Nhiều yếu tố giảm áp lực lên mặt bằng giá tháng 5

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, vẫn còn nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, như: Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và hiện nước ta vẫn chủ động được trong sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, sẽ góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Nguồn: Petrolimex. Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Petrolimex. Đồ họa: Văn Chung

Giá nhiều hàng hóa thiết yếu ổn định

Từ 15h ngày 11/5, giá xăng đã giảm mạnh 1.300 đồng/lít. Cụ thể, giá xăng RON 95-III giảm xuống mức 21.000 đồng (giảm 1.320 đồng), xăng E5 RON 92 là 20.130 đồng/lít (giảm 1.300 đồng). Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, dầu diesel là 17.650 đồng/lít (giảm 600 đồng). Dầu hỏa có mức giá mới là 117.970 đồng/lít (giảm 550 đồng), dầu mazut giảm 640 đồng, có giá mới là 14.860 đồng/kg. Như vậy, trong 2 kỳ điều hành liên tiếp, giá xăng dầu được Liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Giá gas trong nước hiện cũng đã giảm do thị trường thế giới hạ nhiệt.

Đây là tín hiệu vui cho nền kinh tế khi mặt hàng là đầu vào của nền kinh tế đã không còn căng thẳng, gây áp lực đến điều hành lạm phát của nước ta.

Giá thóc, gạo tẻ thường bình quân ở một số địa phương trên cả nước cơ bản ổn định, có tăng giảm nhẹ không đáng kể, như giá thóc có mức tăng khoảng 0,83%, mặt hàng gạo tẻ ngon giảm khoảng 5%.

Về giá thực phẩm tươi sống, nhìn chung giá các mặt hàng thực phẩm trong thời gian qua có xu hướng giảm nhẹ, do nguồn cung vẫn dồi dào đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Qua theo dõi báo cáo của các sở tài chính gửi về Bộ Tài chính cho thấy, trong số 12 mặt hàng thì có 3/12 mặt hàng tăng giá; có 8/12 mặt hàng có xu hướng giảm giá. Nhiều mặt hàng giảm giá, như: gà công nghiệp, cải xanh, bí xanh, thịt lợn nạc thăn, tôm rảo, tôm nuôi nước ngọt, bắp cải trắng, cà chua…

Về giá dịch vụ giáo dục, tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Chính phủ quy định khung, trần học phí cho từng năm học. Các địa phương (hội đồng nhân dân), đơn vị quyết định mức cụ thể học phí cho từng năm học trong phạm vi khung, trần học phí do Chính phủ quy định. Trong tháng 2/2023, đã có một số địa phương điều chỉnh một số giá dịch vụ giáo dục như: Hải Phòng tăng 0,53%; Đà Nẵng giảm 0,37%; Khánh Hòa giảm 45,52%; Vĩnh Long giảm 22,40%.

Theo Bộ Tài chính, có một số yếu tố gây áp lực tăng giá, như: Giá thóc gạo có xu hướng tăng trong thời gian tới, do nhu cầu xuất khẩu tăng. Giá các mặt hàng nhiên liệu và năng lượng dự báo vẫn ở mức cao và diễn biến phức tạp, do ảnh hưởng của cuộc xung đột kéo dài giữa Nga - Ucraina.

Mặt bằng giá sẽ có tác động khi tăng lương, tăng giá điện

Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4,5% vẫn đang thực hiện được, trong tầm kiểm soát theo đúng lộ trình nên ảnh hưởng từ tăng giá điện vừa qua là không đáng lo, dù một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vào tháng 7 tới, cùng với việc thực hiện tăng lương cơ sở thì việc tăng giá điện có thể có tác động, nhưng chỉ số lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường hiện nay không lớn.

Bên cạnh đó, giá một số vật liệu xây dựng có xu hướng tăng do vào mùa xây dựng hoặc do chi phí đầu vào tăng. Một số mặt hàng Nhà nước định giá chịu áp lực điều chỉnh (như mặt hàng điện) do biến động về yếu tố hình thành giá đã phải thực hiện điều chỉnh tăng. Ngoài ra, vào tháng 5, do học sinh chuẩn bị nghỉ hè nên nhu cầu đi lại, giải trí, văn hóa, du lịch tăng hơn. Thời tiết chuyển hè nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng có thể làm chỉ số giá nhóm này tăng so với tháng trước và nhóm thiết bị đồ dùng gia đình như quạt, điều hòa dự báo sẽ tăng hơn so với tháng trước do nhu cầu mua giải nhiệt tăng.

Dù vậy, vẫn còn một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, như: Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào và hiện nước ta vẫn chủ động được trong sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Tập trung kiểm soát trong quý II, tạo dư địa cho cuối năm

Theo các chuyên gia kinh tế, quý II là thời điểm cần phải tập trung kiểm soát lạm phát để tạo dư địa điều hành cho nửa cuối năm

Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2023 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động triển khai các giải pháp theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã giao.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới, tác động đến Việt Nam, chủ động phân tích, dự báo tình hình trong nước và thế giới để có chỉ đạo phù hợp, kịp thời trong sản xuất, kinh doanh, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp, nhằm đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, thời gian qua, Chính phủ đã điều hành chính sách tài khóa - tiền tệ chắc chắn chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; có công cụ chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm giữ ổn định giá trị đồng tiền không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong điều kiện chính sách tiền tệ của các nước thay đổi nhanh, tác động đến tỷ giá. Chính sách tiền tệ đã phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Phải hết sức thận trọng trong điều hành

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức lạm phát thấp, CPI bình quân năm trong 5 năm (2018-2022) biến động không nhiều và có xu hướng đi ngang. Cũng như năm ngoái, áp lực lạm phát tại Việt Nam năm 2023 sẽ không quá lớn. Bởi lẽ, các áp lực đối với lạm phát từ các biến số như tiền tệ, tỷ giá hay nhiên, nguyên vật liệu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong năm 2022 và sẽ giảm trong năm 2023.

PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, CPI bình quân năm 2023 so với năm 2022 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 3,2 - 3,5%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, cũng không chủ quan trong điều hành, nhất là trong điều hành giá các loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, như giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục. Giá điện sinh hoạt đã được điều chỉnh tăng vừa qua, cùng với giá học phí được điều chỉnh tăng ở một số địa phương, có thể gây áp lực lạm phát, do đó, các cơ quan chức năng phải hết sức thận trọng trong điều hành.

Bộ Tài chính cho biết, đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, các bộ ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Vai trò của các địa phương cũng hết sức quan trọng. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá khi hàng hóa có biến động bất thường.

Để tránh lạm phát tâm lý, các bộ, ngành, địa phương chú trọng công tác thông tin truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát./.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-yeu-to-giam-ap-luc-len-mat-bang-gia-thang-5-127795-127795.html