Nhịp đập năng lượng ngày 17/10/2023

Nga sẽ tăng thuế xuất khẩu dầu từ ngày 1/11; Khối lượng khí đốt vận chuyển từ EU đến Ukraine tăng gấp 7 lần; PetroChina bắt đầu khai thác mỏ condensate lớn nhất Trung Quốc… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 17/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Nga sẽ tăng thuế xuất khẩu dầu từ ngày 1/11

Nga sẽ tăng thuế xuất khẩu dầu thêm 2,3 USD lên 26,2 USD/tấn kể từ ngày 1/11/2023, theo Bộ Tài chính Nga. Tuyên bố cho biết: “Theo tính toán của Bộ Tài chính, thuế xuất khẩu dầu của Nga từ ngày 1/11/2023 sẽ tăng thêm 2,3 USD và đạt 26,2 USD/tấn”.

Theo Bộ Tài chính Nga, thuế đối với các sản phẩm dầu nhẹ sẽ tăng từ 0,7 USD lên 7,8 USD/tấn, đối với dầu hắc là 2,3 USD lên 26,2 USD. Thuế xuất khẩu đối với xăng thương mại và sản phẩm chưng cất dầu mỏ (naphtha) sẽ tăng lần lượt từ 0,7 USD lên 7,8 USD và từ 1,3 USD lên 14,4 USD/tấn. Thuế đối với khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) sẽ là 2,2 USD, thuế đối với các loại khí hydrocarbon hóa lỏng khác sẽ là 1,9 USD, trong tháng 10, cả hai mức thuế này đều bằng 0. Thuế đối với than cốc sẽ tăng thêm 0,2 USD, lên tới 1,7 USD/tấn.

Vào ngày 11/10, Hạ viện Nga đã thông qua lần đầu các sửa đổi đối với Bộ luật Ngân sách, trong đó đề xuất tính toán quy định ngân sách dựa trên giá dầu ở mức 60 USD/thùng. Tài liệu này đã được Chính phủ Liên bang Nga đệ trình lên Hạ viện cùng với dự thảo ngân sách liên bang cho giai đoạn 2024-2026.

Năng lượng hạt nhân Nga “đổ bộ” châu Phi

Tại diễn đàn quốc tế Tuần lễ Năng lượng Nga lần thứ VI ở Moscow, Phó Tổng Giám đốc Nikolay Spassky phụ trách mảng hoạt động quốc tế của Rosatom đã gặp phái đoàn đại biểu của Cộng hòa Mali, theo thông cáo báo chí của công ty Nga. Hai bên đã ký kết một bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân vì mục đích hòa bình, gồm các nhiệm vụ ưu tiên và các công cụ hợp tác cũng như các lĩnh vực cùng quan tâm trong công tác chung.

Theo Rosatom, lần hợp tác này liên quan đến việc phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân ở Cộng hòa Mali, nâng cao nhận thức của công chúng về công nghệ hạt nhân cũng như nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, đào tạo nhân sự, cùng nhiều hoạt động khác. Bên cạnh đó, hai bên còn ký kết một thỏa thuận khác về việc trao đổi kỹ thuật.

Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Nga đạt được thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Burkina Faso. Hai thỏa thuận năng lượng mới này là minh chứng cho thấy một số quốc gia châu Phi đang muốn khám phá những con đường hợp tác mới với các đối tác mới.

Khối lượng khí đốt vận chuyển từ EU đến Ukraine tăng gấp 7 lần

Nhà điều hành hệ thống truyền tải khí đốt (GTSOU) của Ukraine đã vận chuyển hơn 3 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Liên minh châu Âu (EU) và Moldova đến nước này trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến giữa tháng 10, gấp 7 lần so với khoảng 414 triệu mét khối khí được vận chuyển trong cùng kỳ năm ngoái, truyền thông Ukraine đưa tin, trích dẫn Bộ Năng lượng Ukraine.

Hầu hết lượng khí này, với khối lượng tương đương 2,4 tỷ mét khối, là nhiên liệu thuộc sở hữu của các công ty nước ngoài đang được lưu trữ tại các cơ sở lưu trữ khí đốt ngầm của Ukraine. Slovakia vẫn là nguồn khí đốt chính được công ty này vận chuyển, chiếm 45% tổng lượng, theo thông tin GTSOU được Bộ Năng lượng trích dẫn. Khí đốt cũng được vận chuyển từ Hungary, Ba Lan và dọc theo tuyến đường xuyên Balkan, từ Romania qua Moldova.

Bộ này cho biết tuyến đường xuyên Balkan đã được sử dụng lần đầu tiên trong năm nay và nó chủ yếu vận chuyển khí đốt theo đơn đặt hàng của các thương nhân nước ngoài để lưu trữ ở Ukraine.

Eni khoan giếng thăm dò có tiềm năng “thay đổi cuộc chơi” ngoài khơi Ai Cập

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy đã bắt đầu khoan một giếng thăm dò quan trọng ngoài khơi Ai Cập, nhằm khai thác nguồn tài nguyên dầu và khí đốt tiềm năng khổng lồ tại đây, Upstream Online đưa tin. Theo dữ liệu từ Vessels Value, tàu khoan Santorini của Saipem đã phóng tàu thăm dò Orion-1X xuống độ sâu 730 mét vào ngày 10/10 tại lô North East Hapy ngoài khơi của Eni.

Công ty dầu khí Energean, hiện đang nắm 30% tại lô North East Hapy, trước đây cho biết mỏ Orion có thể chứa gần 10 nghìn tỷ feet khối khí đốt tại chỗ và 400 triệu thùng dầu tại chỗ. Eni hiện có 70% cổ phần trong lô này, trong khi Energean đang hy vọng giảm tỷ lệ sở hữu ở giếng có rủi ro cao này xuống 19% trước khi khoan.

Vùng Đông Địa Trung Hải gần đây là nơi tập trung các hoạt động khoan, với các giếng thăm dò được khoan ngoài khơi Síp, Israel và Lebanon, và Ai Cập khi các công ty dầu mỏ tìm kiếm nguồn khí đốt mới có thể cung cấp cho người mua châu Âu và khu vực.

PetroChina bắt đầu khai thác mỏ condensate lớn nhất Trung Quốc

Tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc PetroChina đã đưa vào khai thác mỏ Bozidabei, mỏ condensate lớn nhất đất nước, tại lưu vực Tarim phía tây bắc Trung Quốc. Hoạt động này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực theo đuổi an ninh năng lượng của Trung Quốc trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu phức tạp.

PetroChina cho biết dự án này có diện tích 13.000 km2 ở phía nam Tân Cương, bao gồm một nhà máy xử lý khí đốt, thiết bị ổn định condensate và đường ống xuất khẩu dầu và khí đốt với công suất hàng năm là 12 tỷ m3. Bozidabei là một trong 14 mỏ khí ngưng tụ mà PetroChina đã phát triển ở lưu vực Tarim, nơi có tổng sản lượng hàng năm là 15 tỷ m3 khí đốt và 1,5 triệu tấn condensate.

PetroChina đã khoan 15 giếng siêu sâu tại mỏ này kể từ đầu năm nay, nâng tổng số giếng lên hơn 100. Công ty dự kiến sẽ khai thác được 9 tỷ m3 khí đốt và 600.000 tấn condensate trong năm nay. Trong khi đó, 18 giếng siêu sâu khác đang được khoan. Theo kế hoạch của công ty, đến năm 2025, mỏ sẽ có công suất 10 tỷ m3 khí đốt và 1,02 triệu tấn condensate mỗi năm.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-17102023-696835.html