Nhiều khách sạn ở Hồng Kông biến thành ký túc xá sinh viên và căn hộ dịch vụ

Trong bối cảnh cơn suy thoái bất động sản ở Hồng Kông chưa có dấu hiệu chấm dứt, giới đầu tư đang lùng mua các khách sạn và chuyển chúng thành ký túc xá sinh viên hoặc căn hộ cho thuê.

Sinh viên ăn uống tại sảnh công cộng ở tòa nhà Y83, trước đây là khách sạn Hotel Sav ở khu Hung Hom của Hồng Kông. Ảnh: Bloomberg

AEW Capital Management và PGIM Real Estate nằm trong số các công ty đã mua lại khách sạn ở Hồng Kông sau khi lĩnh vực này chứng kiến nhu cầu suy giảm kể từ thời kỳ đại dịch Covid-19.

Theo dữ liệu tổng hợp của Colliers International Group, trung tâm tài chính châu Á ghi nhận các giao dịch trị giá 14,5 tỉ đô la Hồng Kông (1,9 tỉ đô la Mỹ) liên quan đến khách sạn kể từ khi Covid-19 bùng phát cho đến quí 1-2023. 61% số phòng của các khách sạn này đã được chuyển đổi thành căn hộ dịch vụ hoặc ký túc xá cho sinh viên.

Các khách sạn ở Hồng Kông, có giá rẻ hơn bất động sản nhà ở tính trên mỗi mét vuông, được trang bị tiện ích vật chật đầy đủ và có không gian công cộng.

Đó là điều đã thu hút AEW Capital Management mua lại khách sạn Hotel Sav ở khu Hung Hom với giá 1,65 tỉ đô la Hồng Kông. Đầu năm ngoái, AEW bắt đầu cải tạo khách sạn này thành ký túc xá có sức chứa khoảng 600 sinh viên và đổi tên gọi là Y83. Tuy nhiên, Y83 vẫn mang nhiều nét đặc trưng của một khách sạn, bao gồm các phòng có phòng tắm rộng rãi, tầm nhìn ra biển và thẻ khóa điện tử. Cư dân ở đây cũng có thể tận hưởng không gian chung rộng 1800 mét vuông.

Ở một thành phố thiếu chỗ ở cho sinh viên như Hồng Kông, các căn phòng của Y83 nhanh chóng được thuê hết. Tỷ lệ lấp đầy của Y83 đạt 80% trong niên học đầu tiên và hiện tại là gần 100%. Giá thuê mỗi phòng dao động từ khoảng 7.000-12.500 đô la Hồng Kông (900-1.600 đô la)/tháng.

“Các sản phẩm nhà ở luôn trong tình trạng thiếu cung thường xuyên, đặc biệt là nhà ở của sinh viên với quy mô lớn và được quản lý chuyên nghiệp”, Yian Wang, người đứng đầu bộ phận mua lại của AEW, nói.

Bà nói thêm, AEW chắc chắn sẽ tìm kiếm các khoản đầu tư tương tự như thương vụ mua lại khách sạn Hotel Sav để cải tạo thành ký túc xá sinh viên.

Năm ngoái, PGIM Real Estate (Mỹ), công ty quản lý tài sản trị giá 210 tỉ đô la, đã mua lại hai khách sạn ở Hồng Kông và chuyển chúng thành nơi lưu trú ngắn hạn và dài hạn. Người thuê nhà của công ty này là các chuyên gia trẻ và sinh viên.

David Fassbender, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của PGIM Real cho biết, công ty ông đã mua các khách sạn với mức giá cực kỳ rẻ do tác động của đại dịch. Tỷ lệ lấp đầy của chúng sau khi chuyển đổi thành căn hộ dịch vụ vượt quá dự đoán.

Các giao dịch mua khách sạn trở nên nhộn nhịp khi thị trường bất động sản rộng lớn hơn của Hồng Kông đang trong thời kỳ suy thoái kéo dài. Số lượng văn phòng trống đang ở mức cao nhất lịch sử khi các công ty cắt giảm không gian. Doanh số bán nhà mới giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019 trong nửa đầu năm và giá trị nhà cũng đang giảm.

Các giao dịch khác bao gồm khách sạn PentaHotel của New World Development Co., được bán cho Wang On Group và Angelo Gordon & Co. với giá 2 tỉ đô la Hồng Kông. Hồi tháng 6, Wang On Group cho biết sẽ cải tạo khách sạn này thành nơi ở dành cho sinh viên với khoảng 720 phòng.

Các trường đại học cũng đang mua khách sạn để làm ký tác sinh viên. Trong năm nay, Đại học Đô thị Hồng Kông mua lại Hotel Easy từ gia đình của trùm bất động sản Tang Shing Bor. Hiệu trưởng trường đại học này cho biết đã liên hệ với 80 khách sạn và chọn 10 khách sạn để mua lại và cải tạo thành ký túc xá.

Theo Thomas Chak, đồng giám đốc thị trường vốn của Colliers International Group, mua lại khách sạn để chuyển đổi thành nơi lưu trú dài hạn cho sinh viên và người dân đang là chủ đề đầu tư rất hấp dẫn.

“Điều quan trọng là chính quyền đang tích cực triển khai các kế hoạch để thu hút mọi người quay trở lại Hồng Kông”, ông nói và lưu ý rất nhiều sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang muốn đến Hồng Kông để học hành.

Trên hết, giá chào bán của các khách sạn hiện thấp hơn 15- 20% so với mức đỉnh trước đại dịch và một số chủ sở hữu khách sạn đang muốn nhanh chóng tài sản của họ trong bối cảnh lãi suất cao.

Chính quyền Hồng Kông đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm thúc đẩy nhu cầu về nhà ở sinh viên và bất động sản cho thuê. Thành phố đang xem xét một đề xuất nhằm tăng gấp đôi số lượng sinh viên đại học mới, không phải người địa phương, ghi danh vào các trường đại học công lập trong niên học 2024-2025, lên khoảng 6.000.

Đối với các chuyên gia đang làm việc, Hồng Kông đã phê duyệt gần 50.000 đơn đăng ký thị thực trong các chương trình thu hút nhân tài tính đến cuối tháng 5.

Adrian Tang, giám đốc giao dịch thị trường vốn của hãng dịch vụ bất động sản Jones Lang LaSalle, cho biết hiện tại, lợi nhuận hàng năm thông thường của một bất động sản chỉ khoảng 4%. Con số này không đủ bù đắp chi phí vay cao. Do đó, các nhà đầu tư đang xem xét việc mua lại những bất động sản có thể tạo ra doanh thu từ hoạt động, ông giải thích

Tuy nhiên, số lượng giao dịch khách sạn trong thời gian tới có thể bị hạn chế vì nguồn cung không còn nhiều. Ngoài ra, sau khi Hồng Kông tái mở cửa biên giới, du khách dần phục hồi, vì vậy, có thể nhà đầu tư không còn nhiều cơ hội để mua khách sạn với giá chiết khấu sâu.

Theo Bloomberg

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhieu-khach-san-o-hong-kong-bien-thanh-ky-tuc-xa-sinh-vien-va-can-ho-dich-vu/