Nhiều hiểu lầm khi theo đuổi da nâu

Tanning (nhuộm da nâu) là một trong những trào lưu làm đẹp được nhiều người trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, để sở hữu làn da rám nắng khỏe mạnh, người nhuộm cần biết thực hiện đúng cách.

Nội dung liên quan đến tanning (nhuộm da nâu) ngày càng phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội. Các video gắn hashtag #sunburnchallenge (tạm dịch: “thử thách phơi da”) thu hút số lượng lớn lượt xem và bình luận.

Tuy nhiên, phần lớn bài đăng chia sẻ phương pháp nhuộm da tự phát, không tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, chỉ định từ chuyên gia y tế. Do đó, tháng 9/2022, Giám đốc y tế Bệnh viện Ung thư hắc tố Australia lên tiếng cảnh báo về những nguy hiểm tiềm tàng khi tanning sai cách, học hỏi những người sáng tạo nội dung thiếu kiến thức y khoa trên Internet.

Tại Việt Nam, tôi nhận thấy số lượng người trẻ yêu thích nước da nâu bóng, rám nắng ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hiểu lầm về quá trình nhuộm da nâu, chưa trang bị đầy đủ kiến thức để tiến hành tanning an toàn và hiệu quả.

Hiểu lầm về tanning

Ở góc độ y học, tanning là quá trình kích thích sự sản sinh sắc tố melanin - yếu tố quyết định màu sắc da. Tăng melanin là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm giảm bớt tác hại của tia cực tím (UVA và UVB), từ đó ngẫu nhiên tạo ra màu da rám nắng.

Nếu việc gia tăng tế bào melanin được thực hiện một cách khoa học và có kiểm soát, bạn có thể sở hữu da nâu theo sở thích mà không ảnh hưởng đến sức khỏe da liễu.

Sự nhầm lẫn phổ biến giữa tanning và bỏng/cháy nắng khiến nhiều người nghi ngờ về tác dụng, tác hại của phương pháp làm đẹp này. Theo tôi, 2 hiện tượng này có sự khác biệt lớn, đem lại kết quả trái ngược.

 Sự nhầm lẫn về cháy nắng và tanning khiến nhiều người nghi ngờ phương pháp thẩm mỹ này. Ảnh minh họa: Pexels/Armin Rimoldi.

Sự nhầm lẫn về cháy nắng và tanning khiến nhiều người nghi ngờ phương pháp thẩm mỹ này. Ảnh minh họa: Pexels/Armin Rimoldi.

Bỏng/cháy nắng là hậu quả của việc tiếp xúc với lượng lớn tia cực tím trong thời gian dài, không sử dụng các phương pháp bảo vệ cần thiết. Lúc này, tế bào melanin không còn là tấm khiên bảo vệ da.

Vì vậy, tia cực tím tác động sâu, phá vỡ cấu trúc da, khiến các mạch máu xung quanh mô giãn ra, dẫn đến tình trạng bỏng nắng. Biểu hiện của cháy nắng là da đỏ ửng, bị lột, phồng rộp, ngứa rát và xuất hiện mụn nước. Trong một số trường hợp nặng hơn, bạn có thể bị nôn mửa, choáng váng, thậm chí ngất xỉu.

Trong khi đó, tanning lại mang đến nhiều lợi ích nếu thực hiện đúng theo tư vấn của bác sĩ. Cơ thể người luôn có hợp chất 7-dehydrocholesterol, được coi là tiền thân của vitamin D.

Khi ánh nắng chiếu vào, da lập tức chuyển hợp chất này thành vitamin D bằng việc phá vỡ liên kết phân tử, giúp cơ thể hấp thụ canxi và photpho. Đối với rám nắng tự nhiên, việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trước 9h sáng có thể cung cấp cho làn da lượng lớn vitamin D.

Bên cạnh việc giúp màu da trở nên nâu bóng khỏe, quá trình tắm nắng cũng có khả năng giảm thiểu triệu chứng của một số bệnh lý, bao gồm chàm, vảy nến và viêm da. Như vậy, tanning đúng cách không chỉ giúp bạn đạt hiệu quả thẩm mỹ mà còn nâng cao sức khỏe làn da.

Lợi và hại của các phương pháp tanning

Hiện nay, 3 phương pháp nhuộm da phổ biến là tắm nắng tự nhiên, thực hiện liệu trình với thiết bị tanning và sử dụng mỹ phẩm. Cả 3 phương pháp này đều có ưu - nhược điểm riêng, cần lời khuyên của bác sĩ trước khi thực hiện, không nên tự tìm hiểu nguồn thông tin phi chính thức trên mạng xã hội.

Tắm nắng là hình thức đơn giản nhất, được thực hiện bằng cách phơi mình dưới ánh sáng mặt trời. 2 loại tia cực tím (UVA và UVB) dẫn đến sạm da một cách tự nhiên. Ưu điểm của phương pháp này là ít tốn kém.

Tuy nhiên, nhược điểm là dễ làm khô da, đẩy nhanh quá trình lão hóa. Ngoài ra, khi phơi mình dưới ánh nắng, bạn thường gặp khó trong việc đảm bảo da đều màu, dễ tạo ra trình trạng nham nhở, gây mất thẩm mỹ.

