Nhịp cầu thúc đẩy giao lưu nhân dân trên địa bàn biên giới Tây Nguyên

Địa hình hiểm trở, cư dân hai bên biên giới, nhất là phía nước bạn hầu hết đều 'ẩn sâu' giữa đại ngàn mênh mông, nên có thể nói, việc kết nối tình thân giữa các chủ nhân biên giới Tây Nguyên với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia gặp không ít khó khăn. Nhiều khu vực thăm thẳm nơi cuối trời biên giới, cách duy nhất để định hướng khi cần gặp nhau là cứ đi về phía... mặt trời. Ta sang bạn thì thẳng hướng chiều tà, còn bạn tìm ta cứ ngược ánh bình minh. Trong điều kiện như thế, công tác đối ngoại Biên phòng đóng vai trò hết sức quan trọng để đẩy mạnh các hoạt động giao lưu nhân dân, vun đắp tình đoàn kết từ những câu chuyện đời thường nhất.

Thôn trưởng của hai khu dân cư làng Sơn, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) và làng Lâm Mới, xã Pó Nhầy (huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri, Campuchia) ký kết các nội dung kết nghĩa năm 2023. Ảnh: Thái Kim Nga

Thôn trưởng của hai khu dân cư làng Sơn, xã Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) và làng Lâm Mới, xã Pó Nhầy (huyện Ozadao, tỉnh Rattanakiri, Campuchia) ký kết các nội dung kết nghĩa năm 2023. Ảnh: Thái Kim Nga

“Kết bạn” nơi chốn xa dân

Với tổng chiều dài gần 600km đường biên giới, thuộc địa phận 243 thôn, làng, buôn, bon của 31 xã, 13 huyện, có thể nói, khu vực biên giới Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông) là một trong những nơi thưa dân nhất so với cả nước. Trong khi đó, ở phía đối diện, mặc dù đường biên giới đi qua 2 tỉnh vùng Nam Lào và 2 tỉnh Đông Bắc Campuchia, nhưng số khu dân cư cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí, nhiều khu vực như đoạn biên giới tiếp giáp giữa tỉnh Đắk Lắk với Mondulkiri, trong vòng bán kính hàng trăm km hoàn toàn không có cư dân sinh sống.

Với điều kiện tự nhiên như thế, việc kết nối giao lưu nhân dân là hết sức khó khăn, nếu không đẩy mạnh công tác đối ngoại Biên phòng cũng như các hoạt động đối ngoại giữa chính quyền các cấp. Nói một cách khác, công tác đối ngoại Biên phòng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chính là “nhịp cầu” để các khu dân cư hai bên biên giới tìm đến bên nhau, đáp ứng nhu cầu qua lại thăm thân, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.

Song song với việc đẩy mạnh công tác đối ngoại Biên phòng, kết nghĩa, hỗ trợ các đơn vị lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai mô hình “kết nghĩa bản-bản” (kết nghĩa khu dân cư hai bên biên giới) nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, tương thân, tương ái giữa các chủ nhân hai bên biên giới. Mặc dù vậy, câu chuyện “kết bạn” ở chốn xa dân chưa bao giờ là chuyện đơn giản.

Nếu như ở khu vực Bắc Tây Nguyên (Kon Tum và Gia Lai), chính quyền địa phương và BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng nước bạn tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình, tổ chức cho 9 cặp thôn, làng hai bên biên giới ký kết chương trình kết nghĩa bản-bản, thu hút hàng ngàn hộ gia đình tham gia thì ở vùng Nam Tây Nguyên (Đắk Lắk và Đắk Nông), hoạt động này chủ yếu diễn ra ở hai cấp chính quyền huyện và xã do các khu dân cư biên giới quá xa nhau.

Mặc dù vậy, hoạt động giao lưu nhân dân vẫn được lồng ghép duy trì thông qua các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà, chăm sóc y tế của các cấp chính quyền và BĐBP. Cùng với đó, các đồn Biên phòng quản lý địa bàn luôn tạo điều kiện thuận lợi để người dân hai bên biên giới qua lại thăm thân theo đúng quy định pháp luật của hai nước.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk chia sẻ: “Bên cạnh tham mưu cho chính quyền địa phương 2 xã Krông Na, huyện Buôn Đôn và Ia Rvê, huyện Ea Súp kết nghĩa với xã Sorehui và Noongkhơlưc, huyện Conhet, tỉnh Mondulkiri, BĐBP tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp đỡ hỗ trợ người dân và lực lượng vũ trang bên kia biên giới, nhất là khi cần sự trợ giúp về y tế. Các trạm quân dân y kết hợp và lực lượng quân y ở các đồn Biên phòng sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, chữa trị cho tất cả bệnh nhân bên kia biên giới khi bà con có nhu cầu. Đẩy mạnh công tác đối ngoại Biên phòng để kết nối giao lưu nhân dân hai bên biên giới”.

