Nhiều lễ hội đầu xuân: Đã bớt chen lấn, phản cảm

Hội Chùa Hương, Hội Gióng, Đền Cổ Loa, Hai Bà Trưng... tưng bừng mở hội vào mồng 6 tháng Giêng (ngày 15/2). Dù có sự tham gia của hàng nghìn người, nhưng ngày khai hội khá thông thoáng, an toàn và văn minh. Vì lẽ đó, những hình ảnh phản cảm như tranh cướp lộc, chèo kéo, mê tín dị đoan… cũng bớt dần.

Hội Gióng văn minh hơn

Lễ hội Gióng đền Sóc 2024 (Sóc Sơn, Hà Nội) khai màn mồng 6 tháng Giêng (15/2). Sau lễ dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế là lễ rước và lễ tế của từng thôn, 8 lễ vật được cung tiến tại lễ hội là hoa tre, ngựa sắt, cầu húc, trầu cau, voi chiến, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng. Màn rước hoa tre được chờ đợi hơn cả. Hoa tre được tạo bởi các lóng tre ngà cắt ngắn, vót thành bông ở đầu, nhuộm hai màu vàng và đỏ. Đêm mùng 5 Tết, người dân thực hiện nghi lễ mời Đức Thánh về chứng giám lễ vật sẽ dâng lên trong ngày khai hội.

Rước kiệu ở lễ hội Gióng đền Sóc. Ảnh: DUY PHẠM

Vài năm trở lại đây, Ban tổ chức thay đổi hình thức tất lộc thay cho tranh cướp lộc để tránh tranh chấp. Trong ngày khai hội, hoa tre sau khi dâng lễ chia thành hai phần. Một phần được thanh niên thôn bảo vệ đưa về phát cho người dân trong thôn, một phần sẽ được phát bên trong điện chính. Tuy thế, du khách tràn vào khu vực phát hoa tre khiến lối đi trong điện chính tắc nghẽn, bất chấp ban tổ chức lễ hội ra sức nhắc nhở. Ai nấy tranh nhau để có được lộc hoa tre, với mong muốn lấy may đầu năm.

Rất may, cảnh tượng không quá hỗn loạn, không xảy ra tai nạn, xô xát nặng như một số năm trước. Lực lượng an ninh cũng có mặt kịp thời tại các “điểm nóng” phát lộc hoa tre, rước kiệu tướng. Anh Thành Nhân (người thôn Xuân Dục) cho biết, màn tranh cướp lộc được cắt bỏ giúp lễ hội diễn ra văn minh, an toàn hơn, nhưng lại “bớt vui” so với mọi năm. Hội Gióng năm nay vẫn nhộn nhịp, nhưng không bằng chục năm trước hội vui và đông đúc hơn nhiều. Năm nay, người dân phải xếp hàng khoảng 20 phút để chờ xin lộc hoa tre.

Ông Nghiêm Văn Hiệp (37 tuổi, người thôn Yên Tàng) chia sẻ về niềm vinh dự và tự hào khi các ban lãnh đạo thôn, xã tiến cử cô con gái 11 tuổi sắm vai nữ tướng trẻ trong màn rước kiệu tướng. Tiêu chí chọn nữ tướng không hề đơn giản, phải có nội ngoại đầy đủ, ba bề bốn bên, có nếp có tẻ và gia đình không có một vết nhơ, nên ông Hiệp càng hãnh diện. Gia đình cũng không còn lo lắng về việc nữ tướng trẻ bị trêu ghẹo như các năm trước.

“Lực lượng công an xã bảo vệ kiệu trong quá trình diễn ra nghi lễ. Những năm gần đây chưa xảy ra trường hợp nào đáng tiếc nên gia đình rất yên tâm”, ông Hiệp bày tỏ. Ngoài khu vực tổ chức lễ hội, nhiều điểm trông xe rộng rãi được bố trí, lực lượng bảo vệ chỉ dẫn tận tình. Nạn chặt chém không xuất hiện ở lễ hội Gióng 2024.

