Nhiều sai sót trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh

Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh do PGS.TS Hà Quang Năng chủ biên, ThS Hà Thị Quế Hương - ThS Dương Thị Dung - ThS Đặng Thúy Hằng - Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội - 2019, trong bài gọi tắt là Nhóm HQN). 'Lời giới thiệu' cho biết: 'Cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh được biên soạn nhằm phục vụ rộng rãi nhu cầu giảng dạy, học tập và trau dồi tiếng Việt cho đối tượng chính là học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh. Từ điển được biên soạn theo tinh thần chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt'. Vậy có đúng cuốn từ điển này 'biên soạn theo tinh thần chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt' hay không?

Để rộng đường dư luận nói chung và giới khoa học nói riêng, góp ý với các công trình nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Việt, nhất là để phục vụ công tác giảng dạy, học tập ở bậc tiểu học, trung học, Báo Công an TPHCM xin giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Tuấn Công nhằm góp thêm quan điểm về công trình Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh do PGS, TS Hà Quang Năng chủ biên. Với mục đích nhằm giữ gìn sự trong sáng, phát triển của tiếng Việt, Báo Công an TPHCM mong tiếp tục nhận được sự góp ý của các chuyên gia, độc giả khắp cả nước về vấn đề trên.

1. "Tràng ba mươi khoát không được một tấc"

"Lời giới thiệu" cho biết "quyển từ điển thu thập khoảng 30.000 mục từ". Tuy nhiên, sách có 519 trang, khổ 11 x 18cm, trừ đầu trừ đuôi, nội dung giải nghĩa từ vựng còn lại 500 trang, mỗi trang chỉ có 7 - 9 mục từ. Cứ tính 10 mục từ/trang thì tối đa cũng chỉ đến 5.000 mục từ.

Nhóm HQN đã quảng cáo số lượng từ cao gấp 6 lần so với thực tế. Đây là cách làm thường thấy ở loại "từ điển rác" mà chúng tôi đã nhiều lần phản ánh. Ví dụ Từ điển tiếng Việt (Khang Việt - NXB Thanh Niên - 2016; khổ 10x18cm, 1.006 trang) giới thiệu ngoài bìa là "giải thích rõ ràng", "cập nhật nhiều từ mới", "tiện lợi để tra cứu", "370.000 từ", nhưng nội dung thì sai sót hàng loạt, số lượng từ bị nói vống lên gấp... hơn 70 lần so với thực tế!

Từ điển của Nhóm HQN giới thiệu sẽ cập nhật "từ ngữ mới được sáng tạo gần đây, được sử dụng tương đối phổ biến, ổn định, chứng tỏ sự chấp nhận của xã hội, như kích cầu, xuất toán, du lịch sinh thái, kinh tế tri thức...". Tuy nhiên trong thực tế, chẳng những soạn giả không thu thập từ mới (ví dụ chỉ tính những từ ngữ được sử dụng liên quan đến máy tính hoặc mạng xã hội: đăng nhập, đăng xuất, truy cập, thoát, lưu, mạng xã hội, cư dân mạng, tài khoản... hoàn toàn vắng bóng), mà ngay cả những từ ngữ được tác giả nêu cụ thể làm ví dụ tiêu biểu (kích cầu, du lịch sinh thái, kinh tế tri thức...), chúng tôi cũng không hề tìm thấy.

Theo lời giới thiệu, nhóm biên soạn từ điển cho biết còn thu thập những "yếu tố Hán - Việt có khả năng tạo từ lớn, không chỉ tạo ra từ Hán - Việt mà cả một số từ ngữ không phải Hán - Việt như bất, phi, vô, tặc, siêu, hóa, đại...". Nhưng thực tế sách chẳng những không thu thập những yếu tố Hán - Việt thông dụng, có khả năng tạo từ (kiểu như: vi, đại, tiểu, hóa, tính, đồng...) nói chung, mà ngay cả những yếu tố được soạn giả đưa ra làm ví dụ tiêu biểu như "bất, phi, vô, tặc, siêu, hóa, đại..." cũng hoàn toàn không!

Từ điển đưa ra một số hướng dẫn cách viết chính tả những từ ngữ vay mượn như: internet, video, fax, protein, ba lô, xà phòng, xi măng...; ví dụ về "những dạng chính tả hiện không được coi là chuẩn, không làm thành mục từ độc lập, nhưng có thể chú thêm vào mục từ", như: "a cn. B (cũng nói B): tụ điện cn. tụ"; "a cv (cũng viết B): hidrô cv. hydorogen".

Tuy nhiên, ngoại trừ "internet" và "xà phòng", chúng tôi hoàn toàn không thấy những mục từ còn lại, với cách thức trình bày như hướng dẫn của Nhóm HQN.

2. "Tam sao thất bản", "Râu ông nọ cắm cằm bà kia"

Trong danh mục tài liệu tham khảo, Nhóm HQN có kể đến Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Trung tâm từ điển học Vietlex) và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Viện Ngôn ngữ). Hầu như tất cả phần giải nghĩa đều được sao y hoặc tóm lược từ 2 cuốn sách này. Tuy nhiên, điều đáng nói là do hạn chế về trình độ, cộng thêm sự cẩu thả, vô trách nhiệm, nên đã xảy ra những sai sót mang tính hệ thống, kiểu "tam sao thất bản", "râu ông nọ cắm cằm bà kia" rất nguy hại cho các em học sinh.

