Nhiều giá trị khảo cổ học của Ninh Bình được ghi nhận qua hội nghị khảo cổ học toàn quốc

Hai năm qua, với phương châm 'hãy để lòng đất cất lên tiếng nói của lịch sử', với sự hỗ trợ từ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều công trình nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Đặc biệt, công tác khảo cổ học đã có nhiều phát hiện quan trọng với những giá trị lịch sử văn hóa đặc biệt tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư.

Đoàn đại biểu dự Hội nghị khảo cổ học tham quan thực tế tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Đoàn đại biểu dự Hội nghị khảo cổ học tham quan thực tế tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư. Ảnh: Minh Quang

Đợt khảo cổ mới nhất tại cánh đồng phía Nam đền thờ vua Lê Đại Hành đã mang lại nhiều bất ngờ cho các nhà nghiên cứu khi các lớp trầm tích văn hóa ở nhiều giai đoạn khác nhau ẩn sâu dưới lòng đất được phát lộ.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình cho biết: Trong 8 mùa điền dã ở khu vực Tràng An, tính từ năm 2007 đến nay, các nhà khảo cổ trong nước và quốc tế đã cùng với ngành Văn hóa Ninh Bình phát hiện khoảng 30 địa điểm khảo cổ có dấu tích cư trú của người tiền sử. Có 3 địa điểm Hang Bói, Hang Trống và Hang Mòi đã được khai quật nghiên cứu, góp thêm nhiều tư liệu quý về sự xuất hiện và cư trú của con người thời tiền sử ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Ở Di tích Cố đô Hoa Lư, các đợt điền dã và khai quật khảo cổ được thực hiện từ những năm 60-70 của thế kỷ XX đến nay đã xác định đây là khu di tích lớn, đặc biệt quan trọng với lịch sử - văn hóa của dân tộc.

Năm 2021, tiếp tục công tác khảo cổ học, Sở Văn hóa và Thể thao Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ học và các chuyên gia thuộc Viện Sử học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội thực hiện "Nghiên cứu lịch sử vùng đất từ ngã ba sông Bôi đến Kinh đô Hoa Lư từ đầu Công nguyên đến thời kỳ Nhà nước Đại Cồ Việt".

Đợt công tác đã thực hiện khai quật khảo cổ tổng diện tích 400m2, ở 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn và Di tích Cố đô Hoa Lư. Kết quả nghiên cứu bước đầu ghi nhận khu vực nội đô của Kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X có quy mô và không gian phân bố các công trình kiến trúc rộng hơn nhiều so với những hình dung của các nhà nghiên cứu từ trước đến nay. Đặc biệt, với việc mở rộng phạm vi nghiên cứu khai quật khảo cổ ở Di tích Cố đô Hoa Lư với tổng diện tích 600m2 tại vị trí cánh đồng phía Nam Đền thờ vua Lê Đại Hành, kết quả bước đầu đã tìm thấy nền móng cung điện thời Đinh, thời Tiền Lê có quy mô to lớn như sử sách đã ghi chép...

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Với việc tổ chức hội nghị Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học toàn quốc năm 2021 tại Ninh Bình - một tỉnh có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng có giá trị to lớn, đã góp phần làm rõ hơn giá trị lịch sử, văn hóa, đánh thức thế mạnh của địa phương.

Chúng tôi đánh giá, từ nhiều năm nay, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Công tác khảo cổ học đã góp phần phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa trên vùng đất Cố đô Hoa Lư, làm phong phú thêm các sản phẩm văn hóa du lịch của tỉnh. Đây cũng chính là sức mạnh nội sinh quan trọng của Ninh Bình trong phát triển kinh tế, xã hội theo hướng bền vững và hội nhập toàn cầu.

Với những giá trị khảo cổ học đã nghiên cứu và khai quật được, khẳng định Ninh Bình là một tỉnh có vị thế quan trọng trong lịch sử dân tộc. Nơi đây đã có những phát hiện về hóa thạch người cổ với niên đại hàng vạn năm trước; có hệ thống các di tích văn hóa khảo cổ học thời Tiền - Sơ sử tồn tại và phát triển liên tục từ khoảng 30.000 đến 2.000 năm trước. Và đặc biệt, nơi đây là Kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh-Lê, nơi khởi nguồn khôi phục thời đại độc lập tự chủ của dân tộc. Các hoạt động khảo cổ học đã diễn ra tại Ninh Bình từ khá lâu nhưng năm vừa qua, với việc tiếp tục khai quật Khu di tích Cố đô Hoa Lư và những di tích khác trên địa bàn tỉnh đã có thêm những phát hiện mới, với nhiều di vật quý, độc đáo, có giá trị lớn, thể hiện một Cung điện Hoa Lư quy mô lớn, rất đẹp, cầu kỳ, đồng thời khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc rất rõ, góp phần làm rõ thêm diện mạo của kiến trúc cung điện và bản sắc văn hóa thời Đinh - Lê trong lịch sử dân tộc.

Cũng theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, với những kết quả đạt được trong công tác khảo cổ học tại Khu di tích Cố đô Hoa Lư thời gian qua, nhiệm vụ bảo vệ, phát huy và tiếp tục khai quật di tích này trong thời gian tới của tỉnh Ninh Bình còn rất nhiều điều phải làm, phải bàn và cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý, các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu khảo cổ học trong nước, trong tỉnh... Trong đó, trước mắt cần đẩy mạnh nghiên cứu làm rõ những giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ ở Khu di tích Cố đô Hoa Lư trên cơ sở các kết quả khảo cổ đã đạt được, đặc biệt là kết quả khảo cổ trong 2 năm vừa qua.

Một việc làm cần thiết nữa là phải bảo vệ chặt chẽ các di tích, di vật, kiến trúc... đã được khai quật, không để bị xâm hại, tàn phá. Nhất là khi các di tích đều ở sâu trong lòng đất, lại thuộc các vùng trũng, phân bố trên diện tích rộng. Việc bảo vệ các di tích, di sản, di vật... cần phải được sự quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng liên ngành, đa ngành nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Thêm vào đó, ngành Khảo cổ học và tỉnh Ninh Bình rất cần học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc..., cùng với các chuyên gia quốc tế để bảo tồn và phát huy di sản, hướng tới xây dựng Công viên di sản Khảo cổ - Lịch sử - Văn hóa tại khu vực này, phục dựng lại Kinh đô Hoa Lư xưa. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản có ý nghĩa rất quan trọng, làm phong phú thêm các sản phẩm văn hóa du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Hạnh Chi

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nhieu-gia-tri-khao-co-hoc-cua-ninh-binh-duoc-ghi-nhan-qua/d20211207142444733.htm