Nhiều nước chuyển đổi sang năng lượng sạch ứng phó với biến đổi khí hậu

Chuyển đổi năng lượng hiện tại sang năng lượng sạch hơn, như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện là giải pháp then chốt trong nỗ lực bảo vệ môi trường và giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Cối xay gió tại Uruguay. Ảnh: Karsten Würth

Nhiều quốc gia trên thế giới đang chung tay ứng phó với biển đổi khí hậu. Tuy nhiên có những quốc gia đang cho thấy hiệu quả đặc biệt trong quá trình chuyển dịch và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.

"Thực chất các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu đã có sẵn, nhưng điều quan trọng là phải hành động từ ngay bây giờ," ông Jonathan Foley, Giám đốc điều hành của Project Drawdown, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào hành động chống biến đổi khí hậu, cho biết.

Uruguay, một quốc gia 3,4 triệu dân nằm giữa Argentina và Brazil, đang sản xuất gần như toàn bộ điện năng sử dụng từ các nguồn năng lượng tái tạo. Từ năm 2008, Chính phủ Uruguay đã đặt mục tiêu cải tạo lưới điện để dần hạn chế nhiên liệu hóa thạch.

Là quốc gia có nhiều đập thủy điện, nhưng hạn hán kéo dài trong những năm 1990 và 2000 đã buộc Uruguay phải tìm hướng từ các nguồn năng lượng khác. Quốc gia này buộc phải nhập khẩu dầu thay thế, với giá cả biến động mạnh và tình trạng thiếu hút điện năng. Trong bối cảnh này, quốc gia Nam Mỹ đã đặt ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt với lợi thế về giá cả cạnh tranh.

Trong khoảng thời gian từ 2013-2018, sản xuất điện gió tăng mạnh từ mức gần như không có gì lên khoảng 25% tổng sản lượng điện năng. Dựa vào số liệu gần nhất cuối năm 2022, Uruguay đã sản xuất hơn 90% năng lượng từ các nguồn tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió và mặt trời, khi nguồn điện năng từ các đập thủy điện không còn đóng góp nhiều.

"Điện và nhiệt là hai nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất hiện nay. Nhưng ở rất nhiều quốc gia hiện nay, năng lượng tái tạo đang phát triển nhanh hơn nhu cầu điện và thay thế nhiên liệu từ dầu mỏ trong lĩnh vực năng lượng," Bill Hare, Giám đốc điều hành tại Climate Analytics, một tổ chức khoa học về khí hậu quốc tế, cho biết.

Giao thông vận tải là nguồn phát tán khí nhà kính lớn tiếp theo. Trong thập kỷ vừa qua, doanh số xe điện đã tăng chóng mặt và Trung Quốc đang sở hữu thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Theo cơ quan Năng lượng thế giới, trong năm 2022 đã có hơn 7,3 triệu xe điện được bán ra và hơn một nửa số đó được bán tại Trung Quốc.

Mặc dù các khu đô thị lớn như Thượng Hải đang dẫn đầu trong xu thế sử dụng xe điện, nhưng những thành phố nhỏ hơn cũng đang bắt đầu có những đóng góp đáng kể trong thị trường xe điện tại Trung Quốc. Theo Hội đồng Quốc tế về Giao thông sạch, vào năm 2022, số lượng xe điện đạt mức 40% trên tổng số phương tiện lưu thông tại hai thành phố Tam Á và Liễu Châu, cao hơn mức trung bình tại các thành phố khác là 19%.

Sự thành công của các hãng xe điện tại Trung Quốc một phần là nhờ những chính sách, sự tiện lợi cũng như giá cả phải chăng. Mẫu xe điện được yêu thích nhất Trung Quốc hiện nay là Mini, mẫu xe hai cửa giá khoảng 5.000 USD (khoảng 127 triệu VND) được sản xuất tại nhà máy ở thành phố Liễu Châu.

Hiện nay có nhiều thành phố đang cố gắng tăng mức sử dụng các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, không chỉ xe điện mà còn có xe đạp. Vào năm 2021, chính quyền thành phố Paris đã công bố kế hoạch “Thủ đô xe đạp” trong vòng 5 năm.

Trào lưu sử dụng xe đạp đã bùng nổ trong những năm gần đây một phần do được thúc đẩy bởi việc xây dựng các làn đường dành cho xe đạp trong thời kỳ đại dịch Covid-19, các làn đường được đặt tên là chung là “làn Corona”. Theo viện Nghiên cứu Chính trị Paris, tần suất sử dụng xe đạp tại Paris từ 2020 đến 2024 đã tăng gấp đôi từ 5% đến 11%.

Paris hiện có 1.000 km làn xe đạp và kế hoạch sẽ mở rộng thêm 180 km nữa cũng như xây dựng thêm 10.000 chỗ để xe đạp, hệ thống đèn giao thông ưu tiên cho người đi xe đạp cùng phương tiện công cộng.

Những ví dụ này cho thấy việc chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng xanh và giảm thiểu khí thải nhà kính là hoàn toàn khả thi.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-nuoc-chuyen-doi-sang-nang-luong-sach-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau.html