Nhịp đập năng lượng ngày 11/10/2023

Nga - Ả Rập Xê-út thảo luận về thị trường dầu mỏ do căng thẳng Gaza; OPEC cảnh báo Net Zero gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng toàn cầu; Quốc hội Malaysia thông qua luật tiết kiệm năng lượng… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 11/10/2023.

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Nga - Ả Rập Xê-út thảo luận về thị trường dầu mỏ do căng thẳng Gaza

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thông báo giới chức nước này và Ả Rập Xê-út sẽ thảo luận tình hình thị trường dầu mỏ và giá dầu trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Dải Gaza.

Trao đổi với báo giới, ông Novak cho rằng cuộc xung đột hiện nay giữa quân đội Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza của Palestine có thể ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, cũng như tình hình tiêu thụ các nguồn năng lượng. Do đó, giới chức Nga và Ả Rập Xê-út sẽ tập trung thảo luận về vấn đề này.

Cuộc xung đột giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã tạo ra biến động lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, đẩy giá dầu tăng mạnh. Giá dầu thế giới tăng hơn 4% trong phiên 9/10, khi xung đột tại Trung Đông đã gây lo ngại sẽ lan rộng.

Giới chuyên gia cũng nhận định xung đột Israel - Hamas có thể khiến nhiều nước đối mặt với những xu hướng lạm phát mới, cũng như "giáng đòn mạnh" vào triển vọng kinh tế ở thời điểm có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá vốn do đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra.

OPEC cảnh báo Net Zero gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng toàn cầu

Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais coi việc Cơ quan khí hậu đã thúc giục các nước ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch mới để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng lên dưới 2 độ C là một "câu chuyện cực kỳ rủi ro".

Phát biểu tại buổi ra mắt ấn phẩm ở Riyadh, Ả Rập Xê-út, ông Al-Ghais nói: "Những lời kêu gọi ngừng đầu tư vào các dự án dầu mỏ mới là sai lầm và có thể dẫn đến hỗn loạn về năng lượng và kinh tế".

OPEC hiện đã nâng dự đoán về nhu cầu dầu toàn cầu trong trung hạn, ước tính mức tăng từ 102 triệu thùng lên 110,2 triệu thùng/ngày trong 5 năm tới. Những kỳ vọng được nêu trong báo cáo năm ngoái về nhu cầu dầu đạt mức ổn định sau năm 2035 cũng đã bị loại bỏ. Thay vào đó, OPEC dự đoán nhu cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2045 và tăng lên 116 triệu thùng/ngày, nhiều hơn 6 triệu thùng/ngày so với dự đoán năm ngoái.

Phần Lan nghi ngờ đường ống khí đốt bị tấn công, nhờ NATO vào cuộc

Công ty quản lý mạng lưới khí đốt của Phần Lan đã thông báo vào ngày 8/10 về việc tạm dừng vận hành đường ống Balticconnector - đường ống dẫn khí cuối cùng của nước này sau khi ngừng nhập khẩu từ Nga - do phát hiện rò rỉ.

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö ngày 10/10 đã tuyên bố: "Khả năng thiệt hại của đường ống dẫn khí đốt và cáp viễn thông đều do tác động từ bên ngoài. Phần Lan và Estonia đang hợp tác tiếp tục điều tra và nguyên nhân của vụ rò rỉ này vẫn chưa rõ ràng". Liên minh NATO - nơi Phần Lan đã là thành viên vào tháng 4 sau nhiều thập kỷ ở thế trung lập, đã hỗ trợ Phần Lan trong cuộc điều tra.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông đang trao đổi cùng Tổng thống Phần Lan và sẵn sàng hỗ trợ nước này. Ông Stoltenberg viết trên X (trước đây là Twitter): "NATO sẵn sàng chia sẻ thông tin và hỗ trợ các đồng minh bị ảnh hưởng".

IEA nhận định tốc độ tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ chậm lại

Báo cáo thị trường trung hạn Gas 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã chỉ ra rằng, ốc độ tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong những năm tới sẽ chậm lại. Nhu cầu khí đốt toàn cầu dự kiến tăng trưởng 1,6% mỗi năm từ năm 2022 đến năm 2026. Con số này giảm so với mức 2,5% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021.

IEA lý giải nguyên nhân dẫn tới sự chậm lại này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 2022 sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã mở ra một kỷ nguyên khác cho thị trường khí đốt toàn cầu sau thập niên tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2011 đến năm 2021.

Việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng là một trong những động lực chính đằng sau sự phát triển này. IEA cho biết xu hướng giảm giá khí đốt tự nhiên tại các thị trường, đồng thời nhấn mạnh đặc biệt ở châu Âu, sự sụt giảm tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên trong tương lai một phần là do xung đột Nga - Ukraine, buộc châu Âu phải đưa ra các giải pháp thay thế cho năng lượng của mình.

Chevron tái định tuyến xuất khẩu khí đốt của Israel sang Ai Cập

Tập đoàn Chevron đang định tuyến lại các chuyến hàng khí đốt tự nhiên ngoài khơi Israel đến Ai Cập thông qua một đường ống ở Jordan, sau khi các cuộc tấn công của Hamas khiến mỏ Tamar ở Biển Địa Trung Hải phải đóng cửa.

Chevron cho biết trên Twitter hôm 10/10: “Theo chỉ thị của Bộ Năng lượng về việc ngừng khai thác tại giàn khoan Tamar và tình hình an ninh ở miền Nam Israel, tất cả hàng xuất khẩu sang Ai Cập đã được tái định tuyến qua đường ống FAJR”.

Các nhà phân tích nói với CNBC rằng cả Israel và Palestine đều không phải là những nước khai thác dầu lớn, nhưng cuộc xung đột nằm ở khu vực khai thác dầu quan trọng, đồng thời cảnh báo rằng cuộc chiến có khả năng bùng phát thêm. Mặc dù xung đột không ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác hoặc cung cấp dầu nhưng nó vẫn “ở rất sát của một khu vực khai thác và xuất khẩu dầu quan trọng”.

Quốc hội Malaysia thông qua luật tiết kiệm năng lượng

Quốc hội Malaysia ngày 11/10 đã thông qua Đạo luật Bảo tồn và Tiết kiệm Năng lượng, yêu cầu những người tiêu dùng năng lượng lớn nhất của đất nước thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, nhằm cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon. Đạo luật sẽ được gửi tới Thượng viện để phê duyệt trước khi được công bố.

Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường và Biến đổi khí hậu Nik Nazmi Nik Ahmad cho biết việc thực thi đạo luật này dự kiến sẽ tiết kiệm được 2.017 triệu gigajoules sử dụng năng lượng, tương đương 97,1 tỷ RM (20,53 tỷ USD) vào năm 2050. Đạo luật cũng dự kiến giúp giảm lượng khí thải tương đương 197.877 kiloton CO2 trong cùng thời kỳ và tạo ra việc làm mới trong quản lý và kiểm toán năng lượng.

“Cách tiếp cận này sẽ cho phép chính phủ lập kế hoạch cung cấp và sản xuất năng lượng một cách toàn diện hơn, đồng thời đóng góp vào chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của đất nước”, ông Nik Nazmi cho biết.

H.T (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhip-dap-nang-luong-ngay-11102023-696365.html