Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; việc phát triển kinh tế - xã hội tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các đại biểu đã tham luận nhiều kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện tại địa phương.

Đưa sản phẩm quế Bảo Yên vào thị trường châu Âu

Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên

Cây quế Bảo Yên được người dân trồng vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỷ trước, song diện tích không nhiều, chỉ đến giai đoạn sau 2010 diện tích quế của Bảo Yên mới phát triển nhanh, năm 2015 khoảng 10.000 ha. Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, năm 2022 huyện Bảo Yên đã thực hiện trồng mới trên 1.508 ha quế, bằng 193,8% kế hoạch giao, nâng tổng số diện tích quế toàn huyện lên gần 25.000 ha với khoảng 20.000 hộ gia đình (chiếm trên 90% số hộ trên địa bàn) có tham gia trong chuỗi giá trị ngành hàng quế.

Hiện nay, huyện Bảo Yên chỉ đạo thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu các sản phẩm từ quế; thực hiện sản xuất quế Organic; kêu gọi, hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ quế tạo ra sản phẩm đa dạng để từng bước đưa sản phẩm quế Bảo Yên vào thị trường quốc tế để nâng cao giá trị gắn với phát triển quế bền vững

Năm 2023, huyện dự kiến trồng mới 500 ha quế, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 26.000 ha quế và đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 ha quế. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất quế bền vững theo hướng hữu cơ và xây dựng cấp chứng nhận tiêu chuẩn quế hữu cơ tiêu chuẩn EU cho 1.000 ha vào năm 2023, đến năm 2025 đạt 5.000 ha và năm 2030 là 15.000 ha. Các sản phẩm từ quế của huyện với trên 80% được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các nước trong khối liên minh châu Âu (EU).

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Đồng chí Giàng Quốc Hưng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mường Khương

Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, trong đó có Mường Khương với 87,59% dân số là người dân tộc thiểu số.

Năm 2022, là năm đầu tiên thực hiện vốn của của chương trình giai đoạn 2021-2025, thực chất thì thời gian thực hiện vốn của 2 năm (2021 và 2022). Vì vậy, để triển khai hiệu quả, huyện Mường Khương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã; phân công các cơ quan, đơn vị là đầu mối thường trực 3 nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn của Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiến hành rà soát nhu cầu của người dân, và đề xuất của các đơn vị, các xã, từ đó thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng danh mục, dự án đảm bảo thực hiện và giải ngân theo quy định.

Ban chỉ đạo huyện đã phát động kế hoạch 99 ngày cao điểm thi đua triển khai, thực hiện, hoàn thành các dự án thuộc kế hoạch của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022. Như vậy, chỉ đạo thực hiện cả 3 chương trình đầy đủ từ cấp huyện đến cấp xã, các mục tiêu, nguồn vốn đều phải triển khai đồng bộ để người dân được thụ hưởng, từ đó góp phần chung vào sự phát triển của huyện.

Trong quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt, tính cầu thị, với tinh thần vướng mắc đâu hỏi đó, khó chỗ nào tập trung tháo gỡ ở đó; đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân, từng tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên cơ sở, đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và rút kinh nghiệm. Kịp thời kiến nghị với tỉnh, với Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn để tiếp tục triển khai, thực hiện các danh mục dự án phát huy hiệu quả cao nhất.

Nguồn vốn của 3 chương trình được Trung ương và tỉnh phân bổ giao cho huyện Mường Khương cũng khá lớn, nhưng địa phương sẽ nỗ lực phấn đấu hoàn thành 100% vốn giao trong năm 2023.

Thực hiện cơ chế hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn

Đồng chí Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng.

Đồng chí Trần Xuân Hiện, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của chính sách tại các giai đoạn trước, khi nhận thức của nhân dân được nâng cao, cách làm của nhân dân đã thuần thục, Sở Giao thông vận tải - Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành: Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 4/12/2020 Quy định chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 19/06/2022 Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị quyết số 22/2020 cho phù hợp với thực tế; trình UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai một số nội dung quản lý đầu tư đường giao thông nông thôn và các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo đó, các cơ chế chính sách quy định rõ về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng đường giao thông nông thôn; trình tự các bước đầu tư xây dựng, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị; đặc biệt là nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển đường giao thông nông thôn.

