Nhiều người trẻ ngừng cố gắng

Từ cuộc 'Đại khủng hoảng lao động' đến phong trào 'nằm yên', thế hệ trẻ ở các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản đang suy nghĩ lại việc theo đuổi mục đích kiếm tiền.

Trên khắp thế giới, hàng triệu người đang suy nghĩ lại về cách họ sống và làm việc, cũng như làm thế nào để có thể cân bằng 2 điều này tốt hơn.

Cuộc "Đại khủng hoảng lao động" khiến số người Mỹ bỏ việc ở ngưỡng kỷ lục: hơn 24 triệu nhân viên nghỉ việc từ tháng 4-9, cùng với nhiều người khác ở ngoài lực lượng lao động.

Đức, Nhật Bản và các quốc gia giàu có khác cũng nhận thấy xu hướng tương tự, theo Bloomberg.

Đại dịch đã gây ra nhiều thiệt hại. Trong đó, các cuộc khảo sát cho thấy sự gia tăng cảm giác kiệt sức và suy giảm sức khỏe tâm thần ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, ở các quốc gia phát triển, áp lực vốn được xây dựng suốt nhiều thập kỷ qua. Thu nhập bị đình trệ, sự đảm bảo việc làm trở nên bấp bênh, cùng với chi phí nhà ở và giáo dục tăng cao khiến ngày càng ít người trẻ có thể xây dựng cuộc sống ổn định về tài chính.

 Tang ping là phản ứng của người trẻ nhằm chống lại văn hóa làm việc 996. Ảnh: Kevin Frayer.

Tang ping là phản ứng của người trẻ nhằm chống lại văn hóa làm việc 996. Ảnh: Kevin Frayer.

Phong trào “nằm yên” (tang ping) của Trung Quốc, xuất phát từ một bài đăng trên mạng xã hội nước này, cũng nói về lựa chọn đứng ngoài thời cuộc. Đây là phản ứng của người trẻ nhằm chống lại văn hóa làm việc 996 vắt kiệt sức, cũng như kỳ vọng không ngừng từ gia đình, xã hội và thậm chí chính phủ.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp đôi quy mô trong thập kỷ qua, nhưng không phải ai cũng gặt hái được lợi ích. Ở nhiều thành phố lớn, chi phí sinh hoạt vượt xa tốc độ tăng lương.

Theo một cuộc khảo sát của tập đoàn Microsoft, gần một nửa số lao động trên thế giới đang cân nhắc nghỉ việc.

Khoảng 4 trên 10 người được hỏi thuộc thế hệ Millennials và Gen Z nói rằng họ sẽ rời bỏ công việc nếu bị yêu cầu trở lại văn phòng làm việc toàn thời gian, theo khảo sát toàn cầu của công ty tư vấn Qualtrics International Inc.

Đối mặt với những mối đe dọa hiện hữu như đại dịch và biến đổi khí hậu, cuộc "Đại khủng hoảng lao động" và phong trào "nằm yên" có khả năng châm ngòi cho một cuộc thảo luận sâu sắc hơn về việc theo đuổi giấc mơ làm giàu không ngừng, ở cả cấp độ cá nhân và đối với các quốc gia nói chung.

"Khi đối mặt với nguy cơ tử vong, mọi người chắc chắn hành xử khác nhau. Họ nhìn công việc qua một lăng kính rất khác. Loại lăng kính mà ‘Tôi không còn muốn lao động chỉ để kiếm sống nữa. Đây không phải mục đích của nó. Tôi muốn được hạnh phúc và mãn nguyện’”, Benjamin Granger, trưởng bộ phận dịch vụ tư vấn trải nghiệm nhân viên tại Qualtrics, nói.

Trung Quốc

Thuật ngữ tang ping xuất hiện lần đầu trong một bài đăng trên diễn đàn Trung Quốc Tieba hồi tháng 4. Tác giả của bài viết, người thất nghiệp suốt 2 năm qua, đã mô tả lối sống tiết kiệm mà chỉ cần làm việc vài tháng trong năm thôi cũng đủ sống.

“Tôi đã không làm việc suốt 2 năm rồi và chẳng thấy vấn đề gì. Áp lực chủ yếu đến từ sự so sánh giữa bạn bè đồng trang lứa và giá trị của thế hệ cũ. Nhưng chúng ta không cần phải theo chân họ”, trích bài viết.

