Nhiều 'rào cản' khiến tín dụng vẫn khó 'chảy' vào khu vực HTX

Không ít HTX gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do chưa hoàn thiện những yêu cầu về thủ tục hồ sơ, thiếu tài sản đảm bảo... Chính vì vậy, các HTX kiến nghị, các quy định cần được sửa đổi, 'may đo' kỹ lưỡng để phù hợp với đặc thù HTX thay vì những quy định chung chung và có phần chưa đúng với bản chất của mô hình HTX.

Tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực KTTT, HTX” do Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 23/4, ông Hoàng Công Trúc, Chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX nông nghiệp điện năng xã Thạch Sơn (Phú Thọ), cho biết HTX đã tiếp cận 2 ngân hàng nhưng vẫn chưa vay được vốn.

Ngân hàng 'e ngại' HTX?

Một trong những nguyên nhân được ông Hoàng Công Trúc đưa ra là do ngân hàng e ngại đây là mô hình kinh tế tập thể và cụ thể hơn đây là HTX toàn xã có nhiệm kỳ 3-5 năm thay đổi giám đốc/lần. Ngoài ra, ngân hàng trên địa bàn tỉnh yêu cầu tất cả 198 thành viên HTX ký vào giấy vay vốn.

“Mục đích của ngân hàng là bảo toàn vốn nhưng thực chất các quy định vay vốn như vậy là rất khó đối với HTX”, ông Hoàng Công Trúc cho biết.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, khó khăn về tiếp cận nguồn vốn tín dụng khiến khu vực KTTT, HTX chưa phát triển như mong muốn.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT HTX Công Bằng Thuận An (Đăk Nông), cho biết vốn lưu động hiện HTX chủ yếu huy động từ thành viên, còn vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng HTX chưa vay được vì thiếu tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phức tạp, không phù hợp với quy mô, cấu trúc HTX, từ đó gia tăng gánh nặng cho HTX, khiến HTX khó hoàn thành thủ tục vay vốn.

Có thể thấy rất nhiều HTX hiện nay chưa vay được vốn từ các tổ chức tín dụng. Hiện, Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 quy định rất rõ việc cho vay đối với HTX. Nhiều HTX, nhất là HTX thủy sản, nông nghiệp, HTX sản xuất muối… được vay 1 tỷ đồng, 3 tỷ đồng/HTX và vay không cần tài sản đảm bảo. Nhưng theo ông Trần Văn Phiệt, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nam Định, tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nam Định chưa HTX nào được tiếp cận vốn từ với những nội dung hỗ trợ này.

Ông Tạ Viết Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội), cho biết dù đã vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để mở rộng đàn vật nuôi, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện vận tải, hiện nay HTX vẫn có nhu cầu vay vốn để phát triển sản phẩm sữa vỉ. “Nhưng hiện chỉ có Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX dang tay ra đỡ lấy chúng tôi còn các ngân hàng thì chưa được điều đó. Trong khi về mặt hồ sơ, HTX đã hoàn thiện”, Chủ tịch HĐQT HTX Ba Vì chia sẻ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng ngành ngân hàng luôn coi HTX là một đối tượng quan trọng của nền kinh tế, cần quan tâm hỗ trợ.

Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, chỉ khoảng 2% HTX tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng. Đây là con số khiêm tốn trong khi nhu cầu vay vốn từ các HTX rất lớn.

Ông Phạm Công Bằng, Tổng Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam cho rằng cần ưu tiên nguồn lực từ ngân sách địa phương để cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX địa phương, đảm bảo tối thiểu 20 tỷ đồng và bổ sung hàng năm để đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng ngày càng lớn và đa dạng của khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, một vấn đề đặt ra hiện nay là cho vay đối với HTX chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng trong tổng 14 triệu tỷ đồng cho vay của nền kinh tế. Như vậy, tín dụng vẫn không vào được HTX.

Thực tế tại Lạng Sơn, hiện cũng chỉ có 17 HTX vay vốn từ các ngân hàng trong khi số lượng HTX toàn tỉnh hơn 400 HTX. “Như vậy là tại sao? Do cơ chế của ngân hàng chặt chẽ, lãi quá cao hay do HTX chưa đủ điều kiện tiếp cận vốn”, ông Đào Minh Tú đặt câu hỏi.

Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng các HTX chưa có trụ sở, nhà xưởng, kho chứa để bảo quản, sơ chế; trình độ quản lý của HTX còn thấp, ít vốn đầu tư vào công nghệ, chưa có liên kết với doanh nghiệp uy tín để tìm kiếm thị trường nên khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng.

Cần cái nhìn trực diện

Nghị quyết 20-NQ/TW nêu rõ cần tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng với các HTX. Chính vì vậy, để thực hiện được điều này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng cần cái nhìn sâu sắc hơn về KTTT, HTX bởi bức tranh hiện nay đáng lo ngại.

TS Võ Trí Thành cho rằng, cần có cái nhìn thẳng thắn về mô hình HTX để có các chính sách hỗ trợ một cách phù hợp, đúng bản chất với mô hình HTX.

Mục tiêu 2030 thêm số lượng HTX nhưng những năm qua, số lượng HTX vẫn tăng nhưng đóng góp vào GDP còn khiêm tốn. Nguyên nhân toàn bộ chính sách hỗ trợ rất nhiều, trong đó có chính sách hỗ trợ về vốn nhưng triển khai rất bất cập, không đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, tín dụng cho khu vực KTTT, chỉ khoảng 6.000 tỷ đồng trong gần 14 triệu tỷ đồng cho vay nền kinh tế là rất nhỏ bé.

Chính vì vậy, theo Ts Võ Trí Thành, các chính sách hỗ trợ HTX phải nhìn lại một cách thẳng thắn bởi HTX có những đặc trưng riêng. Cụ thể HTX là mô hình kết nối các thành viên để họ có thêm nguồn lực vượt khó; HTX là mô hình bình đẳng với các loại hình kinh tế khác; Ngoài giá trị kinh tế, HTX có nhiều giá trị xã hội nhân văn gắn với phát triển bền vững và cuối cùng HTX vốn là mô hình nhỏ, không có lợi thế quy mô, vốn… vì thiếu về vốn, quy mô nên mới phải liên kết thành HTX.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết nhiều HTX đã xuất khẩu và có sản phẩm OCOP 4,5 sao. Chính vì vậy, cần ưu tiên cho những HTX vay vốn.

Từ bản chất mô hình HTX, các nước trên thế giới có khu vực HTX phát triển đều tập chung vào chính sách hỗ trợ, chi tiết hơn là chính sách hỗ trợ giúp các HTX vượt khó. Do đó, với vấn đề tín dụng, vị chuyên gia này cho rằng hiện nay HTX huy động vốn từ thành viên rất hạn chế vì đa phần họ là nông dân, nguồn vốn có hạn. Để huy động được nguồn vốn bằng cách khác cũng rất khó với khu vực KTTT, HTX. Ngay như Saigon Co.op, dù là mô hình lớn nhất nhưng muốn phát hành trái phiếu cũng không được thì cũng đồng nghĩa với việc không huy động vốn bằng cách này. Điều cuối cùng là các HTX tìm kiếm nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng nhưng cũng không như mong đợi.

Có một điều đang được đặt ra đó là cho vay đối với HTX rất ít (chỉ 6.000 tỷ đồng) nhưng cho vay cá nhân, hộ gia đình, kinh tế tư nhân của cả nước lại rất cao, lên đến 6 triệu tỷ đồng, chiếm đến 48% tổng dư nợ. Vậy tại sao lại có điều này? chuyên gia Nguyễn Trí Thành đặt câu hỏi và cho rằng, phải chăng các cá nhân, hộ nông dân vay gắn với kinh doanh dịch vụ thì tính hiệu quả cao hơn? Muốn rõ cần phải có các tính toán, nhận diện thực tiễn nhưng hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Trong khi thực tiễn có thấy, cùng là HTX nhưng có HTX có nhu cầu vay vốn thấp, có HTX có nhu cầu vay vốn cao nên khi làm rõ được nhu cầu của HTX thông qua các loại hình cụ thể sẽ tháo gỡ được khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNNVN cho rằng cần tăng cường hiệu quả hoạt động của Quỹ hỗ trợ HTX tại các địa phương, hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn cho HTX.

Với mô hình Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, để nâng cao hiệu quả cho vay thì phải nghĩ nhiều hơn đến nhóm chính sách nâng cấp KTTT, HTX. Trong đó, khâu đào tạo, ủy thác, tư vấn cần đẩy mạnh để Quỹ này tìm ra cách huy động vốn khác, có thể huy động được nguồn vốn lớn hơn, đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng lớn của các HTX. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cùng cần nghĩ đến chức năng đầu tư (không lên được sàn chứng khoán thì cùng đầu tư một dự án nào đó, hoặc thực hiện các dịch vụ tư vấn đầu tư…). Quỹ có thể tham gia, liên minh với các quỹ khác ở trong nước hoặc trên thế giới để nâng cao năng lực.

