Nhịp cầu nối bờ song mưa

Cầu vồng là một bức tranh, không thiếu vắng bất cứ một màu nào mà mắt ta có thể cảm nhận được. Nhìn vào bức tranh, người ta thấy, mưa đã tạnh nhưng đâu đó vẫn đang mưa, thấy mùi của sấm sét vẫn còn thoáng vương lại, thấy hoa bắt đầu nở, thấy lá xanh đang đâm chồi, thậm chí còn nghe thấy tiếng chim kêu vượn hót quanh đây...

Ảnh minh họa.

Cầu vồng là một bức tranh, không thiếu vắng bất cứ một màu nào mà mắt ta có thể cảm nhận được. Nhìn vào bức tranh, người ta thấy, mưa đã tạnh nhưng đâu đó vẫn đang mưa, thấy mùi của sấm sét vẫn còn thoáng vương lại, thấy hoa bắt đầu nở, thấy lá xanh đang đâm chồi, thậm chí còn nghe thấy tiếng chim kêu vượn hót quanh đây...

Ánh sáng có màu trắng muốt sau khi đi xuyên qua giọt nước trong veo bị tán sắc và khúc xạ hắt lên bầu trời sinh ra một nhịp cầu 7 màu treo lơ lửng, nửa hư nửa thực trên không trung trước mắt chúng ta. Giọt nước càng lớn cầu vồng càng dài, mặt trời càng sáng cầu vồng càng rõ nét. Ta chỉ nhìn thấy cầu vồng khi sau lưng là mặt trời, trước mặt là cơn mưa, hoặc khi mưa đã tạnh hẳn, nhưng trong bầu không gian vẫn còn những hạt nước treo lơ lửng chưa bị bốc hơi, chưa kịp rơi xuống... Từ đây mới có câu: “Muốn ngắm cầu vồng thì đừng sợ cơn mưa”!

Còn có cầu vồng đôi, cầu vồng kép nữa bạn ạ! Chúng được gọi là cầu vồng cấp 2, đây là hiện tượng cực hiếm.

Cầu vồng cấp 2 được hình thành khi tia sáng sau khi đi qua giọt nước vẫn còn đủ lực để tiếp tục tán sắc rồi khúc xạ, phản xạ một lần nữa mà tạo ra một cầu vồng thứ hai, nằm chếch lên phía cao hơn. Tất nhiên, cầu vồng cấp hai mờ nhạt hơn cầu vồng chính, vì ánh sáng đã yếu đi rồi và đặc điểm quan trọng nhất là nó cũng có bảy màu, nhưng sắp sếp bị đảo ngược lại thứ tự: Tím ngoài, đỏ trong.

Còn một loại cầu vồng nữa được gọi một tên khác là "hào quang". Đây là một loại cầu vồng mùa đông ở xứ lạnh, cực kỳ hiếm thấy vì nó chỉ xuất hiện khi nhiệt độ xuống tới - 40 độ C, mặt trời phải cực kỳ sắc nét, và độ ẩm phải cực cao, đủ khả năng để tạo nên những mảng mây băng treo lơ lửng trong khí quyển thay thế cho những giọt nước của cơn mưa mùa hè.

Tôi có diễm phúc được nhìn thấy hào quang một lần vào giữa tháng 1 năm 2017 khi nhiệt độ nơi tôi đang sống xuống tới - 41 độ C. Nhớ hôm đó, tôi phải lên đường đi Moscow để bay về Việt Nam. Trên đường đi không dám một lần tắt máy vì sợ không đề lại được, kính và gương bị băng đóng làm cho mờ mịt, tầm nhìn vô cùng hạn chế ... Thế mà về đến Hà Nội, khi nghe thông báo nhiệt độ nơi đây là 19, 20 độ C... Tôi chợt ngộ ra rằng, trong hai ngày, mình đã vượt qua hơn 10 ngàn cây số với khoảng cách về nhiệt độ là 60 độ C.

Theo quan niệm dân gian, nhìn thấy cầu vồng là gặp may mắn. Đặc biệt, khi gặp cầu vồng kép, mọi điều sẽ được cát tường như ý.

Cầu vồng là ảo ảnh, như chiếc cầu hư vô, nhưng lại nhìn thấy được, nối hai bờ của dòng sông mưa... Bảy sắc của cầu vồng không chỉ là một vẻ đẹp tuyệt vời có một không hai mà còn mang trong mình ý nghĩa sâu sắc nhiệm màu của niềm hy vọng.

Nguyễn Việt Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhip-cau-noi-bo-song-mua-167381.html