Nhiều hệ lụy khi thiếu trường, thiếu lớp học

Có thể nói chưa năm nào, 'cuộc đua' tuyển sinh vào lớp 10 THPT lại 'nóng' như năm nay, nhất là ở các thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng học sinh mỗi năm một gia tăng nhưng số lượng trường lớp lại tăng không đáng kể, vì thế không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh.

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Trường THPT Nam Hà (TP.Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa

“Nóng” nhất là thủ đô Hà Nội. Trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2023, Hà Nội có gần 105 ngàn thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập với 117 trường nhưng chỉ tiêu tuyển chỉ khoảng 70 ngàn em. Nghĩa là còn hơn 30 ngàn học sinh sau khi tốt nghiệp THCS sẽ phải chọn con đường học tập khác, như vào các trường tư thục hay trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề…

TP.HCM năm học này cũng có gần 20 ngàn học sinh rớt vào các trường THPT công lập.

Riêng Đồng Nai, kỳ thi vào lớp 10 này, toàn tỉnh có hơn 25 ngàn thí sinh đăng ký thi vào lớp 10, tăng trên 2 ngàn thí sinh so với kỳ thi năm học trước. Trong khi đó, chỉ tiêu vào 21 trường THPT có thi tuyển vẫn giữ nguyên, với trên 10 ngàn chỉ tiêu. Như vậy, có đến gần 15 ngàn học sinh sẽ phải tìm cơ hội khác để không đứt quãng việc học.

Theo ghi nhận, từ đầu tháng 7, hầu hết các trường tư thục trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh xong và bắt đầu cho học sinh nhập học. Nhiều trường trong số này chỉ nhận học sinh có học lực khá trở lên và tiến hành kiểm tra lại, đủ điều kiện mới nhận học sinh vào học. Do đó, những học sinh có học lực trung bình rất khó để có cơ hội vào học tại các trường THPT, cả công lập lẫn tư thục.

Nhìn ở góc độ tích cực, việc các trường công lập có điểm tuyển sinh ngày càng cao cho thấy chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Để có được 1 suất học công lập, học sinh và cả phụ huynh đã phải rất cố gắng, nỗ lực nhằm đạt kết quả thi cao nhất. Tính chất cạnh tranh giữa các thí sinh khá gay gắt. Thí sinh nào không nỗ lực, sức học kém hơn sẽ không đậu nổi vào trường công lập. Đây còn là cơ hội cho các trường tư thục, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên… nâng cao chất lượng đào tạo do có nguồn tuyển dồi dào, trong đó không ít học sinh có học lực khá, giỏi nhưng vì một chút kém may mắn mà không đậu vào trường công lập. Công tác phân luồng sau THCS từ đó có thêm cơ sở để triển khai tốt hơn các mục tiêu của mình, nhất là trong việc đào tạo nghề.

Tuy nhiên, với số lượng quá lớn học sinh bị loại ra khỏi “cuộc đua” vào trường THPT công lập tại các địa phương cũng cho thấy những bất cập trong quy hoạch mạng lưới trường lớp hiện nay. Quy hoạch trường lớp đã không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội, tốc độ tăng dân số, nhất là dân số cơ học ở những thành phố lớn. Điều này dẫn đến thiếu trường lớp trầm trọng nhiều nơi; cơ hội tìm kiếm sự công bằng trong cơ hội học tập của học sinh từ đó bị ảnh hưởng.

Nếu không kịp thời giải quyết tình trạng này, chắc chắn sẽ có nhiều hệ lụy xảy ra từ việc thiếu trường, lớp học cho học sinh.

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202307/nhieu-he-luy-khi-thieu-truong-thieu-lop-hoc-3171038/