NHIỀU NỘI DUNG QUAN TRỌNG SẼ ĐƯỢC THẢO LUẬN TẠI HỘI NGHỊ CẤP CAO QUỐC HỘI 3 NƯỚC CAMPUCHIA - LÀO - VIỆT NAM LẦN THỨ NHẤT

Với chủ đề 'Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia, Lào, Việt Nam', Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra nhiều phiên thảo luận chuyên đề để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị các giải pháp; khẳng định tầm quan trọng, vai trò của Quốc hội ba nước trong hợp tác, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, hỗ trợ Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hóa các thỏa thuận về Khu vực Tam giác phát triển.

Theo thông cáo của Ủy ban Đối ngoại, nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ nhất, thăm và làm việc tại Lào từ ngày 4 – 7/12/2023.

Ba Chủ tịch Quốc hội ba nước Campuchia, Việt Nam, Lào sẽ đồng chủ trì Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất

Ba Chủ tịch Quốc hội ba nước Campuchia, Việt Nam, Lào sẽ đồng chủ trì Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất

Với chủ đề “Tăng cường vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Campuchia, Lào, Việt Nam”, tại hội nghị này, Lãnh đạo Quốc hội 3 nước sẽ bàn chi tiết các nội dung thúc đẩy, tăng cường hợp tác bảo đảm môi trường ổn định ở vùng biên giới giữa ba nước, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn văn hóa, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao đời sống của người dân Khu vực Tam giác phát triển.

Theo dự kiến chương trình, ba Chủ tịch Quốc hội ba nước Campuchia, Lào, Việt Nam sẽ đồng chủ trì phiên khai mạc, phiên toàn thể thứ nhất, phiên toàn thể thứ hai và phiên bế mạc. Đặc biệt, cùng với Chủ tịch Quốc hội các nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể thứ nhất.

Cũng trong khuôn khổ hội sẽ có các phiên họp về chủ đề đối ngoại; kinh tế, văn hóa, xã hội và hợp tác quốc phòng, an ninh. Cụ thể:

Phiên họp về chủ đề Đối ngoại “Tăng cường vai trò của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác, đoàn kết và thịnh vượng” sẽ do 3 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đồng chủ trì. Với nội dung chính: Tăng cường hợp tác để thực hiện hiệu quả Kết luận của Cuộc gặp cấp cao giữa Lãnh đạo ba Đảng, Thỏa thuận giữa ba Thủ tướng về Khu vực Tam giác phát triển (CLV DTA) và Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội ba nước; Củng cố, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội ba nước; tăng cường hợp tác hữu nghị, ổn định an ninh chính trị, trong bối cảnh thực hiện các thỏa thuận về phân giới và cắm mốc biên giới; Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, tham vấn, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhằm tạo lập môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới; Thúc đẩy bảo đảm an ninh nguồn nước, lương thực, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại khu vực CVL DTA; Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan dân cử, giao lưu nhân dân giữa các địa phương trong khu vực CLV DTA; Cụ thể hóa các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế và những vấn đề còn tồn đọng, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Phiên họp về hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội “Tăng cường hợp tác Nghị viện trong thúc đẩy kết nối ba nền kinh tế Campuchia, Lào và Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm” sẽ do 3 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng chủ trì. Nội dung chính: Xây dựng các cơ chế ưu đãi về thủ tục hành chính, thuế, tiếp cận đất đai, lao động… để thu hút đầu tư, nhất là với các dự án công nghệ cao; Tăng cường kết nối các chương trình và dự án trong khu vực Tam giác phát triển, nhất là các dự án kết nối về giao thông, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, kết nối số, các chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng, đồng thời xây dựng cách thức để phối hợp tốt hơn ở cấp tiểu vùng và với các chương trình phát triển quốc gia nhằm bảo đảm tính bền vững về tài chính, xã hội và môi trường của các dự án; Tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, thúc đẩy kết nối đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ tại các cửa khẩu biên giới ba nước, tạo thuận lợi cho giao thương trong khu vực, tăng cường xúc tiến thương mại; phát triển khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng trong khu vực CLV DTA; Tổ chức vận động, tuyên truyền hưởng ứng bảo vệ môi trường; củng cố mở rộng mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, tăng cường chất lượng giáo dục và đào tạo trong khu vực; Thiết kế các địa điểm và dịch vụ du lịch có tính kết nối; xúc tiến, duy trì quảng bá, khai thác tối đa tiềm năng du lịch ba nước.

Phiên họp về hợp tác quốc phòng an ninh “Tăng cường vai trò giám sát của Nghị viện Campuchia, Lào và Việt Nam đối với công tác quốc phòng, an ninh nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định” sẽ do 3 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng chủ trì. Nội dung chính: Tiếp tục củng cố trụ cột về hợp tác an ninh và quốc phòng, ủng hộ lẫn nhau, góp phần bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chiến lược, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, không để các đối tượng lợi dụng các vấn đề liên quan tiểu vùng để chống phá Việt Nam, gây bất ổn, chia rẽ các nước tiểu vùng và ASEAN; Hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới (tập trung vào tội phạm ma túy, buôn lậu, mua bán người, di cư/nhập cư trái phép, khủng bố và đấu tranh chống mọi hình thức tội phạm xuyên biên giới) nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong CLV DTA; Thúc đẩy, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để sớm hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào; quản lý tốt và xây dựng đường biên giới giữa các nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững; Sự tham gia của chính quyền các địa phương khu vực CLV DTA vào các vấn đề quốc phòng và an ninh.

Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa với Quốc hội Lào - nước chủ nhà Hội nghị lần thứ nhất và Quốc hội Campuchia trong suốt quá trình chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự của Hội nghị.

Các nội dung của Hội nghị góp phần giám sát việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong ba lĩnh vực trên phù hợp với nhu cầu, khả năng, điều kiện của ba nước và các ưu tiên thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mê Công của Việt Nam; khẳng định tầm quan trọng, vai trò của Quốc hội ba nước trong hợp tác, xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, hỗ trợ Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội; giám sát sát, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai có hiệu quả các Hiệp ước, Hiệp định, Thỏa thuận đã ký kết giữa ba nước, giữa ba Quốc hội và truyền đi thông điệp: Hòa bình, Hữu nghị, Đoàn kết và Hợp tác vì Thịnh vượng và Phát triển Bền vững./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82827