Nhiều rạp chiếu 'Đào, phở và piano', doanh thu tăng kỷ lục

Sau những ngày chỉ được chiếu ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia, hiện Đào phở và piano đã được công chiếu ở nhiều hệ thống rạp, doanh thu phim vì thế cũng tăng vọt.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia (TTCPQG), hiện tượng cháy vé, khán giả xếp hàng mua vé xem Đào, phở và piano đã không còn. Một phần vì sức hút của đã giảm, phần vì phim đã được công chiếu ở rạp Beta, Cinestar và hệ thống rạp chiếu ở các tỉnh; TTCPQG cũng đã kích hoạt lại hệ thống đặt vé online nên khán giả không còn phải vất vả xếp hàng chờ mua vé. Hiện tại, từ khoảng 40 suất chiếu lúc cao điểm, Trung tâm chỉ còn duy trì khoảng 12 suất chiếu/ngày. Với lượng khách xem tập thể, Trung tâm chưa dám nhận lời nhiều để không ảnh hưởng đến các suất chiếu cho phim khác.

Khán giả xếp hàng mua vé tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia

Chia sẻ với phóng viên Gia đình và Xã hội, bà Mạc Thị Thủy, Trưởng phòng chiếu phim – TTCPQG cho biết, doanh thu của phim Đào, phở và piano tại rạp đến nay đạt khoảng hơn 6 tỷ đồng. Còn theo trang web thống kê doanh thu vé rạp Box Office Việt Nam, doanh thu của bộ phim "Đào, phở và piano" tính đến sáng 19/3 đạt 16.070.460.000 đồng. Đây là con số kỷ lục với dòng phim Nhà nước từ rước đến nay.

Bà Mạc Thị Thủy cho rằng nếu có cơ chế phát hành như phim tư nhân, Đào phở và piano sẽ không dừng ở mức doanh thu như hiện tại. Bởi một bộ phim chỉ chiếu ở một hệ thống rạp như Trung tâm là quá nhỏ. Nếu tận dụng lúc phim đang có sức nóng để chiếu đồng thời ở nhiều hệ thống rạp thì đây là cơ hội rất tốt cho phim Nhà nước.

Đáng tiếc do đây là phim Nhà nước đặt hàng được chiếu thí điểm, không có kinh phí quảng bá, không có kế hoạch phát hành, và còn thiếu cả cơ chế, quy định để phim Nhà nước ra rạp nên các rạp tư nhân không thể chiếu. Còn Trung tâm là hệ thống rạp của Bộ VH, TT&DL nên thời gian qua, ngoài doanh thu bán vé phải nộp hết về cho Nhà nước, Trung tâm còn tự bỏ kinh phí ra để tuyên truyền quảng bá cho phim. Chúng tôi quan niệm, thử làm hết những gì có thể, những gì tốt nhất cho phim xem nó được đến đâu. Từ đó làm tiền đề cho cách thức phát hành những phim tương tự sau này.

Bà Mạc Thị Thủy, Trưởng phòng chiếu phim – TTCPQG: "Từ thử nghiệm với Đào, phở và piano, chắc chắn các phim sau này do Nhà nước đặt hàng sẽ tìm ra hướng đi để tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước"

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, phim làm bằng thuế của Nhà nước thì tại sao không chiếu miễn phí hoặc phát trên truyền hình cho nhân dân thụ hưởng? Bà Thủy cho rằng việc coi các phim do Nhà nước đặt hàng như với phim thương mại thực chất là cách thức làm cho đồng vốn của được vận hành hiệu quả. Trước đây, một bộ phim được Nhà nước đặt hàng, mang đi dự thi xong là cất kho, chỉ chiếu vào những ngày lễ lớn của đất nước. Giờ được vận hành như một bộ phim thương mại sẽ giúp tái đầu tư để sản xuất các tác phẩm khác tốt hơn. Hơn nữa, khi mang ra công chiếu rộng rãi sẽ đo được sự thành công hay thất bại của phim, đạo diễn có kênh để soi chiếu, từ đó tạo ra chất lượng tốt hơn cho phim sau.

Về phía khán giả, một bộ phim được thưởng thức trong điều kiện vật chất tốt là ở rạp nó khác với việc xem ở nhà qua ti vi, qua điện thoại. Cách thức vận hành đã có rồi, vấn đề còn lại là tạo ra cơ chế cho việc truyền thông, quảng bá và phát hành mà thôi. Nếu có cơ chế thì vừa rồi Đào, phở và piano không phải 20 tỷ mà lớn hơn rất nhiều".

Đào, phở và piano tạo nên cơn sốt nhưng với các rạp thì... lại càng chiếu càng lỗ

Chính vì chỉ có thể chiếu ở rạp TTCPQG mà những ngày đầu, rạp chiếu này khá khổ sở vì lượng khách quá lớn. Trái với quy luật thị trường, khi khách hàng lớn thì người bán được lợi thì ở đây, như đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ, càng chiếu nhiều thì Trung tâm càng thua lỗ. Doanh số vé bán ra thế nào phải nộp về hết cho Nhà nước, chi phí vận hành từ con người, rạp, chi phí khấu hao... rạp đều phải tự cân đối. Đây là lý do khiến các rạp tư nhân không thể công chiếu, trừ khi xác định đây là nhiệm vụ, như rạp quốc gia, hay sau đó có hai cụm rạp là Beta và Cinestar đồng ý chiếu phi lợi nhuận và gửi toàn bộ doanh thu về cho Nhà nước.

"Từ thử nghiệm với Đào, phở và piano, chắc chắn các phim sau này do Nhà nước đặt hàng sẽ tìm ra hướng đi để tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của Nhà nước", bà Thủy nói.

Đào, phở và piano được chiếu thí điểm ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia từ ngày mùng 1 Tết. Sau 1 tuần, số suất chiếu và tỉ lệ vé bán rất bình thường, thậm chí theo TTCPQG, rạp chưa có hôm nào kín ghế. Nhưng chỉ sau khi tài khoản Giao Cùn - Tiktoker chuyên làm nội dung liên quan đến lịch sử Việt Nam đăng tải clip ngắn chia sẻ cảm xúc khi Đào, phở và piano được ra mắt và chiếu tại Trung tâm nhưng không được quảng bá rộng rãi khiến cô tiếc nuối.

Clip chia sẻ và phân tích những yếu tố lịch sử có trong phim của tài khoản này đã thu hút sự chú ý của dư luận. Chỉ sau một đêm đăng tải clip, bộ phim Đào, phở và piano bất ngờ cháy vé tại TTCPQG. Sau đó, bộ phim được "tiếp sức" bởi mạng xã hội cùng sự khan hiếm của lượng vé bán ra đã tạo nên hiệu ứng và sự tò mò lớn cho khán giả. Theo Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành, chắc chắn đây sẽ là một kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh.

Lữ Liên

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nhieu-rap-chieu-dao-pho-va-piano-doanh-thu-tang-ky-luc-172240319070003415.htm