Nhịp đập năng lượng ngày 15/11/2023

IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu; EU nhất trí hạn chế lượng khí thải metan trong nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch; Đức chi 20 tỷ euro cho mạng lưới đường ống vận chuyển hydro… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 15/11/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

IEA nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/11 đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay và năm tới, dù tăng trưởng kinh tế dự kiến tại hầu hết các nền kinh tế lớn đều chững lại.

Theo đó, đối với năm 2023, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ từ mức 2,3 triệu thùng/ngày lên mức 2,4 triệu thùng/ngày và tiến gần hơn đến dự báo 2,5 triệu thùng/ngày của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Theo đó, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ lên mức trung bình hàng năm kỷ lục 102 triệu thùng/ngày.

Trong năm 2024, IEA đã nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ lên 930.000 thùng/ngày từ 880.000 thùng/ngày do kỳ vọng lãi suất cắt giảm và giá dầu giảm trong khoảng thời gian gần đây. IEA cho rằng, thị trường dầu sẽ chuyển sang trạng thái dư cung vào đầu năm 2024, sau khi duy trì ở trạng thái “thâm hụt đáng kể” đến hết năm nay nhờ các mức cắt giảm nguồn cung tự nguyện từ Ả Rập Xê-út và Nga.

EU nhất trí hạn chế lượng khí thải metan trong nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch

Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận vào sáng 15/11 (giờ địa phương) về luật đặt giới hạn phát thải khí metan và giảm rò rỉ trong lĩnh vực năng lượng ở EU - một trong những nỗ lực đi đến con đường trung hòa carbon vào năm 2050.

Các nhà đàm phán thuộc 27 nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu đã đồng ý thông qua đạo luật từ năm 2030 sẽ yêu cầu các nhà nhập khẩu dầu thô, khí đốt và than đá vào châu Âu phải chứng minh những nhiên liệu đó đáp ứng giới hạn cường độ khí metan. Đạo luật sẽ được đưa lên Nghị viện châu Âu và các nước EU để phê duyệt lần cuối.

Thỏa thuận bắt buộc các nhà sản xuất dầu khí ở châu Âu phải có nghĩa vụ giám sát, báo cáo và xác minh việc phát thải khí metan, đồng thời, hạn chế hầu hết các trường hợp thải khí metan không mong muốn vào khí quyển. Các quy định nhập khẩu có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp khí đốt lớn bao gồm Mỹ, Algeria và Nga.

Đức chi 20 tỷ euro cho mạng lưới đường ống vận chuyển hydro

Mạng lưới hydro chính của Đức sẽ trải dài 9.700 km và tiêu tốn khoảng 20 tỷ euro (21 tỷ USD) vào năm 2032, Thomas Goessmann, chủ tịch của FNB Gas cho biết hôm 14/11, trong khi Berlin đang tập trung vào nhiên liệu để khử carbon.

Mạng lưới chính sẽ kết nối với các cảng, khu công nghiệp, kho lưu trữ và nhà máy điện, bao gồm 60% đường ống dẫn khí hiện có và sẽ được tài trợ bởi khu vực tư nhân. Cũng theo Thomas Goessmann, kế hoạch sẽ bắt đầu vào năm tới.

Trước đó, vào tháng 7, nội các Đức đã phê duyệt chiến lược hydro mới, đề ra các hướng dẫn về sản xuất hydro, cơ sở hạ tầng và kế hoạch thị trường trong bối cảnh Đức đang tìm cách tăng cường sử dụng hydro như một nguồn năng lượng mới trong tương lai nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Dòng khí đốt của Israel tới Ai Cập sẽ trở lại bình thường vào tuần tới

Nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Israel đến Ai Cập dự kiến sẽ trở lại mức bình thường vào đầu tuần tới khi một mỏ khí đốt của Israel trở lại khai thác sau khi bị đình chỉ từ sau vụ tấn công của Hamas vào đầu tháng 10, Bloomberg trích dẫn một nguồn hiểu biết về nhập khẩu khí đốt của Ai Cập.

Theo nguồn tin của Bloomberg, sau khi nối lại hoạt động khai thác khí đốt tại Tamar, dòng khí đốt từ Israel đến Ai Cập sẽ tăng gần gấp đôi và trở lại mức trước khi nổ ra xung đột Israel - Hamas vào đầu tuần tới. Nguồn tin giấu tên nói với Bloomberg rằng, nhập khẩu khí đốt của Ai Cập từ Israel dự kiến sẽ trở lại mức 800 triệu feet khối mỗi ngày vào đầu tuần tới, so với mức chỉ 250 triệu feet khối mỗi ngày vào đầu tháng 11.

Các nguồn tin nói với Bloomberg hồi đầu tuần này rằng, dòng xuất khẩu khí đốt từ miền Nam Israel đến Ai Cập thông qua đường ống EMG ngoài khơi cũng có khả năng khởi động lại trong tuần này. Nguồn cung từ Israel đến Ai Cập thông qua EMG đã bị đình chỉ sau khi mỏ Tamar đóng cửa, mặc dù một số lượng hàng xuất khẩu đó đã được chuyển lại qua Jordan.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-15112023-699425.html