Nhiều phụ nữ không được tin tưởng khi tố cáo bị xâm hại tình dục

Dù các cáo buộc cưỡng bức, tấn công tình dục hiếm khi sai sự thật, nhiều nạn nhân vẫn chịu sự soi mói, ngờ vực.

Nỗi ám ảnh về cáo buộc sai sự thật luôn hiện hữu trong cách xã hội nhìn nhận nạn xâm hại tình dục. Đa số vẫn lo sợ rằng việc tố cáo sai có thể xảy ra thường xuyên và dễ dàng, theo Channel News Asia.

Dù bằng chứng thực tế liên tục phủ nhận nỗi sợ trên, nhiều người vẫn cho rằng phong trào #MeToo với châm ngôn "hãy tin phụ nữ" đang đi quá xa.

Chẳng hạn, khi một bác sĩ Singapore trắng án lạm dụng tình dục vì người phụ nữ cáo buộc anh thừa nhận mình nói dối, nhiều bình luận trên mạng cho rằng rằng việc tố cáo sai sự thật rất phổ biến và nên được nhìn nhận với sự hoài nghi.

"Phụ nữ là những sinh vật nham hiểm. Đó là lý do tôi chưa bao giờ ủng hộ nữ quyền", một người dùng Twitter phát biểu sau vụ việc.

Một bình luận trên Facebook cũng chia sẻ: "Phụ nữ Singapore có vị thế cao hơn đàn ông và thường đóng vai nạn nhân để nhận được sự đồng cảm".

Phần đông xã hội tin rằng việc báo cáo sai sự thật rất phổ biến, trong khi thực tế không phải vậy. Ảnh: CNA.

Báo cáo sai rất hiếm khi xảy ra

Trong cuộc khảo sát năm 2019 của công ty Ipsos với 1.019 người Singapore, 40% tin rằng cáo buộc xâm hại tình dục sai sự thật đang trở nên phổ biến ở đảo quốc này. 41% đồng ý rằng tố cáo sai là vấn đề trầm trọng hơn những vụ quấy rối không được đưa ra ánh sáng.

Ngạc nhiên hơn, khảo sát cho thấy tư tưởng này rất phổ biến ở người trẻ và trung niên tại Singapore với độ tuổi 18-49.

Mặt khác, tình trạng những vụ lạm dụng tình dục không được báo cáo vẫn phổ biến. 70% khách hàng tại Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân Tình dục (SACC) của tổ chức bình đẳng giới AWARE không đệ đơn kiện.

Nghiên cứu tại Mỹ chỉ ra khoảng 6-38% đàn ông thừa nhận có hành vi cưỡng ép quan hệ. Tuy nhiên, rất hiếm khi chúng ta thấy sự phẫn nộ tương tự về con số những kẻ xâm hại tình dục thoát tội.

Châm ngôn "hãy tin phụ nữ" không có nghĩa là "hãy tin tất cả những người có giới tính nữ mà không nghi ngờ gì". Tuy nhiên, thái độ thờ ơ trước những câu chuyện của phụ nữ cần phải thay đổi.

Xã hội cần tin tưởng câu chuyện của nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ. Ảnh: CNA.

Nghiên cứu năm 2005 của Văn phòng Nội vụ Anh cho thấy chỉ 4% vụ bạo lực tình dục được báo cáo với cảnh sát bị phát hiện hoặc nghi ngờ là sai sự thật.

Nghiên cứu tại châu Âu và Mỹ chỉ ra tỷ lệ cáo buộc sai là 2-6%.

Tại Singapore, theo Bộ Nội vụ, trong số 250 cáo buộc tấn công tình dục nghiêm trọng từ 2014 đến 2018, chỉ có 10 trường hợp bị cho là sai sự thật.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng việc cáo buộc sai không nên bị đánh đồng với những vụ án không thể khởi tố do thiếu bằng chứng.

Nhiều hình thức quấy rối tình dục - ví dụ như quấy rối bằng lời nói - có thể xảy ra mà không để lại dấu vết và nạn nhân không thể khởi tố.