Môi trường lý tưởng của phong trào này có thể là thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Châu).

Trung tâm công nghệ đang bùng nổ này là nhà của các nhà máy và công ty điện tử khổng lồ, như Huawei hay Tencent, cùng với 18 triệu cư dân. Nhiều người trong số đó di cư từ những vùng khác để theo đuổi giấc mơ làm giàu.

Hiện nay, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, một số người tự hỏi liệu giấc mơ đó còn xứng đáng để họ nỗ lực không.

 Người trẻ Trung Quốc tự gọi thế hệ của họ là "chuột nhắt", một phép ẩn dụ dùng để chỉ những người thiếu tham vọng, động lực. Ảnh: Reuters.

Người trẻ Trung Quốc tự gọi thế hệ của họ là "chuột nhắt", một phép ẩn dụ dùng để chỉ những người thiếu tham vọng, động lực. Ảnh: Reuters.

Jack, một nhân viên công nghệ 32 tuổi, đầy tham vọng khi một công ty viễn thông thuê anh 5 năm trước.

Nhưng khối lượng công việc quá nặng nề vẫn không thể biến thành sự thành công mà anh mong đợi. Theo thời gian, nhiệt huyết của anh dần cạn kiệt. Anh vẫn làm việc nhưng không còn chăm chỉ.

“Nhiều ngành công nghiệp Internet đã đạt đến giai đoạn hết phát triển bùng nổ. Nhưng khối lượng công việc nặng nề vẫn còn đó. Mọi áp lực vẫn ở đây. Còn bạn thì mất hy vọng”, Jack chia sẻ.

Thâm Quyến nằm trong số những thành phố đắt đỏ nhất thế giới lại càng tăng thêm gánh nặng cho anh.

“Ngay cả đối với những chuyên gia được trả lương cao như tôi và bạn gái, mức sống ở đây vẫn thật điên rồ. Khoản đặt cọc cho một căn hộ ở Thâm Quyến là 2-3 triệu NDT (314.000-471.000 USD), tương đương khoản tiết kiệm của cả tôi và bạn gái, cộng với sự giúp đỡ rất lớn từ gia đình hai bên”, anh nói thêm.

Tháng 10, hàng nghìn nhân viên tại các công ty, bao gồm Alibaba và ByteDance, đã tham gia chiến dịch trực tuyến Worker Lives Matter (Mạng sống của người lao động cũng đáng giá) bằng cách đăng thông tin về thời điểm bắt đầu và kết thúc một ngày làm việc của họ trên bảng tính công khai.

Trên mạng xã hội, người trẻ Trung Quốc gọi thế hệ của họ là “chuột nhắt” và “cá muối”. Theo tiếng Quảng Đông, “cá muối” là phép ẩn dụ cho “xác chết”, hoặc dùng để chỉ những người thiếu tham vọng, động lực.

Nếu thái độ này của giới trẻ tiếp tục phổ biến, nó có thể đẩy nhanh tốc độ suy giảm dân số. Hiện tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2020 - một mối lo ngại lớn bởi lực lượng lao động vốn đã thu hẹp.

Những người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc, với triển vọng vượt xa những gì bố mẹ họ mong đợi, nói rằng xã hội của họ quá trọng vật chất.

“Định nghĩa về thành công ở Trung Quốc rất hạn chế”, Chen Ziyang (25 tuổi), đang học trực tuyến để lấy bằng thạc sĩ từ ĐH Chicago, nói.

“Chúng ta đều biết Jack Ma và những CEO tương tự. Nhưng nếu ai cũng theo đuổi ngành nghề giống họ, nhiều sự cạnh tranh và nỗi thất vọng sẽ xảy ra. Sau đó, một số người sẽ bỏ cuộc và chọn nằm yên”, cô nói.

Mỹ

Ở Mỹ, những lo lắng về tài chính của thế hệ Millennials đã có từ lâu trước Covid-19. Do sự kết hợp của khoản nợ sinh viên với sự phục hồi khó khăn sau cuộc Đại suy thoái, nhóm nhân khẩu học này có thể là thế hệ đầu tiên trong lịch sử nghèo hơn bố mẹ họ.

