Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam

Sau 5 năm thực hiện Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn; cơ sở vật chất còn hạn chế, nhiều cơ sở giam giữ thiếu các công trình phụ trợ...

Ngày 20/12, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Lý luận và thực tiễn công tác tạm giữ, tạm giam sau 5 năm thực hiện Luật Thi hành Tạm giữ tạm giam (TGTG); những vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay".

Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và Thi hành án hình sự (THAHS) tại cộng đồng, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan quản lý TGTG thuộc Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 5 năm thực hiện Luật Thi hành TGTG chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện KSND tối cao, Bộ Quốc phòng; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và đầu tư; đại diện các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an; đại diện Công an một số địa phương.

Các đại biểu dự hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Đại tá Bùi Đắc Huyền, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và THAHS tại cộng đồng cho biết, Luật Thi hành TGTG được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về công tác TGTG, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Sau 5 năm triển khai thực hiện, công tác TGTG đã từng bước đi vào nề nếp, thống nhất, nghiêm ngặt, chặt chẽ; các quyền và chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, đó là, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn; cơ sở vật chất còn hạn chế, nhiều cơ sở giam giữ thiếu các công trình phụ trợ, so với quy định pháp luật hiện hành thì cơ sở giam giữ chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ cán bộ làm công tác TGTG còn thiếu…

Đại tá Bùi Đắc Huyền, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý TGTG và THAHS tại cộng đồng phát biểu đề dẫn hội thảo.

“Để đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng tình hình công tác TGTG sau 5 năm thực hiện Luật Thi hành TGTG, xác định những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác TGTG. Hội thảo nhằm đánh giá, tổng kết thực tiễn công tác TGTG, hoàn thiện pháp luật về công tác này” – Đại tá Bùi Đắc Huyền nhấn mạnh.

Một số đại biểu phát biểu ý kiến.

Các đại biểu đã tập trung đánh giá việc thực hiện các quy định về chế độ quản lý giam giữ, chế độ của người bị TGTG; công tác tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, kiện toàn cơ quan quản lý, thi hành TGTG; đánh giá thực trạng điều kiện cơ sở vật chất; đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định phù hợp với thực tiễn…

Cụ thể, đại diện Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, Tư pháp đã nêu 4 vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác này như: quyền hạn chức danh cơ quan thi hành TGTG chưa được cụ thể nên lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện; chế độ quản lý đối với người nước ngoài, người chuyển giới…; đồng thời nêu 4 giải pháp trong thời gian tới.

Đại diện Công an tỉnh Quảng Ninh cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong công tác TGTG đó là đảm bảo tuyệt đối an toàn đối tượng, cơ sở vật chất phục vụ giam giữ; đồng thời, nêu những khó khăn, vướng mắc trong công tác này, đó là cán bộ chuyên ngành rất thiếu, đặc biệt là cán bộ quản giáo. Tại Công an cấp huyện, cán bộ thực hiện hầu như tất cả các nhiệm vụ của thi hành án hình sự, từ quản giáo, dẫn giải, thi hành án hình sự tại cộng đồng…; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu, đa số chắp vá, không xây dựng đồng bộ; thiếu cán bộ y tế... “Đặc biệt chúng tôi rất khó khăn trong việc đưa đối tượng đến các cơ sở chữa bệnh tâm thần. Khó khăn về kinh phí, nơi ăn, ở, anh em phải thuê nhà để trực 24/24 canh, coi đối tượng. Cán bộ đã rất thiếu nhưng phải bố trí đưa phạm nhân lên Hà Nội canh, coi 2-3 tháng để giám định” – Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nêu.

Đại tá Bùi Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La cho biết, từ khi Luật Thi hành TGTG có hiệu lực đến nay, bị án tử hình ở Sơn La tăng nhiều nhưng cơ sở vật chất không tăng lên nhiều nên cơ sở vật chất dành cho việc quản lý, giam giữ bị án tử hình nói riêng và các can, phạm nhân nói chung gặp nhiều khó khăn; số lượng bị án tử hình phạm tội ma túy rất cao, chiếm tới 98,3%; đề nghị sửa các quy định của pháp luật theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với những người vận chuyển trái phép chất ma túy phạm tội lần đầu, bị mua chuộc, lôi kéo…

Trung tướng Nguyễn Văn Phục tổng kết hội thảo.

Đại tá Lê Minh Thảo, Phó Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ phát biểu một số nội dung về công tác này cho biết, chủ trương của Bộ thời gian tới là đào tạo cán bộ hệ chính quy tập trung tại trường, hạn chế đào tạo vừa học vừa làm và sẽ không đào tạo hệ vừa học vừa làm ở địa phương; tăng cường tuyển chọn cán bộ bằng công tác tuyển sinh, trong đó, chọn số sinh viên tốt nghiệp ngành ngoài và đào tạo; sẽ đổi mới phương thức tuyển sinh từ thi tuyển sang xét tuyển; đề nghị các đơn vị cử phải có lộ trình, kế hoạch cử cán bộ đi học; tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho CBCS…

Phát biểu tổng kết hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Phục khẳng định, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu; báo cáo Bộ trưởng và các đơn vị chức năng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật trong thẩm quyền; đề nghị Bộ tham mưu cho Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo sát sao, kịp thời; kiến nghị sửa đổi các quy định không còn phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TGTG thời gian tới.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhieu-kho-khan-vuong-mac-trong-thuc-hien-luat-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-i717706/