Nhịp đập năng lượng ngày 15/12/2023

Tồn kho dầu toàn cầu giảm trong tháng 10; Tổng thống Nga nêu lý do tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu; Australia sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện than trong 15 năm tới… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 15/12/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Tồn kho dầu toàn cầu giảm trong tháng 10

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cho biết tồn kho dầu toàn cầu đã giảm giảm 19,6 triệu thùng trong tháng 10, với tồn kho dầu thô hầu như không thay đổi, nhưng tồn kho xăng dầu tinh chế giảm lần đầu tiên trong 4 tháng.

Theo IEA, tồn kho sản phẩm giảm trong tháng 10 đã đảo ngược xu hướng so với quý III khi tồn kho sản phẩm dầu tăng 1,3 triệu thùng/ngày, trong khi dầu thô giảm trung bình 1,6 triệu thùng/ngày.

Đợt cắt giảm mới nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) được công bố trong quý đầu tiên của năm 2024 là nhằm mục đích ngăn chặn khả năng dự trữ tăng cao. Nhưng IEA cũng lưu ý rằng nguồn cung tăng vọt đến từ các nhà khai thác ngoài OPEC+ - dẫn đầu là Hoa Kỳ - và tốc độ tăng trưởng nhu cầu toàn cầu chậm lại trong quý này có thể khiến nhiệm vụ hỗ trợ giá của OPEC+ trở nên khó khăn hơn.

Tổng thống Nga nêu lý do tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong phiên hỏi đáp trực tiếp và cuộc họp báo cuối năm rằng Gazprom là một đối tác đáng tin cậy, do đó họ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Ông Putin cũng nói thêm rằng Nga đang chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang phương Đông, khi tại đây xuất hiện một trung tâm tăng trưởng kinh tế mới cần dầu, khí đốt và than đá. Theo ông, Nga chuyển hướng sang phía Đông không phải do tình hình ở hướng Ukraine đã trở nên tồi tệ hơn mà do nhận thấy xu hướng phát triển của nền kinh tế thế giới.

“Chúng tôi đang nghĩ đến việc mở rộng hơn nữa nguồn cung cấp sang Trung Quốc, chúng tôi đang nghĩ đến các quốc gia khác với tư cách là những người tiêu dùng tiềm năng", ông nói thêm. "Về vấn đề này, mọi thứ diễn ra ổn định và không dựa trên tình hình chính trị hiện nay, mà dựa trên lợi ích của Nga với trọng tâm là trung tâm kinh tế đang phát triển của thế giới," Tổng thống kết luận.

Dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu Ấn Độ chậm lại trong năm 2024

Tăng trưởng nhu cầu dầu thô ở Ấn Độ được dự đoán sẽ chậm lại trong năm 2024 khi sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 có dấu hiệu mất đà ở cả Trung Quốc và Ấn Độ. Người đứng đầu bộ phận kinh doanh dầu mỏ thuộc Rystad Energy, Mukesh Sahdev dự đoán tăng trưởng nhu cầu dầu của nước này sẽ giảm xuống 150.000 thùng/ngày vào năm 2024 từ mức 290.000 thùng/ngày của năm nay.

Theo các nhà phân tích, mức tiêu thụ dầu của Ấn Độ hiện đang ở mức cao kỷ lục nhưng tốc độ tăng trưởng tiếp theo sẽ chậm hơn khi nền kinh tế quay trở lại hoạt động kinh doanh như thường lệ. Điều này sẽ gây thêm áp lực lên giá vốn đã bị sức ép bởi nhận thức về tình trạng dư cung kết hợp với nhu cầu yếu hơn.

Bất chấp những dự đoán về tăng trưởng nhu cầu chậm hơn, Ấn Độ đang tăng cường công suất lọc dầu. Quốc gia này sẽ bổ sung thêm 1,12 triệu thùng/ngày vào tổng sản lượng hiện tại mỗi năm cho đến năm 2028, một quan chức dầu mỏ tiết lộ hồi đầu tháng này.

Ukraine hiện đang tiêu thụ khí đốt của Nga

Trên thực tế Ukraine là khách hàng tiêu thụ khí đốt của Nga và cũng kiếm được doanh thu thông qua việc vận chuyển khí đốt sang châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong phiên hỏi đáp trực tiếp và cuộc họp báo cuối năm.

"Gazprom tôn trọng tất cả các cam kết của mình, bao gồm cả việc vận chuyển nguồn cung cấp khí đốt qua Ukraine và tất nhiên chúng tôi cũng đang kiếm được tiền. Ukraine kiếm được doanh thu từ phí trung chuyển, có vẻ như chúng tôi không cung cấp khí đốt cho Ukraine nhưng trên thực tế họ đang tiêu thụ khí đốt của chúng tôi”, ông Putin nói.

Theo ông Putin, mạng lưới khí đốt của Ukraine ban đầu được xây dựng từ thời Liên Xô để "ngay khi khí đốt của chúng tôi vào lãnh thổ Ukraine, nó sẽ ngay lập tức được phân phối khắp cả nước và sau đó khí đốt mà Ukraine tích lũy ở kho lưu trữ khí đốt ngầm, ở biên giới phía tây của họ, trong mùa hè sẽ đến châu Âu như thể đến trực tiếp từ Gazprom, và vì thế, họ đã hoàn thành nghĩa vụ đối với người tiêu dùng”.

Australia sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện than trong 15 năm tới

Trong một báo cáo vừa công bố, Cơ quan quản lý thị trường điện Australia dự báo đến năm 2038, sớm hơn 5 năm so với dự báo trước đó, các nhà máy điện than tại Australia sẽ đóng cửa hoàn toàn do không thể chịu được sức ép từ chi phí bảo trì tăng cao, nguồn cung than hạn chế và sự cạnh tranh mạnh mẽ của năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Trong bối cảnh việc đóng góp của điện than vào lưới điện đang ngày càng giảm, báo cáo dự đoán nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng trong giai đoạn chuyển đổi. Việc bang New South Wales, đang đầu tàu kinh tế và đông dân nhất tại Australia kêu gọi người dân sử dụng điện tiết kiệm khi nhiệt độ lên tới 40 độ C đã phần nào phản ánh thực tế này.

Để giải quyết tình trạng này, Cơ quan quản lý thị trường điện Australia kêu gọi đầu tư mạnh hơn vào phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là xây dựng hệ thống truyền tải điện 5.000km, tăng gấp 3 lần nhà máy sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, tăng gấp đôi lượng điện lưu trữ và các nhà máy thủy điện và điện khí; tiếp tục khai thác hiệu quả việc lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời của các gia đình...

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-15122023-701840.html