Nhiều dấu ấn tại Lễ hội 'Hoa Sim biên giới 2024'

Xuyên suốt quá trình diễn ra Lễ hội 'Hoa Sim biên giới 2024' đã có nhiều hoạt động nổi bật và để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách.

Vừa qua, Lễ hội “Hoa Sim biên giới năm 2024” đã được tổ chức với quy mô cấp thành phố với chủ đề “Biên cương Tổ Quốc tôi” tại xã Hải Sơn (TP Móng Cái, Quảng Ninh). Đây là năm thứ 3 Lễ hội hoa sim biên giới được tổ chức, so với 2 lần trước, năm 2024 lễ hộ tổ chức với quy mô rộng hơn, tại 3 địa điểm là Trung tâm Văn hóa thể thao xã, chợ phiên Pò Hèn và đồi sim Mã Thàu Sơn.

Theo đại diện Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái, trong hai ngày diễn ra Lễ hội hoa sim biên giới có đông đảo người dân và du khách đến tham quan và trải nghiệm nét độc đáo của vùng đất biên cương này. Sự kiện là sản phẩm du lịch mới gắn với phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng xã Hải Sơn.

Trong khuôn khổ lễ hội diễn ra các hoạt động như “chợ Phiên Pò Hèn” với trên 30 gian hàng giới thiệu sản vật, ẩm thực đặc sắc của các địa phương. Ngoài ra còn có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc biểu diễn các tiết mục ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, trình diễn lễ cấp sắc, biểu diễn các tiết mục hát giao duyên của dân tộc Dao và hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ.

Bên cạnh đó các hoạt động thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian như: giải bóng đá nam, bóng đá nữ; thi đánh quay, ném còn, cầu khỉ, bịt mắt bắt vịt, đập niêu, lày cỏ (sái mả), thi trang điểm cô dâu dân tộc Dao và Sán Chỉ; giã bánh giầy; giao lưu dân vũ với các xã, phường…

Tại lễ hội có nhiều hoạt động thể thao thú vị.

Tại lễ hội có nhiều hoạt động thể thao thú vị.

“Lễ hội hoa Sim biên giới 2024 là dịp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và là cơ hội thu hút du khách, tạo thêm việc làm và nguồn thu nhập cho người dân. Không những thế thông qua lễ hội, thành phố muốn quảng bá hình ảnh Móng Cái là điểm đến du lịch hấp dẫn, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương", bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Móng Cái cho hay.

Lễ hội gắn với các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng nhằm tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển khu du lịch Quốc gia Trà Cổ, Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia"; tạo không khí vui tươi, phấn khởi và cổ vũ cán bộ, nhân dân các dân tộc tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Du khách cùng người dân trải nghiệm tại đỉnh Mã Thàu Sơn.

Du khách cùng người dân trải nghiệm tại đỉnh Mã Thàu Sơn.

Thông qua các hoạt động trên, nhằm bảo tồn, phát huy, tôn vinh, giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, tiềm năng lợi thế và khai thác những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào các dân tộc thành phố Móng Cái nói chung và các xã miền núi biên giới nói riêng; thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhân dân góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hải Sơn và TP Móng Cái.

Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm thành phố Móng Cái 34 km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh. Đơn vị hành chính có 3 thôn. Dân số có 352 hộ, với 1.862 nhân khẩu, gồm 03 thành phần dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86,8%.

Hoa sim bung nở tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Hoa sim bung nở tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái (Quảng Ninh).

Hải Sơn có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, sự đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc sắc về sản vật địa phương; có nhiều điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn như: Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, cột mốc 1347, Chợ phiên Pò Hèn, làng bích họa xóm họ Đặng, đồi sim Mã Thàu Sơn, xóm 26 hộ, đỉnh Pa Nai, Lòng hồ Tràng Vinh thơ mộng và đặc biệt là có đường quốc lộ 18C đi qua địa bàn thuận lợi. Đây là tiềm năng, lợi thế cho Hải Sơn phát triển.

Trong những năm qua, Hải Sơn luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh, Thành phố đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mới khang trang; quan tâm dành nguồn lực tổ chức các chương trình lễ hội văn hóa độc đáo.

Với những nỗ lực trong công tác tổ chức, quảng bá du lịch tại địa phương, xã Hải Sơn đã và đang trở thành khu du lịch tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Đây được xem là "chìa khóa" để Hải Sơn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới.

Ma Thị Kim Thoa

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-dau-an-tai-le-hoi-hoa-sim-bien-gioi-2024-a664324.html