Nhiều người Australia lầm tưởng về chứng sa sút trí tuệ

Đa số người dân Australia không tự tin vào sự hiểu biết về cách thức giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Đây là đánh giá khảo sát do Viện Y tế và Phúc lợi Australia (AIHW) công bố.

Người dân đi lại trên một đường phố ở Melbourne, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo cuộc khảo sát về nhận thức của người dân đối với chứng sa sút trí tuệ, khoảng 22% người dân Australia được hỏi cho biết họ lầm tưởng nghĩ rằng chứng sa sút trí tuệ là một phần bình thường của quá trình lão hóa.

Hơn 80% số người được hỏi cho biết, nhiều khả năng họ sẽ áp dụng thay đổi lối sống nếu biết rằng việc thay đổi này sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Chưa đầy 33% số người được hỏi tự bày tỏ sự tin rằng họ biết cách giảm thiểu rủi ro.

Sa sút trí tuệ là thuật ngữ y học dùng để mô tả một nhóm các bệnh có biểu hiện của sự suy giảm dần dần chức năng não. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất trên toàn cầu, chiếm tới 70% các trường hợp trên thế giới.

Một nghiên cứu mà Đại học College London công bố hồi năm 2020 cho thấy việc loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, thừa cân, uống quá nhiều rượu, ít hoạt động thể chất và cô lập với xã hội có thể giúp giảm 40% số ca mắc bệnh.

Hiện hơn 400.000 người Australia đang sống chung với căn bệnh này. Dự báo, con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2058. Một báo cáo mà AIHW công bố năm 2023 cho thấy hội chứng sa sút trí tuệ đã vượt bệnh tim để trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gánh nặng bệnh tật đối với người cao tuổi Australia.

Được thực hiện từ tháng 7-8/2023 với hơn 5.000 người tham gia, đây là cuộc khảo sát có quy mô lớn nhất được thực hiện ở Australia liên quan đến nhận thức của người dân về bệnh sa sút trí tuệ.

Nguyễn Hà/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhie-u-nguo-i-australia-la-m-tuo-ng-ve-chu-ng-sa-su-t-tri-tue/330990.html