Nhiều dự án khởi nghiệp chinh phục thị trường khó tính

Chung kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp Xanh 2023 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (Trung tâm BSA) phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 28 và 29/10, kết quả cho thấy, những dự án đạt giải cao chủ yếu là những dự án nâng tầm đặc sản địa phương và quan tâm nhiều đến phát triển bền vững.

Với các sản phẩm được làm từ nguyên liệu là xơ mướp, dự án "kết nối con người với tự nhiên" của nhóm bạn Đỗ Đăng Khoa, Đỗ Mạnh Quận và Lê Na đã xuất sắc đạt giải nhất. Có thể thấy, trước đây xơ mướp là phụ phẩm nông nghiệp bỏ đi, hoặc người dân tận dụng để lau rửa chén bát. Thế nhưng, với dự án "kết nối con người với tự nhiên", sản phẩm được làm từ xơ mướp hiện đã có mặt tại hệ thống siêu thị AEON Nhật Bản và xuất khẩu ổn định sang Nhật, Hàn Quốc với các mặt hàng chủ lực: bộ sản phẩm đồ chơi cho thú cưng, sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm... Đặc biệt, sản phẩm đã đạt được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.

Sản phẩm khởi nghiệp trưng bày tại cuộc thi.

Sản phẩm khởi nghiệp trưng bày tại cuộc thi.

Theo Đỗ Đăng Khoa, sau khi sản phẩm thành công ở thị trường trong và ngoài nước, dự án cũng đã liên kết với nông dân để mở rộng xây dựng vùng trồng và bao tiêu thu mua nguyên liệu, vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các nông hộ, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, đồng thời tăng năng lực cung ứng cho thị trường trong giai đoạn sắp tới, khi mà các sản phẩm thân thiện môi trường đang là một xu hướng.

Đạt giải 3 là dự án "K Products - Cung cấp sản phẩm đóng gói tiệt trùng công nghệ Nhật Bản", dự án của một nhóm du học sinh Nhật Bản từ chương trình Nhật Ngữ Đông Du, sau 7 năm học tập và làm việc tại Nhật trở về Việt Nam khởi nghiệp. Mai Thu Trang - thành viên dự án chia sẻ, khi trở về Việt Nam để khởi nghiệp, nhóm đã đưa những món ăn truyền thống của Việt Nam để tiếp cận thị trường Nhật Bản như: bún bò Huế, phở bò, phở gà, bún riêu cua, miến măng gà, miến lươn, cá kho làng Vũ Đại, cá nục kho riềng, cá nục kho tiêu, bò kho, cà ri gà… Sở dĩ nhóm tự tin để đưa chuỗi sản phẩm này vào thị trường Nhật Bản vì trong thời gian ở Nhật Bản, nhóm cũng đã nghiên cứu kỹ các tài liệu, văn hóa, ẩm thực của người dân nơi đây.

"Với xu hướng tiêu dùng ngày nay là thực phẩm sống, xanh, sạch, hạn chế phụ gia thực phẩm, đây là cơ hội để chúng em lan tỏa sản phẩm xuất Nhật đến NTD Việt Nam, Mai Thu trang nói. Với thời gian bảo quản 12 tháng, không sử dụng chất bảo quản, không chất tạo màu, không chất tạo mùi, các sản phẩm của dự án hiện đã xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Nhật Bản, phủ sóng các chuỗi siêu thị lớn như: Yamadai, Satoku, 212 Kitchen Store, Aeon, Mom…

Những dự án đạt giải cao trong cuộc thi là những dự án nâng tầm đặc sản địa phương như: Dự án "sản xuất muối Tây Ninh - Kết hợp đặc sản vùng miền" của Nguyễn Ngọc Sơn, Đặng Khánh Duy và Phạm Thái Hoàng. Ngày 18/2/2023 "Nghề làm muối ớt Tây Ninh" chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây có thể xem là cột mốc quan trọng và cũng là lý do thúc đẩy nhóm tập trung xây dựng và phát triển một thương hiệu muối của người Tây Ninh. Tây Ninh không có muối, cũng không có tôm, tuy nhiên việc kết hợp các đặc sản của nhiều vùng miền khác nhau, đã tạo ra một loại đặc sản được nhiều người nhớ tới. Chỉ sau hơn 5 tháng, doanh thu đã tăng trung bình 25 - 30% mỗi tháng, có thể nói đây là tín hiệu tốt cho dự án có cơ hội tiếp cận thị trường nhanh hơn.

Chủ dự án "Sản xuất Atisô bền vững" (giải 3), anh Phạm Hữu Giàu cho biết: "Chúng tôi hợp tác cùng tự nhiên để tạo ra những sản phẩm Atisô theo phương pháp hữu cơ vi sinh và đồng hành cùng cộng đồng nhỏ dân tộc thiểu số, tạo điều kiện việc làm cho họ để mang lại một cuộc sống ổn định hơn". Vùng nguyên liệu của anh Giàu có độ cao trên 1.200m so với mực nước biển và đảm bảo tiêu chí không sử dụng thuốc diệt cỏ và hóa chất bảo vệ thực vật ít nhất 3 năm. Hiện tại, dự án kết hợp phần mềm truy xuất nguồn gốc với test mẫu ngẫu nhiên và định kỳ về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật tại các Farm liên kết.

Theo kế hoạch vào đầu năm 2024 sẽ đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ USDA và JA. Có 37 dự án đến từ 25 tỉnh, thành cả nước tranh tài tại vòng chung kết, trong đó có nhiều dự án sinh kế của đồng bào vùng cao mang lại hiệu quả thiết thực như: Dự án bảo tồn và phát triển tài nguyên bản địa vùng Pắc Nặm (Bắc Kạn); Dự án chế biến trà (chè) lam gác bếp từ chè shan tuyết (Bắc Kạn); Dự án phát triển sinh kế cho người dân tộc Cil qua việc tăng giá trị mật ong rừng tại xã Đưng K'Nớ (Lâm Đồng)...

Bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm BSA, phụ trách Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp Xanh cho biết, từ cuộc thi Khởi nghiệp Xanh đã xây dựng được một lực lượng doanh nông trẻ, giỏi về nhiều mặt ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Họ biết ứng dụng công nghệ, để tạo ra những sản phẩm mới, có tiêu chuẩn cao, nhiều dự án đã có chứng nhận hữu cơ từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…

T.Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/nhieu-du-an-khoi-nghiep-chinh-phuc-thi-truong-kho-tinh-i712229/