 Tắm nắng là phương pháp tự nhiên, ít tốn kém, song khó đảm bảo da đều màu. Ảnh minh họa: Pexels/Armin Rimoldi.

Tắm nắng là phương pháp tự nhiên, ít tốn kém, song khó đảm bảo da đều màu. Ảnh minh họa: Pexels/Armin Rimoldi.

Khi sử dụng thiết bị chuyên nghiệp, người nhuộm nằm trong máy gắn đèn huỳnh quang chứa hỗn hợp photpho nhằm mô phỏng các tia cực tím, gần giống với ánh nắng. Thiết bị này được gọi là phi thuyền tanning, có giá trên 1,5 triệu đồng/lần thực hiện.

Thời gian nhuộm tương đối nhanh, chỉ kéo dài khoảng 20-30 phút, đảm bảo da đều màu và giữ được tông da trong khoảng 1-2 tháng. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn khả năng gây ung thư.

Làn da nâu cũng có thể đạt được nhờ sử dụng mỹ phẩm chứa DHA (dihydroxyaxetone). Khi thoa lên da, DHA phản ứng với tế bào chết ở bề mặt, tạm thời làm sẫm, tạo hiệu ứng rám nắng.

Các sản phẩm này tương đối đa dạng, bao gồm lotion, kem dưỡng, gel, mousse và thuốc nhuộm dạng xịt. Trên thị trường, mỹ phẩm tanning có giá dao động từ 400.000-800.000 đồng/200 ml dung dịch.

Đây là phương pháp lành tính do có khả năng tránh tác dụng phụ của tia UVA và UVB, có giá cả phải chăng, do đó được ứng dụng nhiều nhất hiện nay. Tuy vậy, biện pháp này khó đảm bảo da đều và giữ màu, khiến người nhuộm phải tái thực hiện sau khoảng 1-2 tuần.

Theo quan điểm của tôi, người nhuộm có thể lựa chọn phương pháp phù hợp với khả năng tài chính, sở thích và quỹ thời gian. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần đến thăm khám và nghe lời khuyên từ bác sĩ trước khi đưa ra quyết định.

Phương pháp bảo vệ

Xu hướng tanning ngày càng trở nên phổ biến ở cả nam giới và phụ nữ. Nước da nâu, bóng khỏe phù hợp với phong cách phóng khoáng, tự do mà nhiều người trẻ theo đuổi. Hơn nữa, một số tiêu chuẩn thẩm mỹ phương Tây cũng được giới trẻ tại các nước châu Á hưởng ứng.

Tuy vậy, không phải ai cũng trang bị đầy đủ kiến thức về nhuộm da, tin tưởng chia sẻ của các nhà sáng tạo nội dung trên Internet, dẫn đến những sai lầm phổ biến như cháy/bỏng da, tạo ra tình trạng nham nhở, không đạt được màu nâu bóng như mong muốn.

Để bảo vệ sức khỏe làn da, đem lại hiệu quả thẩm mỹ như ý, người nhuộm cần tuân theo một số lời khuyên sau. Những gợi ý này có thể áp dụng với nhiều phương pháp tanning.

Thứ nhất, sử dụng viên uống và kem chống nắng là điều đặc biệt cần thiết. Các sản phẩm này góp phần tạo ra lớp khiên bảo vệ, tránh gây bỏng/cháy da. Khi sử dụng, bạn cần chú ý thoa kem chống nắng đều, phủ kín tất cả bộ phận trên cơ thể, tránh tạo ra làn da không đều màu.

Bên cạnh kem chống nắng dạng bôi, người nhuộm cũng có thể sử dụng mỹ phẩm dạng xịt để tránh cảm giác bết dính. Hơn nữa, khi dùng dung dịch xịt, bạn dễ dàng phủ nhiều lớp, tiết kiệm thời gian và công sức.

 Sử dụng kem chống nắng, mỹ phẩm dưỡng da là các bước cần thiết trong quá trình tanning. Ảnh minh họa: Pexels/Mikhail Nilov.

Sử dụng kem chống nắng, mỹ phẩm dưỡng da là các bước cần thiết trong quá trình tanning. Ảnh minh họa: Pexels/Mikhail Nilov.

Thứ hai, nếu quyết định tanning tự nhiên bằng cách tắm nắng, người nhuộm nên lựa chọn thời gian phù hợp. Ánh sáng mặt trời trước 9h sáng thường an toàn cho làn da hơn.

Vì thế, nếu có thể sắp xếp công việc, đây là thời điểm “vàng” để phơi mình dưới ánh nắng. Ánh sáng buổi trưa thường gay gắt, có khả năng gây hại cho da.

Thứ ba, sau khi nhuộm da nâu, bạn cũng cần thực hiện việc chăm sóc cẩn thận, kỹ càng, tránh tình trạng thô ráp, bỏng rát. Các sản phẩm skincare có tác dụng cấp ẩm, làm dịu làn da nên được sử dụng.

Nhìn chung, tanning chỉ đạt hiệu quả và an toàn khi người nhuộm tuân thủ các hướng dẫn, đảm bảo tạo ra lớp bảo vệ trước, trong và sau quá trình nhuộm da nâu.

Linh Vũ

Đồ họa: Hina

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhieu-hieu-lam-khi-theo-duoi-da-nau-post1432054.html