Nhịp cầu hữu nghị: Chủ động tìm nguồn lực phục vụ công tác an sinh

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, năm 2023, Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp 10 tỉnh, thành thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Đồng thời, cả nước có 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), hiệp hội nước ngoài đăng ký hoạt động.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nguyễn Thành Trí khen thưởng các cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác phi chính phủ nước ngoài. Ảnh: S.Thao

Do vậy, việc kết nối, khai thác trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp FDI, tổ chức PCPNN, các hiệp hội nước ngoài đối với hoạt động an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác PCPNN được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đề ra trong năm 2024.

* Chủ động kết nối, vận động

Đến nay, Đồng Nai có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư với tổng số hơn 2 ngàn dự án, trong đó gần 1.450 dự án của doanh nghiệp FDI; đồng thời, có 62 tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài đăng ký hoạt động.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Nguyễn Thành Trí, Đồng Nai rất coi trọng công tác đối ngoại nhân dân, trong đó có công tác PCPNN. Mỗi năm tỉnh đều tổ chức hội nghị gặp gỡ các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài và tôn vinh những đơn vị đóng góp tích cực đối với địa phương. Ngoài ra, để rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hành chính trong tiếp nhận, triển khai các dự án PCPNN và các nhà tài trợ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ngày 31-3-2023 của UBND tỉnh ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai nguồn viện trợ của các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cam kết 100% nguồn kinh phí được sử dụng để phục vụ cho mục đích đề ra.

Đồng Nai hiện có 62 tổ chức PCPNN, hiệp hội nước ngoài đăng ký hoạt động. Tỉnh đã hợp tác với các tổ chức PCPNN triển khai các khoản viện trợ tập trung vào lĩnh vực y tế, giáo dục, tài nguyên - môi trường và giải quyết các vấn đề xã hội…

Để có căn cứ kêu gọi các khoản viện trợ, giúp các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài nắm bắt nhu cầu của địa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cùng các địa phương đã xây dựng danh mục các dự án cần kêu gọi viện trợ làm tài liệu tham khảo gửi đến các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài xem xét. Qua rà soát, đã có 57 dự án do các sở, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố đề xuất được đưa vào danh mục dự án kêu gọi viện trợ PCPNN của tỉnh. Danh mục dự án thường xuyên được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh, đã in 3 đợt gần 2 ngàn cuốn danh mục dự án kêu gọi hợp tác PCPNN tại Đồng Nai.

Ông Marc De Muynck, Chủ tịch Hiệp hội Les Enfants du Dragon (LEDD) cho hay, thông qua danh mục dự án kêu gọi viện trợ PCPNN của tỉnh, hiệp hội chủ động nắm bắt thông tin để tìm kiếm dự án tài trợ phù hợp.

Nhờ vậy mà 10 năm qua, các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài đã cam kết tài trợ khoảng 600 tỷ đồng. Riêng năm 2023, thu hút viện trợ PCPNN của tỉnh đạt 109 tỷ đồng. Điều này đã góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; đồng thời, thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI.

* Sử dụng hiệu quả nguồn lực

Từ nguồn lực đóng góp của tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài, hàng loạt dự án an sinh xã hội dành cho giáo dục, y tế, chăm sóc người khuyết tật, hỗ trợ nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số… đã được triển khai, góp phần giảm áp lực cho ngân sách tỉnh trong thực hiện cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Cụ thể, thông qua kết nối của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, LEDD vừa hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ đặc biệt khó khăn về nhà ở tại H.Định Quán. Hay Tổ chức COPION/Hàn Quốc đã tài trợ 2 tỷ đồng để xây dựng mới 4 phòng học tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (H.Trảng Bom)…

Tuy nhiên, trong 3 năm qua, các doanh nghiệp FDI tham gia trách nhiệm xã hội chưa cao, với chỉ 76 khoản hỗ trợ có tổng kinh phí trên 44,6 tỷ đồng. Số tổ chức PCPNN có mối quan hệ với tỉnh tăng từ 23 đơn vị vào năm 2013, lên 60 đơn vị vào năm 2023. Song nếu nhìn nhận số tổ chức PCPNN đang hoạt động tại Việt Nam lên đến 500 đơn vị thì đây vẫn còn là con số khá khiêm tốn. Do vậy, việc kết nối được ngày càng nhiều tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài chung tay thực hiện hoạt động an sinh xã hội tại tỉnh là nhiệm vụ được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh chú trọng.

Theo Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn, nhiều năm liền, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đồng Nai thu hút hiệu quả nguồn lực của các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài tham gia vào sự phát triển của tỉnh. Qua đó, góp phần thể hiện vai trò kết nối, vận động trong công tác đối ngoại nhân dân.

Để làm được điều đó, theo ông Nguyễn Thành Trí, thời gian qua, tỉnh cam kết tất cả kinh phí viện trợ đều dành cho dự án. Các bên liên quan có sự nỗ lực, tâm huyết và trách nhiệm trong đảm bảo thực hiện khoản viện trợ sử dụng đúng mục đích, đúng tiến độ, hài hòa các yêu cầu. Do vậy, những năm qua, Đồng Nai luôn nhận được sự đồng hành từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức PCPNN, cá nhân nước ngoài trong quá trình phát triển của tỉnh. Đây là thế mạnh mà Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh cùng các đơn vị liên quan sẽ phát huy.

Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các địa phương trong nước đối với thu hút nguồn viện trợ PCPNN của các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài được dự báo sẽ ngày càng gia tăng. Do vậy, việc tăng cường kết nối chung thông qua các chương trình, hội nghị tiếp xúc với các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài cũng như tiếp xúc, trao đổi cụ thể với từng đơn vị sẽ được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đẩy mạnh thực hiện.

Thời gian qua, việc viện trợ của các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài có sự thay đổi về giá trị, số lượng. Phương thức viện trợ của các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài cũng dịch chuyển từ tài trợ hoàn toàn sang yêu cầu địa phương có vốn đối ứng khi triển khai dự án. Có những dự án, số vốn đối ứng cao hơn so với số vốn tài trợ, song vẫn được địa phương chủ động thực hiện. Như trong quá trình thực hiện dự án điểm Trường tiểu học Tập Phước (H.Long Thành), tổng kinh phí thực hiện trên 3,8 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn LS tài trợ thông qua Tổ chức COPION/Hàn Quốc là 1,5 tỷ đồng và ngân sách huyện đối ứng hơn 2,3 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thành Trí, có những dự án của các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài nguồn lực viện trợ để triển khai có giá trị rất lớn nhưng cũng có dự án rất khiêm tốn về giá trị hỗ trợ, quy mô nhỏ. Song khi đối tác, nhà tài trợ đã mở lòng hỗ trợ thì Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh luôn đón nhận với sự trân trọng. Đồng thời, các địa phương trong tỉnh đã chủ động bố trí ngân sách để cùng tham gia vào các dự án do các tổ chức PCPNN, doanh nghiệp FDI, hiệp hội nước ngoài có yêu cầu vốn đối ứng. Điều này sẽ tiếp tục được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh phát huy nhằm gắn kết, thu hút ngày càng nhiều đối tác đến và hợp tác cùng địa phương.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202401/nhip-cau-huu-nghi-chu-dong-tim-nguon-luc-phuc-vu-cong-tac-an-sinh-e0056fc/