Nhiều góp ý tâm huyết xây dựng quê hương Long An

Sau hơn 2 tháng phát động cuộc vận động 'Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An', Ban Tổ chức nhận được những hiến kế rất tâm huyết trên nhiều lĩnh vực.

Trên lĩnh vực kinh tế, tác giả Lê Đăng Khoa (huyện Tân Thạnh) hiến kế giải pháp “Xây dựng nông nghiệp vùng Đồng Tháp Mười theo cuộc cách mạng số”. Theo tác giả Lê Đăng Khoa, điều quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là phải thay đổi tư duy của nông dân theo hướng trồng lúa hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, thay thế bằng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học để hạn chế ô nhiễm môi trường. Nông dân cần học hỏi để ứng dụng những thành tựu khoa khọc - kỹ thuật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất.

Ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, phát triển công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ sinh học, đa dạng hóa nông nghiệp, mở rộng mạng lưới thông tin, tăng mức độ bền vững trong canh tác lúa và khuyến khích tính chất đa năng của ngành trồng lúa.

Cuộc vận động “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” nhằm mở rộng dân chủ, huy động trí tuệ, lắng nghe các ý tưởng, hiến kế của các tầng lớp nhân dân

Cuộc vận động “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” nhằm mở rộng dân chủ, huy động trí tuệ, lắng nghe các ý tưởng, hiến kế của các tầng lớp nhân dân

Cùng tham gia hiến kế trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, tác giả Nguyễn Minh Út (huyện Cần Đước) cho rằng tại miền Tây, câu chuyện con tôm - cây lúa ở Cà Mau và Bạc Liêu đem lại thu nhập “như trong mơ” cho nông dân đã cho ông những suy nghĩ có thể nhân rộng mô hình “lúa thơm - tôm sạch” ngay tại quê hương.

Theo ông Út, chuyện “bán 1 công lúa chỉ mua được 2-3 bao phân DAP” trong thời gian qua làm không ít nông dân Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An thấm thía. Nhiều giải pháp đã được ngành Nông nghiệp đưa ra nhưng ông cho rằng mới chỉ giải quyết được phần “ngọn” cấp thời, trong khi cái “gốc” lâu dài vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, việc tiếp tục đưa ra giải pháp căn cơ và bền vững cho cây lúa là điều hết sức cần thiết để tránh lặp lại những câu chuyện “được mùa - mất giá”, “chặt trồng, trồng chặt” và “giải cứu nông sản”.

Trong hiến kế, tác giả Nguyễn Minh Út cho rằng, nông dân trồng lúa chỉ tham gia sản xuất, bán sản phẩm thô, thiếu đi chuỗi giá trị trong khi thị trường truyền thống không ổn định, một số thị trường khác như châu Âu, Mỹ có tiêu chuẩn nhập khẩu rất cao. Đã đến lúc xuất khẩu phải đặt ưu tiên hàng đầu vào chất lượng cao, an toàn, sạch; từng bước xóa tư tưởng lạc hậu, lỗi thời xuất khẩu theo số lượng, nông dân canh tác dựa theo năng suất.

Tác giả Nguyễn Minh Út cho rằng, trước hết, ngành Nông nghiệp cần lai tạo những bộ giống lúa có chất lượng cao; xây dựng cơ chế, chính sách kiến tạo dòng chảy vốn vào nông nghiệp. Trong đó, phải tạo ra cái “bắt tay” chặt chẽ giữa nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp, vai trò trung tâm cần đặt lên vai nhà nông và doanh nghiệp. Đồng thời, từ dự báo thị trường, ngành Nông nghiệp cần có kế hoạch xây dựng quy hoạch cơ cấu giống lúa cho mỗi vụ mùa, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch cũng như xây dựng được các chuỗi giá trị gia tăng cho cây lúa nhằm tăng thu nhập cho nông dân.

Đặc biệt, theo ông Út, trong sản xuất nông nghiệp rất cần quan tâm, kiến tạo thương hiệu các loại lúa, gạo để phát triển ổn định, lâu dài, cây lúa sẽ không những không còn phải chịu những cuộc “giải cứu”, thực sự trở thành kinh tế bền vững cho nông dân, doanh nghiệp.

Nhiều tác giả hiến kế xây dựng nền nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững

Nhiều tác giả hiến kế xây dựng nền nông nghiệp tỉnh phát triển bền vững

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, tác giả Phạm Văn Thịnh (huyện Cần Đước) hiến kế cho tỉnh cần sớm thành lập đội ngũ cố vấn chuyên môn cho chính quyền trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, nhằm xây dựng các cấp chính quyền vững mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả. Trong đó, cần huy động những người có chuyên môn cao đang sinh sống và làm việc trong hoặc ngoài tỉnh, kể cả người nước ngoài dưới hình thức cố vấn, không ràng buộc làm việc toàn thời gian.

Ông Thịnh cho rằng, khi hình thành được đội ngũ chuyên gia, cố vấn có chuyên môn cao sẽ huy động được tối đa trí tuệ, tri thức, mở rộng quyền dân chủ trong việc góp ý với những chủ trương, chính sách của tỉnh trong quá trình phát triển KT-XH, đưa Long An sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã xác định.

Đến nay, Ban Tổ chức cuộc vận động tiếp nhận 23 hiến kế của 14 tác giả. Trong đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội thu hút 11 hiến kế của 9 tác giả; lĩnh vực kinh tế có 8 tác giả tham gia với 9 hiến kế; lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền có 2 hiến kế của 2 tác giả và 1 tác giả tham gia hiến kế trên nhiều lĩnh vực.

Cuộc vận động “Cử tri hiến kế xây dựng quê hương Long An” lần đầu tiên được tỉnh tổ chức với quy mô lớn nhằm mở rộng dân chủ, huy động trí tuệ, lắng nghe các ý tưởng, hiến kế của các tầng lớp nhân dân về những giải pháp đổi mới, đột phá phát triển KT-XH, xây dựng Đảng, chính quyền. Đồng thời, cuộc vận động cũng nhằm khơi dậy và phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, khát vọng vươn lên, lòng yêu quê hương, sáng tạo, đóng góp trí tuệ, tình cảm, tâm huyết của người dân vào sự phát triển của tỉnh.

Tất cả các hiến kế hay, khả thi, phù hợp lòng dân, sát với yêu cầu thực tiễn và phù hợp quy định pháp luật, sẽ được HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh nghiên cứu để đưa vào các nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch, giải pháp quản lý, điều hành, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững./.

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhieu-gop-y-tam-huyet-xay-dung-que-huong-long-an-a161705.html