Nhiều tổng kho ngoại quan nằm sát biên giới nước ta:Doanh nghiệp trong nước cần ứng phó hiệu quả

Thông qua hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới phía Bắc và sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh việc đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng Việt.

Hàng Trung Quốc phong phú, đa dạng, giá rẻ, giao nhanh, cước vận chuyển thấp… đang gây áp lực lớn đến các công ty Việt Nam và hàng Việt. Trước những thách thức trên, các doanh nghiệp Việt cần có những giải pháp để ứng phó hiệu quả.

Giá rẻ, cước vận chuyển thấp nên sàn thương mại điện tử Shopee được nhiều người tiêu dùng sử dụng. Ảnh: Quang Định

Đối mặt với sức ép cạnh tranh

Theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric, đi cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, bức tranh về thị trường sàn thương mại điện tử trong quý I-2024 cũng hiện lên nhiều gam màu tươi sáng. Tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) đã đạt mức 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 78,69% so với cùng kỳ năm 2023.

Đồng thời, 766,7 triệu đơn vị sản phẩm đã được giao thành công tới người tiêu dùng trong 3 tháng qua, tăng 83,21% so với cùng kỳ. Với nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa được triển khai, người dân đang có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn so với giai đoạn hậu Covid-19. Mua sắm online đang ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam thì có 4 sàn do Trung Quốc quản lý trực tiếp hoặc có ảnh hưởng chi phối, gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop. Sendo - sàn thương mại điện tử duy nhất còn thuộc sở hữu và quản lý của người Việt thì chiếm doanh số rất nhỏ (3,8% thị phần).

Là khách hàng quen thuộc của sàn thương mại điện tử Shopee, chị Phạm Khánh Linh (trú tại ngõ 235 phố Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho biết, do giá rẻ, cước vận chuyển thấp, hàng lại được giao đến nhanh chóng nên thường xuyên đặt hàng quốc tế giao về Việt Nam, từ quần áo, phụ kiện điện thoại đến đồ gia dụng đều đặt hàng từ Trung Quốc thay vì mua ở nội địa.

“Mức cước vận chuyển khi mua hàng của các shop tại Hà Nội hay các tỉnh thường phải từ 20.000 đến 60.000 đồng, nhưng đặt hàng từ Trung Quốc về thì phí ship chỉ mất khoảng 15.000-20.000 đồng”, chị Phạm Khánh Linh chia sẻ.

Nói về “làn sóng” hàng Trung Quốc giá rẻ như hiện nay, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh cho biết, nhờ vào lợi thế xây dựng hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới Việt Nam, hàng Trung Quốc được vận chuyển đến tay người tiêu dùng khá nhanh và còn có thể miễn phí giao hàng với một số mặt hàng cần được giải phóng tồn kho nhanh. Hàng Trung Quốc giá rẻ đang tạo nên sức cạnh tranh đầy khốc liệt nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn đang trong giai đoạn khó khăn về năng lực sản xuất, kho vận.

Cũng theo bà Vũ Kim Hạnh, ngoài việc Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt tổng kho ngoại quan ở sát biên giới phía Bắc thì từ lâu các doanh nghiệp nước này đã chuẩn bị để đưa hàng hóa của họ đến tận các chợ truyền thống ở Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý, tăng sức cạnh tranh.

Đẩy mạnh cải tiến năng suất, chất lượng

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, cuộc cạnh tranh giữa hàng tiêu dùng Việt Nam với hàng Trung Quốc ngay trên sân nhà đã diễn ra từ nhiều năm. Vì vậy, Nhà nước cần phối hợp cùng với các doanh nghiệp để tìm ra những cách thức để giải quyết vấn đề cạnh tranh sống còn này. Bên cạnh đó, cần xác định thế mạnh của hàng Việt Nam khi cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ Trung Quốc là nằm ở đâu.

Hàng hóa Trung Quốc có lợi thế về giá, mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh… không chỉ được ưa chuộng bởi giới trẻ Việt, mà còn ở một số thị trường khác. Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt đó, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh cải tiến năng suất, chất lượng, chú trọng khâu chăm sóc khách hàng, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Metric, hiện nay, các doanh nghiệp địa phương cũng đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tổng doanh thu và sản lượng bán của các địa phương ngoài tốp 10 đều tăng trưởng trên mức 50%. Kho hàng đặt tại các tỉnh, thành phố đã góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển, giao hàng, thúc đẩy tăng trưởng và đáp ứng nhu cầu mua hàng nhanh chóng của người tiêu dùng ở địa phương. Trước bối cảnh các công ty Trung Quốc triển khai xây dựng các tổng kho gần biên giới với Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cũng có thể làm như vậy để cải thiện tốc độ giao hàng, giá cước vận chuyển.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho rằng, các doanh nghiệp không nên hoang mang mà cần tìm giải pháp ứng phó để đứng vững và không mất lợi thế cạnh tranh. Trước hết, các doanh nghiệp Việt phải nghĩ tới các kho ngoại quan tại các tỉnh, thành phố lân cận và cả chính kho ngoại quan của Trung Quốc để có thể tận dụng, xâm nhập vào thị trường của họ.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, để cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa của Trung Quốc, quan trọng nhất là nông dân và các doanh nghiệp Việt phải cải tiến chất lượng giống, nâng cao năng suất để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Về phía nhà nước, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực cho nông dân và doanh nghiệp trong nước xuất khẩu, nhất là thông qua sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics và nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống giao vận trong nước.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nhieu-tong-kho-ngoai-quan-nam-sat-bien-gioi-nuoc-ta-doanh-nghiep-trong-nuoc-can-ung-pho-hieu-qua-664878.html