Nhìn lại dự báo chứng khoán tuần qua

Thị trường vừa trải qua những phiên giao dịch tiêu cực với áp lực bán mạnh trên diện rộng xuyên suốt cả tuần. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường trong tuần qua.

Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 4 phiên giảm liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 101,75 điểm (-7,97%) xuống mức 1.174,85 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong 1 tuần kể từ tháng 10/2022.

Trong tuần thị trường chỉ giao dịch 4 phiên nhưng thanh khoản trên HOSE đạt 130.589,27 tỷ đồng, tăng 36,1% so với tuần trước và đạt trên mức trung bình, cho thấy áp lực bán gia tăng mạnh, đột biến hơn ở nhiều cổ phiếu/nhóm cổ phiếu.

Diễn biến sàn HOSE trong tuần từ 15-19/4

Trong khi đó, trên sàn HNX cũng có 4 phiên giảm, tổng cộng cả tuần chỉ số HNX-Index kết tuần ở mức 220,8 điểm, giảm 20,54 điểm, tương ứng giảm 8,51% so với tuần trước. Thanh khoản sàn HNX cũng tăng 20,44%, đạt 10.563 tỷ đồng được giao dịch.

Diễn biến sàn HNX trong tuần từ 15-19/4

Thị trường giảm điểm rất mạnh trong tuần qua khi không giữ được vùng giá hỗ trợ giá cao nhất năm 2023 tương ứng quanh 1.250 điểm, đồng thời kết thúc xu hướng tăng kéo dài trong 5 tháng qua khiến cho tâm lý nhà đầu tư trở nên kém tích cực hơn bên cạnh các tin tức tiêu cực từ tình hình thế giới.

Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán tuần qua từ 15-19/4:

CTCK Kiến Thiết Việt Nam – CSI sau khi nhận định sai ở phiên lao dốc ngày đầu tuần 15/4 khi cho rằng khả năng quán tính tăng điểm có thể được duy trì, đã thận trọng hơn trong những phiên giao dịch tiếp theo với dự báo chỉ số VN-Index đang test lại ngưỡng hỗ trợ 1.180 – 1.200 điểm.

Đáng chú ý, CSI kỳ vọng vùng hỗ trợ trên có thể ngăn cản áp lực bán và giúp thị trường lấy lại cân bằng, nhưng thực tế, chỉ số VN-Index tiêu cực hơn với liên tiếp những pha giảm sâu và đã xuyên qua đường MA200, thậm chí mất luôn mốc 1.170 điểm khi kết thúc tuần.

Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam – KBSV dù vẫn có những cảnh báo về áp lực rung lắc và điều chỉnh, nhưng những dự báo có phần tích cực hơn trạng thái của thị trường.

Cụ thể, KBSV cho rằng nhiều khả năng chỉ số sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật khi chạm quanh ngưỡng hỗ trợ 1.220 (+/-10) điểm, nhưng rủi ro giảm điểm vẫn còn đang lấn át khi tâm lý tiêu cực còn đang bao trùm lên toàn thị trường.

Đồng thời, công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua mới đối với các vị thế đang nắm giữ, ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục sớm.

Tương tự, sau khi thất bại trong phiên đầu tuần ngày 15/4 bởi khuyến nghị nhà đầu tư có thể mở mua thăm dò, CTCK Asean cũng chuyển qua trạng thái dự báo thận trọng khi dự báo xu hướng giảm vẫn còn hiện hữu, đồng thời đưa lời khuyên nhà đầu tư tiếp tục quan sát, tránh mua mới quá sớm và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp – trung bình.

Tại CTCK Yuanta Việt Nam, quan điểm dự báo thị trường xuyên suốt tuần qua, đó là xu hướng ngắn hạn vẫn duy trì ở mức GIẢM. Đồng thời, công ty chứng khoán khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên dừng bán ở giai đoạn này và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, nếu nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao và chấp nhận rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

N.T

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhin-lai-du-bao-chung-khoan-tuan-qua-post343701.html