Nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp vẫn mông lung về nghề nghiệp

Sinh viên năm cuối tại các trường đại học đang bước vào thời gian nước rút vô cùng quan trọng. Sợ không xin được việc, không đủ điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ, làm khóa luận tốt nghiệp, đi thực tập… là vô vàn những nỗi lo của sinh viên năm cuối trước khi tốt nghiệp.

Sinh viên năm cuối với nhiều áp lực trước tốt nghiệp (Ảnh: Mai Hiền)

Tuổi 22 với muôn vàn nỗi lo

Sau khi ra trường, công việc luôn là một trong những vấn đề khiến cho sinh viên lo lắng. Và việc lựa chọn một hướng đi đúng cho tương lai trở thành áp lực của không ít sinh viên năm cuối.

Hiện tại, có rất nhiều sinh viên gần ra trường nhưng mông lung với ngành học và việc làm trong tương lai.

Lê Quang Dũng, sinh viên năm 4, trường Đại học Công nghiệp chia sẻ: “ Khi học cấp ba mình chưa xác định được ước mơ, sở thích của bản thân, nghe theo định hướng của gia đình mình theo học ngành kế toán. Khi vào học chuyên ngành mình mới nhận ra ngành học không phù hợp”.

Dũng cho hay, dù không thích những con số nhưng vẫn cố gắng học để thi qua môn. Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại sắp ra trường Dũng rất lo lắng, hoang mang không biết ra trường sẽ làm nghề gì? Có thất nghiệp không?

“Có những hôm mình trằn trọc cả đêm, thức đến 4-5 giờ sáng lo lắng cho tương lai”, nỗi lo của Dũng cũng là nỗi lo của biết bao bạn trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Hiện tại, Dũng vẫn chưa có định hướng công việc sau khi tốt nghiệp. Mục tiêu bây giờ của Dũng là ra trường đúng hạn và có công việc ổn định.

Ngoài lo lắng về công việc trong tương lai thì tiếng Anh cũng là nỗi lo của sinh viên năm cuối. Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để xét tốt nghiệp. Là ngôn ngữ toàn cầu, tiếng Anh không chỉ là công cụ giao tiếp mà còn phát triển sự nghiệp cho sinh viên.

Sinh viên ra trường và chặng đường đi xin việc với nhiều mối lo... (Ảnh minh họa)

Sợ cảm giác bạn bè có công việc mà mình vẫn thất nghiệp

Tương tự, Quàng Thị Thanh Nhẫn - sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, tiếng Anh không giỏi, chuyên môn cũng không sâu. Nhẫn lo lắng ra trường không xin được công việc tốt. Mất ăn mất ngủ lo không ra được trường vì chuẩn đầu ra ngoại ngữ.

Nhẫn chia sẻ: “Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay tiếng anh là yếu tố sống còn để có công việc tốt mà trình độ bản thân rất kém thì làm sao có được công việc như mong muốn. Điều đó khiến mình rất áp lực”.

Một trường hợp khác, ngày thì đi thực tập, đêm ở nhà làm khóa luận, Hoàng Hải Nam, sinh viên năm 4, trường đại học Điện Lực cảm thấy áp lực vì thời gian quá ít ỏi. Làm khóa luận tốt nghiệp rất khó. Để có thể hoàn thành tốt khóa luận tốt nghiệp, đòi hỏi vừa vững kiến thức chuyên ngành, vừa tập trung cao độ trong quá trình thực tập, vừa phải biết cách thu thập thông tin, đưa ra giải pháp sao cho hợp lý và logic…

Theo Nam, áp lực từ công việc, học tập chỉ là một phần, quan trọng nhất là áp lực từ chính bản thân.

“Trong đầu mình lúc nào cũng nghĩ ngợi, sợ hãi. Sợ cảm giác ra trường không kiếm được việc làm, sợ cảm giác làm bố mẹ thất vọng, sợ cảm giác các bạn đã có công việc ổn định mà mình vẫn thất nghiệp, mình sợ nhiều thứ lắm…Suy nghĩ nhiều quá khiến mình mất ngủ, chán ăn, sụt cân. Nhưng tất cả những nỗi sợ ấy đã thôi thúc mình bản lĩnh, cố gắng hơn”, Hải Nam thành thật.

Sinh viên phải chủ động tâm thế, mở rộng các cơ hội

Đánh giá về thực trạng trên, PGS.TS Phạm Hương Trà, Phó Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết để chuẩn bị cho một chặng đường mới thì sinh viên năm cuối có nhiều áp lực là vấn đề hết sức bình thường.

“Nguyên nhân có những áp lực trên là do các bạn chuẩn bị chưa tốt cho tương lai. Chẳng hạn như việc thi chuẩn đầu ra ngoại ngữ, khi bước vào đại học thì các trường đều có thông tin đầu vào để các bạn biết được yêu cầu về chuẩn đầu ra. Và các bạn có 4 năm học để chuẩn bị cho việc đó”, PGS.TS Phạm Hương Trà.

Đối với công việc, cũng theo cô Trà, khi các em chọn trường đầu vào chưa tính toán được cơ hội việc làm, chưa xác định được hướng đi chính xác của mình để có thể tìm kiếm cơ hội việc làm.

“Hiện nay, nhiều sinh viên lựa chọn ngành học chỉ vì lý do để đỗ đại học, có nhiều bạn bè thi, hay do yêu thích hoặc thời điểm đó thấy ngành học hấp dẫn. Các em không biết mình có đáp ứng được về yêu cầu, năng lực, kỹ năng cho ngành mình lựa chọn hay không”, cô Trà nói.

Đối với cơ hội việc làm, ngay từ những năm đầu, PGS.TS Phạm Hương Trà cho rằng các bạn phải xác định rõ công việc mình đi làm thêm hướng như nào với nghề nghiệp tương lai.

Các em phải chủ động tâm thế, mở rộng mối quan hệ, hiện nay có rất nhiều việc làm được đăng tải trên trang web của các tổ chức, công ty, đơn vị, nhà tuyển dụng.

PGS.TS Phạm Hương Trà cho rằng, đối với cơ hội việc làm, ngay từ những năm đầu, nếu như các bạn đi làm thêm thì cần phải xác định rõ mục tiêu của bản thân đối với công việc đó là gì và cố gắng làm những công việc liên quan đến ngành học để có thể bổ trợ, nâng cao kinh nghiệm cho nghề nghiệp tương lai.

Theo cô Trà, sinh viên phải chủ động tâm thế, mở rộng mối quan hệ, và hiện nay có rất nhiều việc làm được đăng tải trên trang web của các tổ chức, công ty, đơn vị, nhà tuyển dụng, có nhiều cơ hội nghề nghiệp để bạn trẻ lựa chọn.

Mai Hiền

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/nhieu-sinh-vien-sap-tot-nghiep-van-mong-lung-ve-nghe-nghiep-20240412233453530.htm