Nhiều giải pháp nâng cao giá trị cây sen

Là 1 trong 6 ngành hàng tái cơ cấu của huyện, tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng sen tại huyện Tháp Mười giảm do nhiều nguyên nhân. Để duy trì, mở rộng diện tích trồng sen, nâng cao giá trị cây sen, UBND huyện Tháp Mười cùng các ngành liên quan đang triển khai, thực hiện nhiều giải pháp.

Sản phẩm trà hoa sen Khánh Thu (huyện Tháp Mười) giới thiệu tại Hội chợ triển lãm Việt Nam - Lào năm 2023 (Ảnh: CTV)

Theo thống kê của ngành chuyên môn, hiện tại, toàn huyện Tháp Mười có khoảng 700ha sen, nguyên nhân diện tích sen giảm là do sâu bệnh làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, nông dân trồng sen mang tính tự phát, nhỏ lẻ, không tập trung, chất lượng không đồng đều nên đầu ra không ổn định. Để tăng diện tích trồng sen, huyện Tháp Mười đã quy hoạch vùng trồng sen tập trung, thực hiện các mô hình như: mô hình trồng sen lấy củ liên kết tiêu thụ, trồng xen canh lúa - sen, mô hình sản xuất sen gắn với tiêu thụ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất... Các mô hình này bước đầu giúp nông dân trong quá trình trồng sen hạn chế sâu bệnh, giảm chi phí và tăng lợi nhuận, ông Lê Quốc Thái ngụ Ấp 5, xã Thạnh Lợi, cho biết: “Tôi chuyển 4,5ha lúa sang trồng xen canh sen - lúa được 2 năm, trung bình thu hoạch từ 3 - 4 tấn gương/ha/vụ, với giá bán bình quân 25 ngàn đồng/kg, thu nhập cao hơn trồng lúa. Tôi thấy trồng sen chi phí rất nhẹ, 2 vụ sen 1 vụ lúa là hợp lý. Kinh nghiệm cho thấy, nếu trồng lưu vụ bộ rễ sen rất nhiều nên không đạt hiệu quả cao còn nếu đổi lại vụ trồng lúa, vụ trồng sen thì bộ rễ mất đi, phân hủy nên năng suất cây trồng vẫn rất tốt...”.

Ngoài ra, tại xã Hưng Thạnh, nông dân tham gia trồng xen canh sen - lúa theo mô hình này còn sử dụng phân hữu cơ thay thế phân hóa học, nâng cao chất lượng hạt sen, giảm chi phí, an toàn cho người trồng và người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm đáp ứng với nhu cầu thị trường nên dễ tiêu thụ. Để nâng cao giá trị cây sen, hiện nay, UBND huyện Tháp Mười và các ngành liên quan khuyến khích khởi nghiệp sản phẩm từ sen, hiện tại, Tháp Mười có 19 sản phẩm OCOP từ sen, trong đó, có 7 sản phẩm được đánh giá 4 sao; ngoài ra, Tháp Mười đang được thực hiện “Dự án mô hình phát triển sản phẩm OCOP từ sen”. Dự án nhằm phát triển các sản phẩm từ sen, điểm du lịch về sen trở thành sản phẩm đặc trưng tham gia chương trình OCOP; phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng sen trên địa bàn huyện đạt 1.000ha; hỗ trợ các sản phẩm từ sen trở thành ngành hàng chủ lực được tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nhãn hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc. Duy trì và nâng chất các sản phẩm từ sen hiện có để tham gia chương trình COOP; có ít nhất 25 sản phẩm chế biến từ sen được xếp hạng OCOP, trong đó sản phẩm đề xuất cấp Quốc gia, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với sen đạt chuẩn OCOP. Huyện cũng kêu gọi các công ty, doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm từ sen như làm thực phẩm, nghiên cứu sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm để nâng cao giá trị cây sen. Ông Đinh Hồng Thái - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười, cho biết: “Trong canh tác luân canh lúa - sen thì hiệu quả đã rất rõ, làm cây lúa phát triển tốt hơn, năng suất cao hơn, chi phí, giá thành thấp, tăng lợi nhuận sản xuất lúa. Về cây sen, khi luân canh lúa - sen giảm được các loại bệnh, năng suất sen sẽ cao hơn, giúp người nông dân có lợi nhuận tốt hơn...”. Có thể nói, với nhiều giải pháp đồng bộ, giá trị cây sen Tháp Mười sẽ được nâng cao, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành hàng sen, góp phần đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho người dân.

Thúy Ly

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/nhieu-giai-phap-nang-cao-gia-tri-cay-sen-117180.aspx