Đại dịch dường như khiến mối lo ngại này càng trở nên nhức nhối. Theo một cuộc khảo sát của Mind Share Partners, 2/3 thế hệ Millennials đã rời bỏ công việc của họ vào năm 2021 do sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ này ở Gen Z thậm chí còn cao hơn, ở mức 81%.

Cuộc tàn sát con người và nền kinh tế của Covid-19 cũng khiến nhiều người trẻ đặt câu hỏi về ưu tiên của họ.

 Covid-19 khiến nhiều người trẻ đặt câu hỏi về ưu tiên của họ trong đời sống. Ảnh: Spencer Platt.

Covid-19 khiến nhiều người trẻ đặt câu hỏi về ưu tiên của họ trong đời sống. Ảnh: Spencer Platt.

Tháng 7/2020, cơ quan liên bang ở Washington D.C., nơi Ben Anderson làm việc, đã triệu tập nhân viên quay trở lại văn phòng mà không có thiết bị bảo vệ an toàn hay tạo điều kiện giãn cách xã hội.

Sau khi chứng kiến một đồng nghiệp trải qua hội chứng Covid-19 kéo dài, Anderson (29 tuổi) tự hỏi rốt cuộc một công việc ổn định có phải là chìa khóa cho sự an toàn và một cuộc sống tốt đẹp hay không.

“Dù thế giới có sụp đổ, cơ quan cũng chẳng quan tâm đến tôi đâu”, anh nói.

Quyết định bỏ việc đã quanh quẩn trong tâm trí Anderson vài năm qua. Anh từng giành điểm cao nhất ở trường đại học, chuyển đến thành phố lớn để làm việc và dành 7 năm cho một công việc toàn thời gian. Song, anh vẫn chưa tiết kiệm đủ để mua nhà.

“Công việc cực kỳ căng thẳng và tôi lại sống xa gia đình. Ở một thời điểm nhất định trong đời, tôi tự hỏi ‘Để làm gì cơ chứ?’”, anh chia sẻ. Hiện anh sống ở Los Angeles và tham gia diễn xuất trong các chương trình truyền hình, quảng cáo.

Mặc dù cuộc "Đại khủng hoảng lao động" được coi là phong trào giới trẻ, ít nhất một nghiên cứu cho thấy các nhân viên từ 30-45 tuổi cũng đang bỏ việc với tỷ lệ cao.

Nate Mann (40 tuổi), nằm trong số những người già nhất của thế hệ trẻ, đã dành gần nửa cuộc đời để làm nhân viên pha chế ở Washington D.C.

Những đêm dài làm việc và căng thẳng cao độ của anh đổi lại khoảng 80.000 USD/năm. Nhưng vào tháng 3/2020, khi Covid-19 đóng cửa quán bar nơi Mann làm việc, anh quyết định tập trung vào vẽ tranh - một hoạt động bên lề anh duy trì được một thời gian trước đó.

Nhiều bạn bè của Mann cũng rời bỏ công việc trả lương thấp hoặc không hài lòng.

“Giờ đây, mọi người cảm nhận được sức mạnh của họ. Họ không cảm thấy xấu hổ khi bênh vực bản thân, hoặc nói với mọi người rằng ‘Tôi sẽ không làm điều đó. Nó chẳng công bằng hay đúng đắn gì’”, anh nói.

 Nate Mann tại phòng vẽ tranh trong nhà của anh ở Washington, D.C. Ảnh: Dee Dwyer/Bloomberg.

Nate Mann tại phòng vẽ tranh trong nhà của anh ở Washington, D.C. Ảnh: Dee Dwyer/Bloomberg.

Nhật Bản và châu Âu

Câu chuyện cân bằng giữa công việc và những vấn đề khác trong cuộc sống ở Mỹ và Trung Quốc cũng nghe chừng quen thuộc tại Nhật Bản.

Vào những năm 1990, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã vẽ một bức chân dung không mấy đẹp đẽ về những “người tự do” trẻ tuổi - những người đã từ chối văn hóa công sở khắt khe, với hệ thống cấp bậc cứng nhắc và ngày làm việc kéo dài 15 giờ.

Đến năm 2010, nhóm này được gọi bởi cái tên ít bị chê bai hơn là “thế hệ satori”, đề cập đến trạng thái giác ngộ trong Phật giáo Nhật Bản bằng cách từ bỏ ham muốn vật chất.

