Nhiều lỗ hổng trong chính sách, pháp luật về phòng chống dịch

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra một số sai phạm nghiêm trọng và nhiều tồn tại trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Sáng nay, 29-5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp sáng 29-5.

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra rằng, sai phạm nghiêm trọng đặc biệt xảy ra trong công tác nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, mua bán kít xét nghiệm Covid-19 liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước cách ly tại cơ sở dân sự, tự nguyện trả phí trong thời gian dịch Covid-19 đã khiến nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, báo cáo cũng chỉ ra một loạt tồn tại trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc ban hành chính sách, pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn lực cho phòng, chống dịch trong một số trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu đồng bộ, chưa kịp thời... dẫn đến lúng túng trong tổ chức thực hiện hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội.

Một số tỉnh, thành phố mặc dù đã có kế hoạch ứng phó nhưng nguồn lực tại chỗ chưa thể đáp ứng ngay, chưa đảm bảo được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nhất là trong giai đoạn dịch bùng phát nhanh, phức tạp, thực hiện giãn cách kéo dài. Trong thời gian đầu đại dịch Covid-19, việc tiếp cận và độ bao phủ vắc xin của Việt Nam chậm hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới; chưa quan tâm đúng mức và đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất, cung cấp vắc xin trong nước.

“Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp đã tiến hành kiểm toán, kiểm tra, thanh tra về công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực cho công tác phòng, chống Covid-19. Qua đó đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế và kiến nghị các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục, kịp thời xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn lực”, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Đoàn giám sát của Quốc hội nhấn mạnh rằng, trách nhiệm chính của những tồn tại, hạn chế trên thuộc về các tổ chức, cá nhân và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện việc huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 29-5.

Các bộ, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành chịu trách nhiệm chính trong việc chưa kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thanh toán, quyết toán, bàn giao tài sản, xác lập sở hữu toàn dân đối với các tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ. Trong khi đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong một số trường hợp ban hành văn bản còn chậm, chưa kịp thời xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh, tháo gỡ khó khăn trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát đã rút ra 6 nhóm bài học kinh nghiệm, đề xuất 2 nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế và về tổ chức thực hiện để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm ứng phó kịp thời, hiệu quả khi xảy ra dịch bệnh tương tự.

Báo cáo đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch.

Trong đó, khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại để xử lý các tồn đọng, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á theo chủ trương của Bộ Chính trị về phân loại xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm”, báo cáo nhấn mạnh.

- Trên 11,6 nghìn tỷ đồng đã được huy động vào Quỹ Vắc xin phòng Covid-19; tiếp nhận khoảng 259,3 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

- Hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên 87.000 tỷ đồng; mua vắc xin phòng Covid-19 là 15.134 tỷ đồng.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1065612/nhieu-lo-hong-trong-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-dich