Chính sách quy định rõ trách nhiệm nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân chủ động bàn bạc đề xuất đầu tư theo thứ tự ưu tiên, vận động các hộ dân hiến đất để làm đường và tham gia thi công những công việc đơn giản như đào đất mở nền đường, khai thác vật liệu cấp phối, huy động lực lượng nhân công để đổ bê tông xi măng…

Nhà nước đầu tư những việc mà nhân dân không thể làm hoặc rất khó làm như: Cung cấp và vận chuyển xi măng đến chân công trình để làm mặt đường bê tông xi măng và làm cầu cống, hỗ trợ máy lu, phá đá nổ mìn… đồng thời, hỗ trợ tiền nhân công cho các xã vùng đặc biệt khó khăn để việc triển khai được thuận lợi.

Tạo đồng thuận trong nhân dân

Đồng chí Đỗ Đức Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Trì Quang (Bảo Thắng).

Đồng chí Đỗ Đức Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Trì Quang (Bảo Thắng).

Khi mới phát động với nhân dân về mở rộng đường, một số bà con chưa hiểu rõ, chưa đồng thuận cao, nhưng khi được cán bộ tuyên truyền vận động, bà con hiểu ra, đã phấn khởi đồng tình. Nhân dân ở Trì Quang (Bảo Thắng) truyền nhau câu nói "mở đường cho đời mình, cho mai sau".

Chính vì vậy mà chỉ thời gian ngắn, chưa đầy 6 tháng từ khi phát động thời điểm tháng 6/2022, đến nay, mục tiêu đặt ra ban đầu là mở rộng 7,8km nhưng xã Trì Quang đã hoàn thành gần 20km, mở rộng từ 4m lên 7m nhiều gấp 3 lần mục tiêu đặt ra ban đầu. Ngoài 20km mở rộng, hiện nay người dân còn tự mở đường rộng nâng cấp 2,5km đường sản xuất để khai thác rừng trồng. Trong quá trình thực hiện, nhân dân đã hiến trên 4,5ha đất và chặt hạ hàng chục nghìn cây quế, mỡ để mở đường. Mở rộng đường ở Trì Quang đã tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp với một tinh thần hồ hởi, phấn khởi và tin tưởng.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác mở rộng đường giao thông nông thôn, xã Trì Quang rút ra một số kinh nghiệm, trong đó, yếu tố quyết định là phải tạo được sự đồng thuận trong nhân dân gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở. Người dân thấy lợi ích của việc xây dựng hạ tầng giao thông với đời sống và phát triển trước mắt, tương lai. Người dân được công khai nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách, số tiền của dân đóng góp, từ đó sẵn sàng đóng góp kinh phí, hiến đất để mở đường. Cùng với đó, phát huy vai trò bí thư chi bộ, trưởng thôn, ban công tác mặt trận, các đoàn thể, người có uy tín ở thôn trong việc tổ chức để Nhân dân tự bàn bạc, tự quyết định tuyến đường, tính toán khối lượng đất đá, ngày công, tự thành lập tổ giám sát thi công… đảm bảo công khai, minh bạch.

Thực hiện đồng bộ 5 giải pháp giảm nghèo

Đồng chí Tráng A Chí, Chủ tịch UBND xã Dền Thàng (Bát Xát).

Đồng chí Tráng A Chí, Chủ tịch UBND xã Dền Thàng (Bát Xát).

Xác định Dền Thàng (Bát Xát) là xã nghèo nhất của tỉnh, vì vậy để giảm nghèo bền vững xã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Một là, xác định mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của địa phương, cần phải đẩy mạnh giảm nghèo nhanh và giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực và nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác giảm nghèo, từ đó tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo xã Dền Thàng nói riêng làm sao để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, thích ứng với khó khăn, tìm mọi cách để vươn lên.

Hai là, phân công cho cán bộ, đảng viên phụ trách giúp đỡ, tư vấn cách thức phát triển kinh tế vào sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.

Ba là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà ở, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động, hệ thống giao thông nông thôn

Bốn là, tranh thủ sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cơ quan của tỉnh trong chỉ đạo điều hành cũng như hỗ trợ tìm các giải pháp phù hợp để thúc đẩy kinh tế-xã hội của xã trong thời gian tới.

Năm là, phấn đấu mỗi hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một người trong độ tuổi lao động được tạo việc làm hoặc có thu nhập ổn định”.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364523-nhieu-kinh-nghiem-hay-cach-lam-sang-tao-trong-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-va-thuc-hien-nghi-quyet-cua-ban-thuong-vu-tinh-uy