Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ bản chất chuyển đổi số

Tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2023 với chủ đề 'Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh' diễn ra sáng 9.4, đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho biết, đa số doanh nghiệp thành viên vẫn chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số cũng như cách làm. Do đó, việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng.

Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp đều tăng

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị tổ chức, cho biết, kết quả khảo sát 500 doanh nghiệp trên toàn quốc về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong năm 2023 có xu hướng chuyển biến tích cực về nhận thức so với 2022. Doanh nghiệp cũng ý thức rõ về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong sự phát triển, đặc biệt liên quan đến các khía cạnh quản lý rủi ro và an ninh mạng cũng như hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu.

Cũng theo bà Quyên, hầu hết các khía cạnh được đánh giá về mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp tham gia khảo sát trong năm 2023 đều được ghi nhận ở mức “nâng cao”. Khía cạnh về “định hướng chiến lược” được ghi nhận có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao nhất, thể hiện việc các doanh nghiệp đang tích cực, chủ động tìm hiểu, cập nhật, tiếp cận các xu hướng, giải pháp và sáng kiến công nghệ để ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp.

Nguồn: ITN

Kết quả ghi nhận sự cải thiện đáng kể về điểm mức độ sẵn sàng chuyển đổi số. Theo đó, nếu như năm 2022, 4/12 ngành có điểm số này dưới 2.5 (mức trung bình) thì sang năm 2023, không còn ngành nào đạt điểm dưới 2.5; mức sộ sẵn sàng chuyển đổi số của các doanh nghiệp đều tăng từ 0.7 - 1.4 điểm so với năm trước, cao nhất lên 3.7. “Điều này cho thấy doanh nghiệp hoạt động trong mọi lĩnh vực đều đã và đang nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của chuyển đổi số, chủ động tích hợp các mục tiêu chuyển đổi số vào chiến lược phát triển của mình cũng như tăng cường nguồn lực cần thiết, đặc biệt nhân sự lãnh đạo hoặc đầu tư nhiều hơn vào những dự án chuyển đổi số. Đây là một dấu hiệu tích cực”, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên nói.

Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của từng doanh nghiệp, sự phối hợp chung tay của các bộ, ngành, địa phương, còn có yếu tố quan trọng từ các chính sách, đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết. Trong đó, đáng chú ý là Nghị định số 80/2021/NĐ-CPhướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định các mức hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chuyển đổi số vẫn thiếu tính đồng bộ và liên kết

Tuy vậy, trên thực tế, chuyển đổi số trong doanh nghiệp hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Đại diện Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam chia sẻ, hiện có hơn 8.000 thành viên trên cả nước, với 33 tổ chức hội trực thuộc ở các địa phương. Đa số doanh nghiệp này chưa hiểu rõ thế nào là chuyển đổi số, mới chỉ hiểu đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Điều này dẫn đến việc có những doanh nghiệp đầu tư giải pháp chuyển đổi số song không mang lại hiệu quả.

Theo đại diện doanh nghiệp, khi chưa xác định được tầm quan trọng của chuyển đổi số, chưa thay đổi được suy nghĩ của chủ doanh nghiệp thì giải pháp công nghệ dù tốt cũng không thể phát huy hiệu quả. Do vậy, việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số là đặc biệt quan trọng.

Theo Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty CP MISA Trịnh Văn Biển, các doanh nghiệp sử dụng giải pháp chuyển đổi số không ngừng gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, MISA triển khai giải pháp chuyển đổi số cho khoảng 300.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa khắp cả nước, với các nền tảng về tài chính, nhân sự, vận hành…

Trên thực tế, ông Biển cho rằng, có hai khó khăn mấu chốt, cũng là điểm yếu với doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp ở nước ta, đòi hỏi cần tháo gỡ để thúc đẩy chuyển đổi số.

Một là, dù doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, song mức độ áp dụng chưa đầy đủ, mới chỉ tập trung ở một phần trong hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. Chẳng hạn, doanh nghiệp thương mại dịch vụ mới chỉ tập trung chuyển đổi số ở quản trị tài chính hoặc bán hàng; doanh nghiệp sản xuất tập trung chuyển đổi số cho mảng sản xuất, tức là mảng cốt lõi nhất của doanh nghiệp.

Hai là, vấn đề kết nối, liên kết trong chính nội bộ doanh nghiệp. Hiện, các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến việc mình có dữ liệu (về con người, hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính…) và phải bảo vệ nó để tránh bị lấy cắp, mà chưa nghĩ đến việc dùng dữ liệu đó để tạo ra giá trị, như làm tài sản để tín chấp vay vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như vậy, tính đồng bộ và liên kết đang thiếu trong các doanh nghiệp này, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ để doanh nghiệp chuyển đổi số toàn bộ cũng như tận dụng được nguồn dữ liệu.

Đặc biệt, chuyển đổi kép (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) hiện là vấn đề rất được quan tâm, bởi đây là xu thế tất yếu nhằm hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, ông Biển cho rằng, nhiều doanh nghiệp còn rất mơ hồ đến khái niệm chuyển đổi kép. Do vậy, công tác truyền thông cần đẩy mạnh hơn, cũng như tăng cường đào tạo để doanh nghiệp hiểu rõ, trên cơ sở đó mới có cách làm đúng, phù hợp.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, một giải pháp quan trọng nữa là huy động sự tham gia của các đơn vị cung cấp giải pháp. Cục Phát triển doanh nghiệp đang hình thành mạng lưới 100 chuyên gia gồm các tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp, như MISA, Công ty 1C Vietnam… “Năm 2024, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược chuyển đổi phù hợp, đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn, triển khai và đào tạo chuyên sâu”, Giám đốc thương mại Công ty 1C Vietnam Phạm Hoài Anh cam kết.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-nghe/nhieu-doanh-nghiep-chua-hieu-ro-ban-chat-chuyen-doi-so-i365894/