Kairu Taira (22 tuổi) làm việc cho một công ty hàng tiêu dùng ở thành phố Kobe và điều hành một blog dành cho thế hệ satori.

Thay vì coi bản thân là “người tự do”, anh chỉ nhận mình là một người sống tối giản, với tủ đồ vỏn vẹn 4 cái áo phông và 4 chiếc sơ mi dài tay. Anh nói rằng thế hệ satori bị đổ lỗi là “không giúp nền kinh tế quốc gia” bởi chi tiêu quá ít.

“Nhưng tôi nghĩ, mỗi người chúng ta đều có thể thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống”, Taira chia sẻ.

 Milena Kula cho biết cô ghét công việc bàn giấy. Ảnh: Jacobia Dahm/Bloomberg.

Milena Kula cho biết cô ghét công việc bàn giấy. Ảnh: Jacobia Dahm/Bloomberg.

Việc thế hệ satori ngày càng trở nên được đón nhận có thể phản ánh rằng tốc độ tăng trưởng thấp và việc làm kém ổn định tại xứ hoa anh đào vẫn sẽ còn đây. Số trẻ sơ sinh ở quốc gia này, vốn đã giảm trong nhiều thập kỷ, hạ xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2020.

“Với những ‘người tự do’, sự xấu hổ, sợ hãi và giận dữ được thể hiện nhiều hơn. Giờ đây, có vẻ như chẳng có gì thay đổi được cả”, Robin O’Day, giáo sư tại ĐH Bắc Georgia, người nghiên cứu về văn hóa thanh niên Nhật Bản, cho biết.

Ngay cả châu Âu, nhiều người đang suy nghĩ lại về sự nghiệp của họ. Trên toàn khu vực đồng euro, gần 2 triệu người đã rời khỏi lực lượng lao động sau đại dịch.

Milena Kula (26 tuổi) cho biết cô “nhẹ nhõm” khi hợp đồng lao động của cô tại một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào chính trị ở thành phố Berlin (Đức) hết hạn vào tháng 4/2020.

Hiện Kula sống ở vùng nông thôn Brandenburg, nơi cô có kế hoạch thiết lập một không gian chung cho những người muốn sống theo cách bền vững hơn với môi trường giống như cô. Kula cho biết không phải cô từ bỏ xã hội, mà giúp tạo ra một cái khác để mọi người tin tưởng vào.

“Tôi cần một cách tiếp cận khác đối với những việc đang làm. Tôi muốn được tự do khỏi sự ràng buộc và tạo ra cuộc sống tôi muốn”, cô chia sẻ.

Động lực tốt để thay đổi

Theo ông Granger đến từ công ty Qualtrics, lượng lớn người bỏ việc ở Mỹ và châu Âu là dấu hiệu của sự thay đổi cơ cấu và tâm lý.

“Mọi người được thúc đẩy để làm việc gì đó có ý nghĩa và mục đích cao hơn. Chúng tôi thấy rất nhiều bằng chứng cho điều này”, ông nói.

Ở Trung Quốc, sự thay đổi này có thể được chứng minh là cơ bản hơn.

Chính phủ đang cố gắng xoa dịu phong trào “nằm yên” bằng cách hứa hẹn sẽ tiếp tục đi lên, với kế hoạch tăng gấp đôi quy mô phân khúc dân số trung lưu vào năm 2035.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng chậm lại đang khiến chính phủ tập trung hơn vào cách phân bổ những lợi ích đó. Các chính sách gần đây hướng đến cải thiện điều kiện làm việc cho các lao động theo hợp đồng, tiết chế chi phí nhà ở và giáo dục nhằm hỗ trợ cuộc sống tốt hơn.

Nếu mối bận tâm của giới trẻ về giá trị của công việc vẫn tiếp diễn, theo thời gian, chúng có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của nền kinh tế.

“Phong trào ‘nằm yên’ và cuộc "Đại khủng hoảng lao động" đang đặt ra những câu hỏi khó mà lại không có yêu cầu thay đổi cụ thể. Đây là động lực tốt và có thể là năng lượng để thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới”, Xiang Biao, Giám đốc Viện Nhân học Xã hội Max Planck ở Đức, nói.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-nguoi-tre-ngung-co-gang-post1282322.html