng 8 và sau đó vào tháng 9.

Trung Quốc tăng nhập khẩu dầu từ Iran lên cao nhất thập niên

Trung Quốc nâng mức nhập khẩu các thùng dầu của Iran, vốn có giá rẻ hơn do đang chịu các lệnh trừng phạt, lên mức cao nhất trong ít nhất một thập niên khi giá dầu toàn cầu tăng, Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường Kpler.

Iran đã tăng cường xuất khẩu dầu trong năm nay khi nước này trở nên quyết đoán hơn về mặt địa chính trị, với điểm đến của hầu hết các chuyến hàng là Trung Quốc. Theo ước tính từ Kpler, nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ Iran trong tháng này. Con số đó tăng mạnh so với mức trung bình 917.000 thùng/ngày trong 7 tháng đầu năm và sẽ là mức cao nhất trong số liệu của Kpler từ năm 2013.

Giá dầu thô Brent tăng khoảng 20% kể từ cuối tháng 6 đang làm tăng nhu cầu đối với loại dầu giảm giá, phần lớn được mua bởi các nhà máy lọc dầu độc lập tập trung tại tỉnh Sơn Đông. Hai loại dầu chính của Iran hiện đang được giao dịch với mức chiết khấu hơn 10 USD/thùng so với dầu Brent, rẻ hơn đáng kể so với các loại dầu của Nga, các thương nhân cho biết.

UBS dự đoán giá dầu có thể vượt ngưỡng 90 USD/thùng vào cuối năm

Theo các chiến lược gia của UBS, giá dầu có thể tăng vượt ngưỡng 90 USD/thùng vào cuối năm nay trong bối cảnh nhu cầu cao kỷ lục và nguồn cung toàn cầu thắt chặt. UBS kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt 95 USD/thùng và giá dầu WTI của Mỹ sẽ tăng lên 91 USD/thùng, dự báo trước đó của UBS cho 2 loại dầu lần lượt là 90 USD/thùng và 85 USD/thùng.

Giá dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức dưới 85 USD/thùng, giảm khoảng 3% so với mức cao nhất từ đầu năm đến nay đạt được vào đầu tháng 8. Trong khi giá dầu WTI đang dao động quanh khoảng 80 USD/thùng.

Ngoài ra, UBS dự đoán nhu cầu trong tháng 8 sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày và là mức cao kỷ lục. Nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay bất chấp những công bố dữ liệu kinh tế suy giảm gần đây.

Toàn bộ lưới điện Liban ngừng hoạt động

Liban đang trải qua sự cố mất điện trên diện rộng do hai nhà máy điện lớn nhất là Deir Ammar và al-Zahrani ngừng chạy turbine. Hãng thông tấn TASS dẫn lời một nguồn tin trong công ty điện lực nhà nước Electricite du Liban cho biết các nhà máy điện đã phải đóng cửa do chính phủ quốc gia Trung Đông này không thể thanh toán tiền nợ cho nhà điều hành.

“Tối 16/8, công ty điện quốc gia đã tuyên bố cắt toàn bộ lưới điện. Quyền Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Nước Walid Fayad đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để trả nợ cho Primesouth, một nhà điều hành tư nhân của hai nhà máy điện”, nguồn tin trên cho biết.

Theo nguồn tin của TASS, nhà điều hành Primesouth đã quyết định đóng turbine sau khi chỉ nhận được 2 triệu USD trong tổng số 83 triệu USD mà nhà nước nợ. Sự việc xảy ra trong bối cảnh gần đây Liban đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng với đồng nội tệ mất giá hơn 90%.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-1782023-691992.html