Việc gộp chung các trường hợp buộc tội sai và không đủ bằng chứng vẫn tiếp tục đánh lạc hướng dư luận. Sự nhầm lẫn này có là một trong những lý do tỷ lệ cáo buộc sai được cho là cao hơn thực tế.

Vết nhơ của định kiến giới

Cáo buộc sai về lạm dụng tình dục thường nhận được mức độ chú ý cao hơn nhiều so với những tội khác.

Ví dụ, vào tháng 7, một người đàn ông 72 tuổi bị điều tra khai man rằng ông bị cướp bởi 2 kẻ lạ mặt. Tuy nhiên, dư luận không quy chụp rằng cáo buộc bị cướp là nói dối để kiếm sự chú ý.

Nhưng khi đề cập đến vấn đề bạo lực tình dục mà nạn nhân chủ yếu là nữ, vết nhơ của định kiến giới vẫn khó xóa bỏ. Khuôn mẫu về người phụ nữ dối trá, không đáng tin được sử dụng để hạ thấp những nạn nhân dám lên tiếng.

Định kiến giới khiến mọi người không tin phụ nữ. Ảnh: AP.

Tư tưởng rằng cáo buộc xâm hại tình dục sai sự thật còn phổ biến sẽ ảnh hưởng đến việc thực thi công lý.

Có nhiều lý do phụ nữ chọn không báo cáo về một vụ cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục, trong đó nỗi sợ không được tin tưởng là một phần nổi bật.

Trong khảo sát tháng 1 của AWARE-Ipsos về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, 20% phụ nữ không báo cáo vụ việc vì sợ không ai tin họ.

Nhận định không chính xác về các trường hợp bị tố cáo sai có thể tạo ra thành kiến và ảnh hưởng đến cách các vụ cưỡng hiếp, quấy rối được xử lý.

Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy các sĩ quan cảnh sát ở Anh tin rằng 50% trường hợp quấy rối tình dục bị cáo buộc sai, trong khi tỷ lệ chính xác là 4%. Định kiến này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến cách họ thi hành nhiệm vụ.

Không để kẻ có tội thoát trách nhiệm

Việc tố cáo lạm dụng tình dục thường gây đau đớn và tổn thương cho các nạn nhân, ngay cả khi họ có bằng chứng rõ ràng.

Vì vậy, thật vô lý khi tin rằng một người phụ nữ có thể bỏ ra rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc, trải qua hàng trăm cuộc thẩm vấn và bị điều tra suốt hơn một năm, đồng thời chịu phản ứng dữ dội của dư luận, chỉ để nhận lại chút lợi ích cá nhân.

Các cáo buộc sai sự thật về lạm dụng tình dục có xảy ra và gây tổn hại cho bị đơn. Không ai muốn trải qua quá trình biện hộ đầy đau khổ vì tội họ không phạm.

Nhưng nhìn vào sự thật, chúng ta phải kiểm soát suy nghĩ của mình và không để định kiến giúp những kẻ lạm dụng trốn tránh trách nhiệm.

Quá trình xử lý cáo buộc lạm dụng tình dục rất khó khăn, nên rất ít trường hợp người tố cáo nói dối. Ảnh: AFP.

Bác sĩ Yeo Sow Nam, người vừa bị cáo buộc sai gần đây, cho rằng cần phải xử lý tất cả báo cáo tấn công tình dục một cách tinh tế và nghiêm khắc.

Bác sĩ hy vọng rằng vụ việc sẽ không "làm nản lòng những nạn nhân muốn lên tiếng về câu chuyện của mình hay gây bất lợi cho họ về mặt tư tưởng".

Đa số cáo buộc lạm dụng tình dục cần được xem xét một cách nghiêm túc. Đó vẫn là tiền đề nền tảng để xử lý những vụ việc như vậy.

Mai Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-phu-nu-khong-duoc-tin-tuong-khi-to-cao-bi-xam-hai-tinh-duc-post1252902.html