Nhiều sinh viên Trung Quốc không muốn quay lại Australia

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không ít du học sinh Trung Quốc quyết định trở về quê nhà thay vì gắng gượng ở lại Australia như bạn bè nước khác.

Tháng 2/2022, Aisling Li đến Melbourne (Australia) để nhập học tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT), ngành thiết kế đồ họa.

Trên chuyến bay từ quê nhà ở Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc), Li thấy hầu hết hàng ghế đã kín chỗ.

Đó là một dấu hiệu nhỏ cho thấy người trẻ ở đất nước tỷ dân đang quay lại xứ sở chuột túi sau thời gian dài trở về quê hương tạm lánh do dịch.

"Học trực tuyến khiến tôi cảm thấy rất buồn ngủ. Vì vậy, tôi muốn đến một nơi nào đó có các lớp học trực tiếp và tôi đã chọn chương trình đào tạo ở Austarlia. Dịch bệnh khiến mọi người rơi vào thế khó khăn.

Bây giờ thì tình hình tốt hơn rồi bởi vì Melbourne không còn bị đóng cửa nữa. Mọi người có thể đi trên phố, mua bất cứ thứ gì họ muốn và quay trở lại cuộc sống bình thường của họ", Li nói với Korea Times.

Đại dịch Covid-19 khiến Australia mất đi một lượng lớn sinh viên quốc tế. Ảnh: AFP.

Khác với Li, không phải sinh viên Trung Quốc nào cũng hào hứng quay lại xứ sở chuột túi. Skye Cheng là một trong số đó. Mặc dù đã dành hai năm học trực tuyến, cô gái và cha mẹ không có ý định quay trở lại Sydney, Korea Times đưa tin.

"Tôi thực sự không chắc lắm vì chưa được tiêm phòng. Đây là học kỳ cuối cùng của tôi và tôi có thể cân nhắc học thạc sĩ ở Melbourne hoặc Sydney sau đó", Cheng bày tỏ.

Theo kế hoạch, Cheng phải lấy bằng đại học vào năm 2019. Nhưng khi đại dịch ập đến, cô đã đưa ra quyết định khó khăn là trở về quê nhà ở Quảng Châu.

Lo sợ dịch bùng trở lại

Ngay cả khi biên giới của Austrailia mở cửa trở lại cho sinh viên vào đầu tháng 12/2021, Cheng và hàng chục nghìn người trẻ khác vẫn đang phân vân giữa “đi hay ở”. Họ lo ngại về làn sóng dịch bệnh mới và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

“Nếu chúng tôi lại phải học online, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với xã hội và thêm rất nhiều quy định khác thì việc đến Australia có lợi ích gì?”, cô nói.

Ban đầu, Cheng nghĩ đến việc học thạc sĩ ở Anh, nhưng với số ca nhiễm vẫn ở mức cao, cha mẹ cô lo nơi đó không đủ an toàn.

Theo Bộ Nội vụ Australia (ADHA), sinh viên quốc tế quay trở lại các trường đại học tại xứ sở chuột túi từ giữa tháng 12. Dữ liệu ban đầu cho thấy con số này đã tăng 75.000 người kể từ cuối năm ngoái.

Đây là mức tăng rõ rệt nhất tính từ thời điểm đại dịch lan rộng. Tại thời điểm đó, gần 1/3 du học sinh (khoảng 120.000 người) vẫn chưa có ý định quay lại. Trong số này, sinh viên Trung Quốc chiếm phần lớn, với số lượng khoảng 77.000 người.

Nhiều người trẻ lo ngại tình hình sẽ tệ hơn khi họ quay trở lại xứ sở chuột túi. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, tình hình dần chuyển biến tốt hơn khi du học sinh Trung tại Australia tăng lên 55.000 người vào cuối tháng 2/2022.

Một số cơ sở giáo dục của Australia đã cung cấp hỗ trợ tài chính để khuyến khích sinh viên quốc tế quay trở lại.

Đại học Melbourne, hiện có khoảng 21.000 du học sinh đang theo học, với phần lớn đến từ Trung Quốc, đã tung ra gói chuyển tiếp cho người mới nhập học, bao gồm khoản trợ cấp 4.000 AUD (2.935 USD).

"Gói này được đưa ra để giúp giảm bớt gánh nặng chi phí đi lại và hỗ trợ sinh viên ổn định, kết nối với cộng đồng địa phương của chúng tôi", giáo sư Michael Wesley, phó hiệu trưởng tại Đại học Melbourne, cho hay.

Kêu gọi sinh viên quốc tế quay lại

Cho đến nay, sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đã quay trở lại Australia, trong đó phần lớn là người Ấn Độ và Nepal.

"Người trẻ đến từ 2 nước này có nhiều khả năng tiếp cận thị trường lao động Australia hơn so với các nhóm khác. Chính phủ đang kêu gọi sinh viên đến đây thông qua việc hoàn phí thị thực và tạm thời xóa bỏ các giới hạn công việc cho sinh viên quốc tế”, Peter Hurley, thành viên của Viện Mitchell, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận, nói.

Benny Shen (23 tuổi), người đang theo học thạc sĩ tại Đại học Sydney (USYD), vẫn ở tại đây trong suốt thời gian đại dịch bùng phát.

Shen cho biết anh đã trải qua 2 năm đầy thử thách, phải đối mặt với những bất ổn và viễn cảnh không thể về nước. Đó là thực tế đang diễn ra đối với nhiều sinh viên Trung Quốc.

"Tôi chưa bao giờ cảm thấy bất lực như vậy. Ít nhất nếu có thể biết những gì sẽ xảy ra và có mốc thời gian nhất định thì mọi thứ có thể dễ dàng hơn rất nhiều. Tôi rất thích ở lại Australia vì đây là một môi trường rất tuyệt vời. Nhưng cũng giống như nhiều người khác, tôi cũng cần về thăm gia đình", Shen nói.

Các trường đại học ở Australia tung ra các gói hỗ trợ để khuyến khích sinh viên quốc tế trở lại. Ảnh: SCMP.

Đối với công dân Trung Quốc, việc trở về nhà vẫn là một vấn đề khó khăn do thiếu chuyến bay và chi phí y tế đắt đỏ. Chính phủ đặt ra quy định bất kỳ ai đến đây đều phải trải qua thời gian kiểm dịch bắt buộc từ 2-4 tuần.

Nhưng đối với Shen, cuộc sống ở xứ sở chuột túi vẫn tương đối ổn. Anh cho rằng điều này là do sự đa dạng cộng đồng và công việc thay đổi linh hoạt.

Trong nhiều năm qua, Australia luôn là nơi thu hút rất nhiều sinh viên quốc tế. Điều đó đã giúp nơi đây trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD.

Lĩnh vực này đạt 40 tỷ AUD vào năm 2019 nhưng nó đã giảm gần một nửa giá trị trong năm ngoái, xuống còn 22,5 tỷ AUD, theo Hurley.

“Các trường đại học là những tổ chức lớn. Họ sẽ quản lý tác động tài chính để đạt được sự gia tăng sinh viên quốc tế”, Hurley nhận định.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-sinh-vien-trung-quoc-khong-muon-quay-lai-australia-post1303224.html