Nhiều vướng mắc gây khó việc phát triển cây sâm Ngọc Linh

Với giá trị dược liệu và kinh tế cao, việc phát triển cây sâm Ngọc Linh được tỉnh Kon Tum đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 diện tích cây “Quốc bảo” của tỉnh đạt khoảng 4.500ha như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra thì đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được nhanh chóng tháo gỡ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum, với giá bán hiện tại, trồng 1 ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt trên 2,7 tỷ đồng. Bởi vậy cây sâm Ngọc Linh được coi là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số và là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư. Lợi nhuận thấy rõ nhưng hiện tại người dân, nhất là hộ nghèo khó trồng được cây sâm Ngọc Linh bởi vốn đầu tư ban đầu quá lớn, ước tính để trồng 1ha cần số vốn từ 10 - 13 tỷ đồng.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra mục tiêu đến hết nhiệm kỳ mở rộng được diện tích sâm Ngọc Linh lên khoảng 4.500ha và khoảng 10.000ha các loại cây dược liệu khác.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra mục tiêu đến hết nhiệm kỳ mở rộng được diện tích sâm Ngọc Linh lên khoảng 4.500ha và khoảng 10.000ha các loại cây dược liệu khác.

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, để trồng được cây sâm Ngọc Linh, cần khơi thông nguồn vốn tín dụng giúp người dân có tiền đầu tư: “Hiện nay, một lon hạt giống sâm trên thị trường bán 125 triệu. Đây là một khó khăn đối với hộ nghèo mà muốn phát triển diện tích sâm để xóa đói giảm nghèo. Còn đối với nguồn ủy thác qua Ngân hàng chính sách thì hàng năm vẫn được ngân hàng Trung ương ủy thác về cho tỉnh, tỉnh ủy thác về huyện để cho bà con vay. Tuy nhiên số lượng nguồn vốn còn giới hạn”.

Vướng Luật cũng đang là trở ngại trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum. Năm 2013, tỉnh đã ban hành Quyết định số 269 Phê duyệt Quy hoạch phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với tổng diện tích quy hoạch trên 31.700 ha. Tuy nhiên, có hơn 50% diện tích được quy hoạch trồng sâm nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, mà theo Luật lâm nghiệp 2017, việc tác động vào rừng đặc dụng là không được phép nghĩa là không được trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng này.

Ông Nguyễn Tấn Liêm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, để gỡ vướng mắc, năm 2019 tỉnh Kon Tum xây dựng Phương án thí điểm, quy hoạch trên 1.200 ha rừng trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh để bảo tồn rừng, kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, song đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Cây sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tự nhiên.

Cây sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tự nhiên.

Theo ông Nguyễn Tấn Liêm cần có cơ chế cho việc trồng sâm Ngọc Linh nói riêng và dược liệu nói chung dưới tán rừng đặc dụng. “Tất nhiên bảo tồn thiên nhiên chúng ta phải giữ. Nhưng mặt khác để có kinh tế dưới tán rừng đối với cây sâm Ngọc Linh cũng như một số cây dược liệu khác trồng dưới tán rừng nếu dính rừng đặc dụng tuyệt nhiên không cho là rất kẹt cho bà con. Hai nữa tạo sự xung đột giữa Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với người dân địa phương, công tác quản lý bảo vệ rừng khó khăn cho Khu bảo tồn. Đề xuất là trong rừng đặc dụng cho tác động bao nhiêu phần trăm, rồi ở mức độ nào thì để cho có cửa mà người dân mưu sinh dưới tán rừng”.

Được coi là cây “Quốc bảo” của Việt Nam, những năm gần đây các cấp chính quyền và ngành chức năng dành nhiều sự quan tâm để phát triển cây sâm Ngọc Linh. Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 787 phê duyệt bổ sung Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) vào danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Đến nay tại 9 xã trong vùng chỉ dẫn địa lý ở hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei của tỉnh Kon Tum có gần 1.200 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp đã trồng được trên 24,8 triệu cây sâm Ngọc Linh dưới tán 1.151ha rừng tự nhiên.

Xuống giống sâm Ngọc Linh.

Xuống giống sâm Ngọc Linh.

Thế nhưng theo ông Đoàn Trọng Đức, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum, hiện cây sâm Ngọc Linh vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tỉnh phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật trồng sâm tạm thời. Vấn đề kiểm định, kiểm nghiệm sâm Ngọc Linh cũng trong tình trạng tương tự.

“Hiện tại về cây sâm Ngọc Linh thì chúng ta chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các quy chuẩn kỹ thuật về trồng cây sâm mỗi địa phương ban hành một quy chuẩn tạm thời. Quảng Nam cũng có quy chuẩn kỹ thuật và Kon Tum cũng có quy chuẩn kỹ thuật. Tôi đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Khoa học - Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Thứ hai, phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh ngoài áp dụng các quy trình kỹ thuật về xuất xứ nguồn gốc hiện tại thì chúng ta cũng chưa ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm định, kiểm nghiệm về cây sâm Ngọc Linh để phân biệt với các sâm khác”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020- 2025 đề ra mục tiêu đến hết nhiệm kỳ mở rộng được diện tích sâm Ngọc Linh lên khoảng 4.500ha và khoảng 10.000ha các loại cây dược liệu khác. Tỉnh phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu này, mới đây tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tình hình đầu tư sản xuất, chế biến và định hướng phát triển sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đã chính thức kiến nghị và đề nghị Bộ sớm tham mưu Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc vừa nêu để thuận lợi trong việc để phát triển cây sâm Ngọc Linh./.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/nhieu-vuong-mac-gay-kho-viec-phat-trien-cay-sam-ngoc-linh-post936547.vov