HTX cũng là đối tượng cần quan tâm hỗ trợ

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, cơ chế điều hành của ngành ngân hàng luôn coi HTX là loại hình gắn bó chặt chẽ với khu vực nông nghiệp nông thôn và HTX cũng là đối tượng cần quan tâm hỗ trợ. Việc tín dụng chưa vào được với HTX và HTX chưa tiếp cận được vốn vay từ các ngân hàng có thể thấy, một trong những nguyên nhân là từ phía HTX và ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Chủ tịch HĐQT HTX Công Bằng Thuận An (Đăk Nông), cho rằng đa số HTX hiện nay thiếu tài sản thế chấp. Trong khi đây là quy định quan trọng để các ngân hàng cho vay vốn.

Do đó nhìn ở cơ chế chính sách, hành lang pháp lý, muốn HTX phát triển về số lượng và tiếp cận được vốn thì đi cùng với đó cần giúp HTX tiếp cận được những chính sách hỗ trợ HTX về thị trường, công nghệ. Bởi HTX chưa ứng dụng công nghệ, chưa có đầu ra thì chưa thể tiếp cận được nguồn vốn.

Về nội tại HTX, mô hình này cần có tư cách pháp lý, kiểm toán rõ ràng bởi HTX chưa rõ pháp lý thì không ngân hàng nào dám cho vay. Còn về các tổ chức tín dụng, nhiều nơi còn chặt chẽ, thiếu trách nhiệm trong tư vấn hỗ trợ HTX.

Theo ông Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát chính sách, cụ thể là trong Nghị định 55/2015/NĐ-CP để làm rõ nét hơn chính sách tín dụng, tiền tệ cho khu vực KTTT, HTX. Hiện, các chính sách về tín dụng đang tập trung vào các HTX nông nghiệp, thiếu chính sách cho HTX phi nông nghiệp.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét để có những chính sách cho vay đối với HTX hợp lý, đảm bảo công bằng trong xã hội. Đi liền với đó, các ngân hàng chi nhánh tỉnh, thành phố cần nhìn nhận đầy đủ thực trạng HTX, những HTX hoạt động hiệu quả để tập trung tín dụng cho vay một cách phù hợp. Các ngân hàng cũng cần cải tiến thủ tục, coi HTX là đối tượng quan trọng để xây dựng thủ tục, lãi suất, thời gian cho vay một cách phù hợp.

Ông Hoàng Công Trúc, Chủ tịch HĐQT, giám đốc HTX nông nghiệp điện năng xã Thạch Sơn đề nghị, ngân hàng định giá đất cần sát với thị trường, bên cạnh đó cần tạo cho HTX thế chấp các tài sản như trụ điện, đường dây điện... để vay vốn ngân hàng.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, cho biết việc tín dụng chưa chảy nhiều vào HTX và HTX chưa vay được vốn tín dụng là do HTX và ngân hàng chưa gặp được nhau, chưa bắt tay, chưa cảm thông với nhau.

HTX thì luôn cần vốn, ngân hàng cần khách hàng nên cần có những tính toán cụ thể để HTX và ngân hàng gặp được nhau. Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, có thể thí điểm HTX ở từng địa phương, cho vay những HTX đi đầu để mang lại hiệu quả, tránh dàn trải. Những HTX vay vốn và hoạt động hiệu quả sẽ kéo khu vực KTTT, HTX đi lên.

Bên cạnh đó, cần có cái nhìn phù hợp về cho vay đối với HTX. Bởi nhiều ngân hàng còn có cái nhìn chưa thiện cảm về HTX, ưu tiên cho vay doanh nghiệp hơn HTX bởi so sánh giữa HTX và doanh nghiệp thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ có ít rủi ro hơn.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân mong muốn sẽ có gói tín dụng thí điểm hỗ trợ nâng cao HTX phát triển. Bởi nếu không có gói đầu tư cụ thể thì không thể thu hút 20% dân số vào khu vực KTTT, HTX và cũng không thể có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận vào năm 2045.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/nhieu-rao-can-khien-tin-dung-van-kho-chay-vao-khu-vuc-htx-1099417.html