Nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số

Triển khai Dự án 8 tại 17/17 xã tại huyện Tân Sơn (Phú Thọ), Hội LHPN huyện Tân Sơn hướng tới phụ nữ và trẻ em gái tại các thôn đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em tại 83/95 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện.

Hội LHPN huyện Tân Sơn. tỉnh Phú Thọ phát hơn 800 tờ rơi về chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, giai đoạn 2021-2030

Theo chị Đặng Thị Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn, tình hình kinh tế - xã hội của 17 xã triển khai thực hiện Dự án 8 còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.

Chị Đặng Thị Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Hội đã triển khai đồng bộ nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Cụ thể, Hội đã tham mưu cho Ban Điều hành Dự án tổ chức 3 hội nghị quán triệt các văn bản triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động dự án, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới với 360 đại biểu tham gia. Phối hợp UBND các xã, hướng dẫn Hội LHPN 15/17 xã thực hiện dự án tổ chức ra mắt 22 tổ truyền thông cộng đồng với 154 thành viên tại 22 khu đặc biệt khó khăn, hỗ trợ trang thiết bị cho các tổ truyền thông trị giá 66 triệu đồng. Thực hiện được 22 hội nghị truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình đổi mới theo hình thức sân khấu hóa, thông qua các vở kịch, trò chơi, văn nghệ… tại 15 xã thực hiện Dự án 8 với gần 1.700 lượt người tham gia.

Cán bộ hội viên phụ nữ tham gia diễu hành

Song song với đó, Hội phối hợp với Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện tổ chức 6 chiến dịch truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn và nuôi dạy con gắn với các buổi sinh hoạt chi tổ phụ nữ với hơn 480 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ, nhân dân trong độ tuổi sinh nở tham gia tại 5 xã: Văn Luông, Xuân Sơn, Thu Cúc, Xuân Đài, Đồng Sơn.

Hội cũng xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Tổ chức rà soát nhu cầu cần thiết ứng dụng công nghệ 4.0 cho các tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ cho 400 hộ gia đình, nhóm sinh kế, tổ liên kết tại 8 xã. Rà soát nhu cầu cần thiết thành lập, duy trì, vận hành mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại cộng đồng với 480 người tham gia tại 6 xã.

Học sinh trường THPT Tân Sơn tham gia trả lời câu hỏi giao lưu tìm hiểu về bình đẳng giới và bạo lực học đường

"Đặc biệt, các cấp Hội đã tập trung rà soát phụ nữ là nạn nhân buôn bán người trở về địa phương, rà soát nhu cầu xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ là nạn nhân của buôn bán người tại 17/17 xã", chị Hồng cho biết.

Bên cạnh đó, Hội triển khai các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Các hoạt động trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Sơn cũng cho hay, trong phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Xóa bỏ những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.

Mới đây, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Tân Sơn tổ chức lớp Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong mật cho 50 hội viên là phụ nữ, hộ gia đình, tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ và đồng làm chủ tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn.

Đây là một trong những nội dung thực hiện kế hoạch triển khai các nhiệm vụ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022.

Tham gia tập huấn các học viên đã được các giảng viên trao đổi, thảo luận hướng dẫn thực hành các nội dung: Đặc điểm sinh học của ong mật, ý nghĩa của nghề nuôi ong, đời sống và tổ chức đàn ong, kỹ thuật nuôi ong hiện đại, kỹ thuật tạo chúa đơn giản, nhân giống đàn ong, kỹ thuật chia đàn và nhập ong, khai thác mật và phòng chống bệnh cho ong…

Qua lớp tập huấn giúp cho học viên nâng cao thêm kiến thức và tiếp cận khoa học kỹ thuật nuôi và chăm sóc ong mật từ đó vận động người dân đẩy mạnh sản xuất để tăng thêm thu nhập, ổn định kinh tế hộ gia đình góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương.

An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhieu-giai-phap-ho-tro-phu-nu-va-tre-em-gai-dan-toc-thieu-so-20231211234157154.htm