Nhiều giải pháp thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho đoàn viên (ĐV), thanh niên (TN) khởi nghiệp, Huyện đoàn Thanh Bình, các Xã, Thị trấn đoàn trên địa bàn huyện tích cực hỗ trợ ĐV, TN tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, vay vốn, giới thiệu tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, nhiều dự án, ý tưởng khởi nghiệp được thực hiện hiệu quả, góp phần giúp ĐV, TN nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Anh Nguyễn Thanh Hậu (ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Long, huyện Thanh Bình) tưới nước chăm sóc các chậu hoa cúc

Anh Nguyễn Thanh Hậu (ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Long, huyện Thanh Bình) tưới nước chăm sóc các chậu hoa cúc

Theo chị Nguyễn Thị Diễm Trinh - Bí thư Huyện đoàn Thanh Bình, để thu hút ĐV, TN tham gia khởi nghiệp, các cấp bộ Đoàn trong huyện đẩy mạnh tuyên truyền về khởi nghiệp, duy trì tổ chức các diễn đàn khởi sự lập nghiệp, cuộc thi khởi nghiệp cấp huyện. Từ đầu năm 2023 đến nay, tổ chức 52 lượt tuyên truyền, 3 diễn đàn khởi sự lập nghiệp, sinh hoạt Câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện thu hút nhiều ĐV, TN tham gia. Qua đó, tuyên truyền về phong trào TN khởi nghiệp trên địa bàn; giới thiệu các mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Đặc biệt, Huyện đoàn phối hợp Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức Cuộc thi ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp cấp huyện năm 2023. Thông qua cuộc thi, có 9 ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng được xem xét, hỗ trợ phát triển. Đồng thời, Huyện đoàn phối hợp các Xã, Thị trấn đoàn giúp các ĐV, TN khởi nghiệp vay vốn, tập huấn kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp. Giai đoạn 2022 - 2023, huyện Thanh Bình có 8 ĐV, TN thực hiện dự án, mô hình khởi nghiệp được vay vốn 50 triệu đồng/dự án, mô hình từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thanh Bình (trong đó có 1 mô hình khởi nghiệp được vay vốn 70 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ TN khởi nghiệp tỉnh). Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật, giới thiệu tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần giúp các mô hình, dự án khởi nghiệp của ĐV, TN phát triển.

Anh Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Xã đoàn Tân Long, cho biết, xác định phong trào khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giúp ĐV, TN phát triển kinh tế, Xã đoàn đẩy mạnh công tác vận động ĐV, TN tham gia khởi nghiệp, xem xét, hỗ trợ ĐV, TN khởi nghiệp vay vốn, tập huấn kỹ thuật. Đặc biệt khuyến khích thực hiện các mô hình khởi nghiệp xanh gắn với phát triển các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương... Đến nay, địa phương có 2 mô hình khởi nghiệp của ĐV, TN gồm: mô hình làm phân rơm từ bã thải nấm rơm và trồng hoa kiểng; mô hình bán bánh tráng nướng; có 1 ý tưởng khởi nghiệp “Sản xuất phân hữu cơ từ cây lục bình” đang được hỗ trợ để khởi nghiệp. Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp của ĐV, TN với nhiều mô hình, dự án khởi nghiệp có hiệu quả, giúp ĐV, TN tăng thu nhập, góp phần hạn chế tình trạng ĐV, TN phải đi làm xa.

Như trường hợp của anh Nguyễn Thanh Hậu (SN 2001) ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Long tận dụng diện tích đất hơn 3.000m2 sau nhà để khởi nghiệp với nghề làm phân rơm từ bã thải nấm rơm kết hợp trồng hoa. Để làm phân rơm, anh Hậu tìm mua rơm sau khi trồng nấm, xong đem về xử lý, ủ, phơi khô và xay nhuyễn. Anh Hậu bán phân rơm thành phẩm với giá 80 ngàn đồng/bao, sau khi trừ chi phí anh thu lời 30 ngàn đồng/bao. Ngoài ra, anh Hậu còn trồng các loại hoa cúc, vạn thọ kiếm thêm thu nhập. Đặc biệt, vào dịp Tết, anh trồng hơn 5.000 giỏ hoa cúc, vạn thọ để cung ứng cho thị trường.

Tiếp sức anh Hậu khởi nghiệp, Xã đoàn giới thiệu anh vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Bình để mua máy xay rơm, dàn phun nước tưới hoa. Anh Nguyễn Thanh Hậu chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Xã đoàn đã giúp tôi khởi nghiệp thuận lợi. Với nghề bán phân rơm, trồng hoa, tôi có thu nhập hơn 70 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ thời gian rảnh đi lái xe chở đồ thuê kiếm thêm tiền, nhờ đó cuộc sống của tôi đã ổn định hơn, không phải rời quê đi làm xa”.

Với nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn, định hướng của các cơ sở Đoàn trong huyện, nhiều ĐV, TN thực hiện có hiệu quả các dự án, mô hình khởi nghiệp. Điển hình như “Trồng đu đủ hữu cơ”, “Xà phòng gương sen”, “Nuôi heo rừng”... góp phần tạo điều kiện cho ĐV, TN phát triển kinh tế tại địa phương. Chị Nguyễn Thị Diễm Trinh - Bí thư Huyện đoàn Thanh Bình, cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Huyện đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào khởi nghiệp trên địa bàn; tổ chức cho ĐV, TN tham quan, học tập các mô hình khởi nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao; tổ chức Cuộc thi ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp cấp huyện hàng năm. Đồng thời tích cực hỗ trợ ĐV, TN đang khởi nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, giới thiệu tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện”.

MỸ XUYÊN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/newsdetail2017.aspx?cate=kinh-te&title=nhieu-giai-phap-thuc-day-thanh-nien-khoi-nghiep&newsid=118081