Người dân háo hức trẩy hội chùa Hương. Ảnh: ĐỨC NGUYỄN

Chùa Hương bất ngờ vắng khách

Lễ hội Chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất trên toàn quốc dịp đầu năm mới. Hằng năm, ngày khai hội chùa Hương luôn thu hút cả vạn du khách trẩy hội, các nẻo đường dẫn vào chùa Hương tắc cứng, hàng xe nối đuôi nhau nhích từng chút.

Năm nay, dự kiến số người đổ về Chùa Hương tăng cao trong ngày khai hội, BTC có sự chuẩn bị kỹ càng để không xảy ra tình trạng ách tắc, ùn ứ giao thông. Theo ghi nhận của phóng viên, các hoạt động diễn ra trong an toàn, trật tự. Rạng sáng mùng 6 tháng Giêng (ngày 15/2), nhiều du khách đã xếp hàng lên thuyền, đò ở bến Yến. Tuy nhiên, lượng khách ghi nhận không cao bằng mùng 5 tháng Giêng (ngày 14/2). Nhiều thuyền vẫn trống khách, không xảy ra tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn. Tình trạng chèo kéo, chặt chém không còn khi hàng nghìn chiếc thuyền, đò được đặt dưới sự quản lý của Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương. Đò được đánh số, lắp ghế, giỏ đựng rác, áo phao, ô che mưa nắng, lái đò được cấp thẻ và vận chuyển khách theo thứ tự. Việc này cũng hạn chế tình trạng tranh giành khách giữa các lái đò.

Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hà Nội) cho biết, với sự đổi mới trong cách quản lý thuyền, đò, bán vé nên tình trạng chèo kéo, chặt chém và vứt vé bừa bãi không còn. “Sau khi qua cửa soát vé như mọi năm mọi người sẽ vứt ngay cuống vé xuống sân, không màng đến vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, năm nay để hạn chế tình trạng này, người dân phải giữ gìn cẩn thận vé để có vé lượt về. Tình trạng chèo kéo đi đò cũng không còn bởi trạm soát vé được đặt ngay lối lên đò. Nếu có bất kỳ hành vi chèo kéo nào sẽ bị bảo vệ nhắc nhở ngay lập tức”, anh Nguyễn Tuấn Anh nói.

Dù trời mưa, càng đến sát giờ khai hội, số lượng du khách đông dần lên. Nhiều người đến chùa Hương để du xuân, trẩy hội, không đặt nặng vấn đề cầu cúng. Những mâm lễ đơn giản, không phô trương như những lời cầu mong một năm mới vui vẻ, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào.

Chị Trần Minh Thu (Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay gia đình chị đều giữ thói quen đi chùa Hương vào dịp đầu xuân. Trẩy hội chùa Hương với gia đình chị chỉ mang tính chất du xuân, không đặt nặng vấn đề cầu cúng. “Năm nay trời mưa nhưng gia đình tôi vẫn như thường lệ đi lễ chùa Hương. Không gian trong chùa luôn được giữ gìn sạch sẽ, gọn gàng. Năm nay, lực lượng chức năng được bố trí ở nhiều vị trí hơn, đảm bảo tốt an ninh, an toàn cho du khách”, chị Minh Thu cho biết.

Giá dịch vụ đò hai chiều năm nay tăng đáng kể: Tuyến Hương Tích 85.000 đồng/ người (tăng 35.000 đồng), tuyến Long Vân - Tuyết Sơn 65.000 đồng (tăng 30.000 đồng). Giá vé thắng cảnh cũng tăng từ 80.000 lên 120.000 đồng/ người/ lượt. Giá vé cáp treo, khứ hồi là 220.000 đồng với người lớn, 150.000 đồng với trẻ em. Giá vé lượt, người lớn 150.000 đồng, trẻ em 100.000 đồng. Giá một số dịch vụ tại chùa Hương tăng cao không khiến khu di tích này “mất khách”. Thay vào đó, nhiều du khách nhấn mạnh, số tiền tăng thêm đó tương ứng với chất lượng dịch vụ ngày càng văn minh, an toàn, thân thiện như chủ đề của lễ hội chùa Hương năm 2024.

GIA LINH

GIA LINH - NGỌC ÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-le-hoi-dau-xuan-da-bot-chen-lan-phan-cam-post1612487.tpo