“Nước vẫn chảy và thuyền vẫn đi qua”

Tăng cường công tác đối ngoại Biên phòng để thúc đẩy giao lưu nhân dân nhưng vẫn bảo đảm ứng phó linh hoạt trước những mối nguy cơ cả về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong trận “quyết chiến” với đại dịch Covid-19 vừa qua, dọc hành lang cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai, Việt Nam) và Ozadao (Rattanakiri, Campuchia) - một trong những khu vực tập trung đông dân cư nhất trên toàn tuyến biên giới các tỉnh Tây Nguyên, mối quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới vẫn được kết nối dù phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Thôn trưởng hai làng kết nghĩa (làng Sơn, xã Ia Nan và làng Lâm Mới, xã Pó Nhầy) tặng quà cho nhau. Ảnh: Thái Kim Nga

Thôn trưởng hai làng kết nghĩa (làng Sơn, xã Ia Nan và làng Lâm Mới, xã Pó Nhầy) tặng quà cho nhau. Ảnh: Thái Kim Nga

Ở xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - địa phương có làng Sơn kết nghĩa với làng Lâm Mới, xã Pó Nhầy, huyện Ozadao (Campuchia), việc duy trì các hoạt động đối ngoại nói chung trong cơn đại dịch là thách thức rất lớn. Bên cạnh mối quan hệ thân tộc, xã Ia Nan còn có khoảng 200 hộ gia đình canh tác dọc biên giới, rất dễ vi phạm các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh ở đây vẫn được duy trì hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt với Đồn Biên phòng Ia Nan vừa là thành trì, vừa là “nhịp cầu nối” giữa các chủ nhân hai bên biên giới.

Trung tá Trần Mạnh Hùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Nan cho biết: “Để duy trì mối quan hệ giữa nhân dân hai bên biên giới trong điều kiện ứng phó với đại dịch Covid-19, chúng tôi một mặt, tăng cường lực lượng kiểm soát chặt chẽ biên giới, duy trì thông tin liên lạc với chính quyền và lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, để nắm chắc mọi tình hình liên quan; mặt khác, dùng tiếng loa Biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn, thông báo tình hình tại các khu dân cư, giúp bà con yên tâm, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nước vẫn chảy mà thuyền vẫn đi qua, xuyên suốt quãng thời gian căng mình phòng chống đại dịch Covid-19, địa bàn không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh qua biên giới, bà con nhân dân hai bên mặc dù không gặp mặt nhau, nhưng vẫn gần gũi bên nhau thông qua nhịp cầu kết nối của đồn Biên phòng”.

Trên trận tuyến đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, việc đẩy mạnh giao lưu nhân dân ở góc độ nào đó cũng mang đến những thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, với người lính Biên phòng trên vùng ngã ba Đông Dương (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), thách thức chính là thời cơ để khẳng định mình. Là địa bàn trọng điểm tội phạm ma túy qua biên giới, song các hoạt động đối ngoại, giao lưu nhân dân ở đây vẫn luôn diễn ra đa dạng, phong phú và an toàn, bởi sự chủ động, linh hoạt của các lực lượng chức năng.

Thượng tá Phan Trọng Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y chia sẻ: “Bên cạnh các hoạt động qua lại thăm thân, lưu thông hàng hóa, xã Pờ Y còn có thôn Lệc kết nghĩa với bản Phu Cưa, thuộc cụm bản Xổm Bun, huyện Phu Vông, tỉnh Attapeu, Lào. Trong môi trường như thế, các loại tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng rất dễ lợi dụng trà trộn hoạt động. Mặc dù vậy, thông qua công tác đối ngoại Biên phòng và tai mắt quần chúng nhân dân, chúng tôi chủ động nắm bắt tình hình từ sớm, từ xa để có những biện pháp đấu tranh hiệu quả nhất. Đã có nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới bị chúng tôi bóc gỡ từ thế trận liên hoàn và chặt chẽ này. Có thể khẳng định, công tác đối ngoại Biên phòng và việc thúc đẩy giao lưu nhân dân không chỉ vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước, mà còn góp phần đấu tranh phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, giữ vững sự bình yên trên biên giới”.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhip-cau-thuc-day-giao-luu-nhan-dan-tren-dia-ban-bien-gioi-tay-nguyen-post468894.html