Nhiều góp ý xác đáng, tâm huyết xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội

Ngày 7/12, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo góp ý vào Dự thảo Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, mục tiêu của Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội với mục tiêu kết nối, liên kết giữa chính quyền Thủ đô với các tổ chức khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học trên địa bàn và quốc tế nhằm thu hút và phát huy, sử dụng hiệu quả chất xám phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thủ đô. Theo đó, thông qua cuộc hội thảo nhằm lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ đối với dự thảo Đề án.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội, PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ Giao thông vận tải, Hà Nội đã và đang tổ chức và tham gia một số sáng kiến nhằm phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, vẫn chưa có đầu mối chính thức để tổng hợp, theo dõi và xử lý các thông tin với thành phố. Cho nên, lập Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội là cần thiết.

Để bảo đảm tính kế thừa và phát triển, tên Đề án nên được điều chỉnh là Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới sáng kiến Hà Nội. Bởi vì, phạm vi Đề án sẽ bao trùm cả một số nội dung sáng kiến có tính chuyên ngành đã và đang thực hiện từ trước đến nay, và sẽ kết hợp tiếp với một mạng lưới sáng kiến mới với quy mô huy động toàn thành phố. “Riêng đối với vấn đề giao thông vận tải Hà Nội, nếu được quan tâm áp dụng thử nghiệm theo hình thức/ quy chế Sandbox thì sẽ hứa hẹn có được những đề xuất, sáng kiến mang tính mới và đột phá” - PGS.TS Doãn Minh Tâm đã đề xuất.

TS. Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, bản dự thảo có thể xem là phác thảo ban đầu chưa hoàn thiện. Về mục tiêu của Đề án, bên cạnh 2 chủ thể là chính quyền Thủ đô và các tổ chức khoa học và công nghệ, theo các chuyên gia, cần bổ sung chủ thể khai thác, sử dụng sáng kiến là các cơ quan chức năng của thành phố, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân. Về chức năng của Đề án, cần làm sâu sắc 3 chức năng: Tập hợp đội ngũ chuyên gia; phát huy tiềm năng của đội ngũ này để tạo ra sáng kiến; quản lý, vận hành khai thác có hiệu quả các sáng kiến trong Mạng lưới... Về tổ chức thực hiện, bên cạnh các sở, ban, ngành của thành phố nên có Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật thành phố tham gia.

Còn theo Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội, dự thảo Đề án xây dựng Mạng lưới sáng kiến Hà Nội chưa xác định rõ là đề án của UBND TP Hà Nội hay là đề án của Sở KH&CN. Về hình thức, dự thảo Đề án có cấu trúc và bố cục không hợp lý, phần I “Sự cần thiết và căn cứ pháp lý xây dựng đề án” trình bày quá dài (6 trang) trong khi phần II “Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của đề án” rất sơ sài (2 trang). Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, cần phải viết lại toàn bộ đề án này sao cho ngắn gọn và đi vào đúng nội dung của vấn đề.

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-gop-y-xac-dang-tam-huyet-xay-dung-mang-luoi-sang-kien-ha-noi.html