Nhiều hy vọng sống cho người cùng lúc mắc 2 bệnh ung thư

Nam bệnh nhân 34 tuổi ở Hà Nội đi khám vì khó thở, sau đó được phát hiện mắc cùng lúc 2 bệnh ung thư là tuyến giáp và ung thư hạch. Bệnh nhân đã được điều trị thành công tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, nam bệnh nhân vào nhập viện sau khi thấy triệu chứng khó thở kéo dài. Bệnh nhân từ trước đến nay khỏe mạnh, gia đình không ai mắc bệnh ác tính.

Theo bệnh nhân cho biết, cách vào viện 1 tháng, anh xuất hiện khó thở tăng dần kèm theo gầy sút cân, sốt về chiều, vào bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán bị hạch cổ - hạch ổ bụng - tràn dịch màng phổi đã hút dịch màng phổi nhiều lần.

Sau đó, bệnh nhân vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khám và điều trị.

Kết quả nam bệnh nhân mắc u lympho ác tính không Hodgkin tế bào B lớn lan tỏa, CD 20 (+), giai đoạn IIIB, tràn dịch màng phổi 2 bên và theo dõi ung thư tuyến giáp, viêm gan B.

Siêu âm tuyến giáp định kỳ để phát hiện sớm các bệnh về tuyến giáp.

Siêu âm tuyến giáp định kỳ để phát hiện sớm các bệnh về tuyến giáp.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh nhân được hội chẩn hội đồng chuyên môn và quyết định điều trị hóa trị bệnh lymphoma, ức chế virus viêm gan B, đánh giá lại sau 3 đợt điều trị.

Đến nay, sau 6 chu kỳ hóa trị, bệnh đáp ứng hoàn toàn và hội chẩn hội đồng chuyên môn tiếp tục điều trị ung thư tuyến giáp.

Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú, T1bN1M0 (giai đoạn I). Bệnh nhân được hẹn tái khám sau 1 tháng để xét điều trị I-131 và liệu pháp hormone tuyến giáp

Theo BS, khi một bệnh nhân bị mắc cùng lúc 2 loại ung thư với kết quả mô bệnh học khác nhau, điều quan trọng đầu tiên phải xác định thật chính xác có đúng là bệnh nhân bị mắc hai loại ung thư khác nhau hay không. Nếu đúng thì bước tiếp theo phải xác định chiến lược điều trị phù hợp, an toàn, hiệu quả cho người bệnh.

"Đối với bệnh nhân này, chúng tôi lựa chọn phương án điều trị bệnh u lympho ác tính không Hodgkin tế bào B lớn lan tỏa trước khi điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú mà không điều trị song song 2 loại ung thư cùng một lúc, bởi vì thể trạng bệnh nhân không thể chịu đựng được cùng một lúc 2 phác đồ điều trị mạnh và triệt căn. Hơn nữa, điều trị bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú là phải sử dụng iốt phóng xạ (I-131), nhưng I-131 lại chống chỉ định cho bệnh nhân ung thư không phải là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa. Chính vì vậy chúng tôi đã điều trị và hoàn thành 6 đợt hóa chất kết hợp thuốc điều trị đích với phác đồ R-CHOP", BS Phương cho biết.

U lympho ác tính không Hodgkin (ULAKH) là nhóm bệnh ác tính của tổ chức lympho, biểu hiện có thể tại hạch hoặc ngoài hạch. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ULAKH đứng 11 ở cả 2 giới về số ca mới mắc và số ca tử vong trên toàn cầu, ước tính mỗi năm có 509.590 ca mới mắc và 248.724 ca tử vong.

Tại Việt Nam, ULAKH đứng 13 về cả số ca mới mắc và số ca tử vong, ước tính mỗi năm có 3725 ca mới mắc và 2214 ca tử vong. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến từ 45-55 tuổi; trung bình 52 tuổi. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em, nam có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ.

ULAKH thể tế bào B lớn lan tỏa là thể phổ biến nhất, chiếm khoảng 30-40% các trường hợp bệnh.

Bác sĩ Phương cho biết, trước năm 1970, thời gian về trung vị sống thêm toàn bộ của bệnh thường không quá 1 năm khi chưa có điều trị tối ưu. Tuy nhiên, sau khi phác đồ CHOP được đưa vào áp dụng trong điều trị DLBCL, tiên lượng của bệnh đã được cải thiện đáng kể với tỉ lệ đáp ứng hoàn toàn lên tới 50% và tỉ lệ kiểm soát bệnh lâu dài vào khoảng 30-40%. Theo thời gian, tiên lượng của bệnh tiếp tục được cải thiện với sự ra đời của thuốc ức chế thụ thể CD20 (Rituximab) trên màng tế bào lympho B.

Ung thư tuyến giáp là loại ung thư phổ biến nhất trong các ung thư của hệ thống tuyến nội tiết. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo GLOBOCAN 2020, trên thế giới ung thư tuyến giáp đứng thứ 10, chiếm 3,0% trong tổng số các loại ung thư, tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi trên 100.000 dân là 3,1 ở nam và 10,2 ở nữ.

Ở Việt Nam có 5.471 trường hợp ung thư tuyến giáp được chẩn đoán, chiếm 3% trong tổng số các trường hợp ung thư, số ca ung thư tuyến giáp tử vong là 462 trường hợp, chiếm 0,52% trong tổng số các bệnh nhân ung thư tử vong.

Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa gồm thể nhú, thể nang, hỗn hợp nhú và nang chiếm 80%. Điều trị ung thư thể biệt hóa thường phối hợp phẫu thuật + I-131 + hormon liệu pháp.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nhieu-hy-vong-song-cho-nguoi-cung-luc-mac-2-benh-ung-thu--i690750/