Nhiều giải pháp thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) dành cả ngày làm việc thứ 8 của kỳ họp để thảo luận về kết quả giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (YTCS), y tế dự phòng (YTDP).

ĐẦU TƯ NGÀY CÀNG ĐỒNG BỘ

Trong giai đoạn 2018 - 2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (YTCS), y tế dự phòng (YTDP) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với đại dịch Covid-19. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến YTCS, YTDP đã từng bước được hoàn thiện để phù hợp hơn với tình hình thực tế.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát của QH, mạng lưới YTCS phát triển rộng khắp cả nước, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện) có trung tâm y tế; 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế (sau đây gọi là trạm y tế xã); 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020. Nhân lực YTCS từng bước được củng cố, 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 78,9% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc cơ hữu; số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng.

Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về YTCS, YTDP tại Trung tâm Y tế huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại YTCS ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế được cải thiện.

Hệ thống YTDP từng bước được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập nhiều trung tâm thuộc lĩnh vực YTDP tuyến tỉnh. Nhân lực làm công tác YTDP cơ bản được quan tâm đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm đạt được nhiều thành tựu. Việt Nam đã tự chủ sản xuất được 9/11 loại vắc xin dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm ở mức dưới 20%, góp phần tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững đến năm 2030. Công tác phòng, chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại cấp xã. Nhận thức và thực hành về dự phòng, nâng cao sức khỏe của mỗi người dân, gia đình và xã hội được nâng lên…

NHIỀU GIẢI PHÁP NÂNG CHẤT

Cũng theo đánh giá của Đoàn giám sát của QH, qua giám sát cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, thì việc thực hiện chính sách, pháp luật về YTCS, YTDP còn một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống pháp luật về YTCS chưa hoàn thiện; hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất, chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền.

Việc thực hiện một số nhiệm vụ YTDP còn chưa thống nhất, chồng chéo do chịu sự chỉ đạo của nhiều đầu mối từ Trung ương. Khả năng cung ứng và chất lượng dịch vụ y tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, dẫn đến quá tải ở bệnh viện tuyến trên; tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật trên toàn quốc giảm từ 19,8% năm 2017 xuống 14,6% năm 2022. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế tại trạm y tế xã chưa bảo đảm để thực hiện các nhiệm vụ được giao (chỉ có 38% trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục thuốc và 27,6% trạm y tế xã thực hiện trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn).

Nhân lực và năng lực YTCS, YTDP chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và trước bối cảnh già hóa dân số.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, QH yêu cầu: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu, trình QH sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật có liên quan đến lĩnh vực YTCS, YTDP; xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực này; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản hướng dẫn thi hành luật trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá.

Đồng thời, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ YTCS, YTDP theo hướng YTCS bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; tổ chức hoạt động của trạm y tế xã gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng và thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình y học gia đình, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại, kết hợp quân y và dân y. Huy động các cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, YTDP theo quy định của pháp luật và thực hiện kết nối với YTCS trong quản lý sức khỏe cá nhân.

YTDP tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa xác định rõ nguyên nhân, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Cùng với đó là đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ YTCS, YTDP, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã... Điều động, luân phiên bác sĩ, cán bộ y tế để khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã. Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế nói chung, nhân viên YTCS, YTDP nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết 27 ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, Lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Thực hiện việc giao UBND cấp huyện trực tiếp quản lý trung tâm y tế huyện; đồng thời, phát huy vai trò và trách nhiệm quản lý chuyên môn của ngành Y tế. Đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất nhu cầu đầu tư cho YTCS, YTDP đến năm 2030. Có lộ trình tăng mức đóng BHYT, đồng thời mở rộng danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, danh mục thuốc, vật tư y tế ở YTCS do quỹ BHYT chi. Đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ BHYT theo hướng tăng chi cho YTCS; giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT…

H.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202306/nhieu-giai-phap-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-y-te-co-so-y-te-du-phong-983133/