Nhiều đại biểu chất vấn về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Nguyễn Minh Tuấn nhận được 5 câu hỏi chất vấn, tập trung vào các nội dung về công trình thủy lợi, nước sinh hoạt nông thôn và vi phạm hành lang đê điều.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Tuấn

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Tuấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu huyện Tân Sơn về các công trình thủy lợi trên địa bàn đã xuống cấp do ảnh hưởng của thời gian, thời tiết, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, bằng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước đã cải tạo và nâng cấp một số công trình hồ đập, trạm bơm và đường kênh mương. Hiện đã cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, còn một số hệ thống thủy lợi, như ở huyện Tân Sơn đã xây dựng từ lâu bị ảnh hưởng nhiều bởi mưa lũ, công trình bị bồi lấp nhiều, xuống cấp nghiêm trọng.

Thời gian qua, sau khi hệ thống thủy lợi của huyện được bàn giao cho Công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý, đã được nâng cấp, cải tạo nhiều, tuy nhiên còn mang tính nhỏ lẻ, chưa có nguồn lực lớn để sửa chữa. Sở sẽ tiếp tục dành nguồn lực để nâng cấp công trình thủy lợi, mong muốn người dân cùng Công ty và các HTX đóng góp ngày công và nguồn lực để cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi.

Về lâu dài, ngành đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo an ninh nguồn nước, đề ra từ nay đến 2030 và đến 2045, tập trung cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình thủy lợi với tổng kinh phí hơn 12.500 tỷ, ngành tham mưu cho tỉnh báo cáo các bộ ngành TW hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp và xây mới trên địa bàn nói chung và Tân Sơn nói riêng.

Đại biểu Hoàng Thị Gấm - Tổ đại biểu khu vực huyện Cẩm Khê chất vấn về việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập

Đại biểu Hoàng Thị Gấm - Tổ đại biểu khu vực huyện Cẩm Khê chất vấn về việc cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập

Cũng liên quan đến các công trình thủy lợi, đại biểu huyện Cẩm Khê chất vấn vấn đề cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hành lang an toàn hồ, đập, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc cắm mốc chỉ giới thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư công trình thủy lợi và đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Thời gian qua, ngành đã chỉ đạo lựa chọn 15 công trình có quy mô lớn để cắm mốc trước. Đến nay, đã xây dựng được đề cương, phương án trình Sở, đang chờ các ban, ngành liên quan kiểm tra phê duyệt, đồng thời tháo gỡ khó khăn về kinh phí.

Về nội dung các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã xuống cấp, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết toàn tỉnh có hơn 200 công trình, 21 công trình do doanh nghiệp và hơn 180 công trình do UBND xã quản lý. Hiện các công trình do xã quản lý xuống cấp nhiều do đã lâu và năng lực quản lý chưa tốt. Thời gian tới, ngành sẽ rà soát lại tất cả công trình, giao cho doanh nghiệp và các đơn vị có đủ năng lực khai thác và quản lý.

Đại biểu Đặng Thị Tình - Tổ đại biểu khu vực huyện Yên Lập đặt câu hỏi liên quan đến công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Đại biểu Đặng Thị Tình - Tổ đại biểu khu vực huyện Yên Lập đặt câu hỏi liên quan đến công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Kết luận nội dung này, Chủ tọa Kỳ họp đề nghị: Về việc cắm mốc chỉ giới các công trình thủy lợi, UBND tỉnh cùng Sở rà soát lại các công trình thủy lợi lớn, gần khu vực dân cư cần làm trước, còn lại căn cứ nguồn lực để thực hiện. Khẳng định, tình trạng vi phạm hàng lang đê diễn ra trên toàn tỉnh không riêng một huyện nào, Chủ tọa yêu cầu ngành cùng các địa phương rà soát lại các công trình vi phạm để có hướng xử lý kịp thời. Chủ tịch và bí thư các địa phương rà soát các vi phạm chưa được xử lý, phải chịu trách nhiệm nếu để các vi phạm tiếp tục xảy ra. Về công trình thủy lợi xuống cấp, cần các ban, ngành liên quan cần quan tâm hơn nữa để cùng vào cuộc. Nghiên cứu các dự án nước sạch nông thôn cần trọng điểm, chuyển cho các tổ chức có năng lực, điều kiện vận hành, quản lý.

Việt Hà – Phương Thúy – Phương Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan/nhieu-dai-bieu-chat-van-ve-linh-vuc-nong-nghiep-nong-thon/203377.htm