Một số ví dụ:

- Mục từ mưu lược, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (gọi tắt là Hoàng Phê) giảng 2 nghĩa, gồm d. (danh từ) và t. (tính từ): "mưu lược · I d. mưu trí và sách lược [nói khái quát]"; "mưu lược · II t. có nhiều mưu trí”. Nhóm HQN chép lấy nghĩa II thuộc tính từ, nhưng khổ nỗi lại chú từ loại là danh từ: "mưu lược · d. có nhiều mưu trí”!

- Tương tự, mục mưu mẹo, Hoàng Phê giảng hai nghĩa, một là danh từ và một là tính từ: "mưu mẹo · I d. cách khôn khéo để đánh lừa đối phương nhằm thực hiện một ý định nào đó [nói khái quát]"; và "mưu lược II t. [kng] có nhiều mưu mẹo". Nhưng thật tai hại, Nhóm HQN tiếp tục chép lấy nghĩa II (tính từ), rồi lại đem chú từ loại là danh từ: "mưu mẹo d. Có nhiều mưu mẹo" (!).

- Mục va vấp, Hoàng Phê giảng 3 nghĩa, Nhóm HQN có lẽ định chép lấy 2 nghĩa, nhưng chép xong được nghĩa 1 thì quên mất dự định ban đầu, nên từ điển có đánh số nghĩa 1 (động từ), nhưng không thấy nghĩa 2 (danh từ) ở đâu. Hài hước hơn nữa, ở mục từ va vấp này, dù chỉ ghi nhận nghĩa 1 (động từ), nhưng Nhóm HQN lại lấy ví dụ của danh từ để đem dùng cho nghĩa 1 (động từ)!

Cụ thể, Nhóm HQN viết: "va vấp đg. 1. Đâm mạnh vào khi đang đi do không chú ý [nói khái quát]", rồi chép ví dụ "Cho đến lúc này anh càng thấy sự va vấp đã khiến em trở nên sâu sắc rất nhiều (Thời xa vắng, Lê Lựu)". Theo đây, trong câu "Cho đến lúc này anh càng thấy sự va vấp đã khiến em trở nên sâu sắc rất nhiều", thì "va vấp" ở đây là danh từ, có nghĩa là "trở ngại, khó khăn gặp phải" (thuộc nghĩa 3 trong Từ điển Hoàng Phê - Vietlex), chứ không phải nghĩa là "đâm mạnh vào khi đang đi do không chú ý” (động từ, nghĩa 1) trong từ điển của Nhóm HQN.

Lưu ý, những sai sót kiểu này mang tính hệ thống, nên số lỗi rất nhiều.

3. "Nói một đằng, làm một nẻo"

Về "cách thể hiện mục từ", từ điển hướng dẫn và lấy ví dụ: "Các mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau (thường được gọi là hiện tượng chuyển loại hay đồng âm cùng gốc) được đặt trong một mục từ và dùng chữ số La Mã để phân biệt, kiểu như: cày I.d và II. đg.". Tuy nhiên, thật đáng trách là Nhóm HQN làm ngược lại hoàn toàn so với quy ước do chính mình đặt ra.

Ví dụ, mục từ cày, soạn giả giảng 2 nghĩa: "cày1.d Nông cụ dùng để lật xới đất", và "cày2. Đg. Lật xới đất lên bằng cái cày". Theo đây, cày1 và cày2 là những "mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau". Đáng lẽ phải "dùng chữ số La Mã để phân biệt, kiểu như: cày I.d và II. đg.", theo đúng quy ước ở phần lời giới thiệu, thì Nhóm HQN lại dùng ký hiệu chữ số Ảrập ("cày1.d." và "cày2 đg."), theo quy ước là dùng cho những từ đồng âm nhưng không có quan hệ về nghĩa (ví dụ cày = cái cày, và cày = con chó).

Tương tự, các mục từ khác như:

- "cân1. d. 1. Dụng cụ để đo khối lượng".

- "cân2. Đg. Đo khối lượng bằng cái cân".

Đây là "mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau", đáng lẽ phải dùng chữ số La Mã và sắp xếp từ cùng nằm trong 1 mục từ như quy ước, nhưng Nhóm HQN lại đánh số Ảrập và chia làm 2 mục từ khác nhau (quy ước dùng cho những từ đồng âm nhưng không có quan hệ về nghĩa).

-"cuốc1 đg. Bổ, xới đất bằng cái cuốc".

-"cuốc2 d. Nông cụ gồm một lưỡi sắt tra vuông góc vào cán dài, dùng để bổ, xới đất".

Đây cũng đều là "mục từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau" đáng lẽ phải đánh số La Mã và xếp chung vào 1 mục, nhưng lại dùng số Ảrập và chia làm 2 mục từ khác nhau.

Còn có thể kể ra hàng loạt mục từ bị chỉ dẫn sai khác như: buồn1/buồn2/buồn3; bước1/bước2; chán1/chán2; châm1/châm2; công tác1/công tác2; cuộn1, cuộn2... Nếu phụ huynh và các em học sinh cứ tin theo sách thì chuyện tiền mất tật mang là không thể tránh khỏi.

Vì là lỗi hệ thống nên những cái sai kiểu này không thể kể hết.

(Còn tiếp...)

HOÀNG TUẤN CÔNG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/nhieu-sai-sot-trong-tu-dien-tieng-viet-danh-cho-hoc-sinh_159889.html